Hơn cả một Lễ khai giảng đặc biệt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Và chỉ mới hôm qua thôi, ngày 5-9, thầy trò cũng đã trải qua một ngày khai giảng thật đặc biệt, một buổi lễ không tiếng trống, không tưng bừng cờ hoa hay sự nô nức của các học trò.
Bởi dịch COVID-19 vẫn còn diễn biến vô cùng phức tạp, để đảm an toàn phòng dịch nhưng vẫn tạo dấu ấn khởi đầu năm học mới, hầu hết các địa phương đều tổ chức khai giảng trực tuyến. Học trò cũng quần áo tinh tươm, cũng khăn quàng đỏ…nhưng chỉ có thể ngồi nhà dõi theo dõi qua màn hình tivi hay máy tính, điện thoại. Sóng truyền hình trở thành cầu nối để lan tỏa không khí khai trường đến phụ huynh, học sinh.
Ở những nơi có thể tổ chức khai giảng trực tiếp cũng là cảnh thưa thớt thầy trò giãn cách nhau, kín mít khẩu trang, tấm che giọt bắn… để đảm bảo phòng dịch.
Sau hơn ba tháng hè chỉ ở trong nhà, đón năm học mới cũng qua vô tuyến, có lẽ trong lòng bất kỳ ai cũng không tránh khỏi cảm giác buồn và xót xa.
Thế nhưng, giữa sự đặc biệt ấy, việc được ngồi ở nhà để xem tivi, để trò chuyện về năm học mới thật sự là sự may mắn và hạnh phúc.
Bởi ngoài kia, đại dịch COVID-19 đã làm xáo trộn và mất mát quá nhiều. Nó đã cướp đi sinh mạng của hàng chục ngàn người, trong đó có nhiều thầy cô giáo, biết bao học sinh mất đi ba mẹ, biết bao thầy trò không may nhiễm bệnh và đang cố gắng giành giật sự sống từng ngày.
Hay năm học mới đến nhưng nhiều giáo viên, sinh viên vẫn đang ngày đêm miệt mài ở tuyến đầu chống dịch.
Khó khăn, mất mát là vậy nhưng không thể vì thế mà hành trình tìm đến tri thưc bị ngừng trệ theo đại dịch. Năm học mới cũng phải bắt đầu, không học trực tiếp thì học trực tuyến, chưa có sách giáo khoa giấy thì đã có sách điện tử…
Phương án là vậy nhưng giữa khó khăn chồng chất, không phải em nào cũng có điều kiện để tiếp cận việc học.
Như lời ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, sau khi rà soát, TP có khoảng 4% học sinh các cấp không đủ điều kiện học trên internet (khoảng 75.000 học sinh). Trong đó, tiểu học có khoảng 31.000 em, THCS 22.000 em và THPT có 15.000 em. Các em không có thiết bị tối thiểu và đường truyền internet, có thiết bị nhưng không có đường truyền, các lý do khác.
Để không học trò nào phải lùi việc học, hàng loạt giải pháp đặc biệt cũng đã được triển khai. Như các địa phương tạo điều kiện tiếp nhận học sinh trở về từ vùng dịch vào học tập. Nơi tâm dịch như TP.HCM, học sinh các cấp còn được miễn học phí, triển khai mang sách giáo khoa đến tận nhà cho các em,….
Nhiều trường học đã chủ động kêu gọi, vận động đóng góp để có trang thiết bị hỗ trợ HS khó khăn. Thầy cô cũng quyên góp tiền để mua nhu yếu phẩm, sách vở gửi tặng đến phụ huynh, học sinh nghèo để các em yên tâm học tập.
Điều đó cho thấy, năm học mới bắt đầu giữa đại dịch không chỉ còn là sự khởi đầu cho một năm học mới, những kế hoạch mới, những bài học mới, mà hơn hết nó còn là sự vực dậy thêm tinh thần và nghị lực không ngừng học, lan tỏa hơn truyền thống tương thân tương ái.
Còn COVID-19, khó khăn phía trước sẽ còn rất nhiều nhưng đó cũng là động lực thay đổi để thích ứng. Có ý chí, hi vọng và sự đồng lòng, nỗ lực của tất cả các cấp các ngành, của thầy trò cũng như tất thảy người dân, đại dịch sẽ nhanh chóng lùi xa, để thầy trò sớm cùng được đến trường đúng nghĩa. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm