Khi cô giáo phải quỳ: Giá trị nào lên ngôi?

Hồi năm cuối cấp I, tôi đã bỏ học “rất đàng hoàng” khi tự viết một lá đơn xin thôi học đưa tận tay hiệu trưởng. Lá đơn ấy bố tôi “hướng dẫn”.
Sau đúng một tuần, bố lụi cụi dắt tay đến xin cho vào lớp. Vụ này, về sau mới biết tôi được “cụ” ngầm dạy cho kinh nghiệm về sự chín chắn.
Ký ức ngày đi học luôn lung linh
Con đường nhỏ ở TP Nam Định ngày ấy có hơn chục đứa xêm xêm tuổi chơi với nhau thì 3 trong số đó cùng rời ghế nhà trường trước tuổi lên 10. Khi ấy, phần vì ham mê cá chọi, chọi cù (quay), đánh khăng, ném ống bơ… phần vì e sợ việc đối diện với giáo viên mỗi lần mắc lỗi nên nhiều lần tôi đã tính “noi gương” 3 bạn kia.

Thời đi học của tôi, đó là một trong những ký ức rất lung linh - Ảnh minh họa (Internet)

Và sáng đó đi học muộn, bài tập hôm trước được giao về nhà không làm, tôi bị cô giáo chủ nhiệm gõ mấy thước kẻ vào đầu, bắt đứng úp mặt phía cuối lớp nửa tiếng.

Về kể với bố, bố nói nếu chuyện thế mà sợ thì bỏ học đi nhưng tương lai sẽ khổ. Tôi chắc nịch không khổ, bố đồng ý và câu chuyện viết đơn để “bỏ học đàng hoàng” ra đời theo cách như vậy.
Rồi hôm bố dẫn đi học lại, cô… tiếp tục bắt đứng để đọc to không sót một dấu phẩy lá đơn từng gửi Ban giám hiệu. Đọc xong, chẳng cần cụ thân sinh “nhắc bài”, tôi mếu máo rất thành thực “Em sai, em xin lỗi cô”.
Sau này cô vẫn phạt đòn, bắt đứng úp mặt vào tường với những trường hợp vi phạm nhưng tôi thấy ở đó sự nghiêm khắc cần thiết mà trước đó chưa từng nhận ra.
Chuyện bị giáo viên đánh đau với thế hệ sinh đầu những năm 1980 chúng tôi không có gì lạ. Chúng tôi mắc lỗi, sợ phạt nhưng luôn dành sự kính trọng cao nhất cho những thầy cô của mình.
Quà 20-11 đôi khi chỉ là gói bánh quy, cuốn sổ, hay một bức tranh được in trên giấy khổ lớn nhưng chứa đựng niềm vui tíu tít, tâm trạng hớn hở. Trang báo tường mỗi dịp tôn vinh nghề giáo luôn kín những mảnh giấy ghi cảm xúc rất thật, rất đẹp về hình người đứng trên bục giảng.
Thời đi học của tôi, đó là một trong những ký ức rất lung linh.
Ứng xử với người thầy không nên là “Ăn miếng trả miếng”
Ngày nay, các em học sinh được phụ huynh chiều chuộng hơn, đoạn đường từ nhà tới trường chưa tới nửa cây số đôi khi cũng được đưa đón bằng xe. Thêm nữa, thời đại thông tin lan tỏa, các vấn đề bạo lực học đường được quan tâm nhiều, một vài trường hợp giáo viên nóng tính bị chi tiết hóa hành vi góp phần khiến cho cái nhìn về nghề giáo trở nên thiếu thiện cảm.
Từ đó, như một chiếc xe mất thắng, nhiều người đồng nhất hiện tượng với bản chất, coi hình ảnh người giáo viên không còn đẹp. Họ cho rằng người thầy muốn được tôn trọng thì phải ứng xử sao cho đáng được tôn trọng.

Ngôi trường nơi xảy ra sự việc nữ giáo viên phải quỳ xin lỗi- Ảnh Internet

Gần đây nhất là việc ở Long An, một cô giáo trừng phạt lỗi của học trò, theo cách hiểu bây giờ là khá gay gắt, khi bắt quỳ. Đáng nói, trước áp lực của phụ huynh, nữ giáo viên ấy buộc phải quỳ xuống xin lỗi . Câu chuyện này khiến nhiều người không khỏi chạnh lòng.

Cô giáo đã quản lý học sinh bằng phương pháp tiêu cực, điều này không sai. Tuy nhiên, việc buộc phải trả giá cho cái tiêu cực ấy bằng một cách hành xử tiêu cực hơn thì đó là một sự chữa bệnh không đúng thuốc.
Để đo sức khỏe của một nền giáo dục, ngoài những giải thưởng mang đi so với các nước, những cống hiến tri thức cho sự phát triển xã hội... thì cần một yếu tố quan trọng nữa, đó là tình cảm của mỗi cá nhân đối với những người truyền dạy tri thức.
Người giáo viên cần được tôn trọng. Không nên vì sự ưu tiên trẻ thơ mà đối xử với người dạy chúng theo kiểu trả đũa, ăn miếng trả miếng khi họ có sai sót...
Vì điều đó sẽ khiến kỷ niệm thời học trò, về thầy cô, về những điều tiếp thu trên giảng đường bớt đi sự lung linh, trân quý. Quan trọng hơn, truyền thống tôn sư trọng đạo phải đối diện với nguy cơ dần mai một…
Khi truyền thống tôn sư trọng đạo bị mai một thì giá trị nào sẽ lên ngôi? Cái ác, sự thực dụng, tính ích kỷ ư?... Có thể lắm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm