Học trò hứng thú với tiết học Hóa 4.0

Sáng 15-5, trường THCS Lê Qúy Đôn, quận 3, TP.HCM đã tổ chức chuyên đề đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy “Dạy học STEM với công nghệ 4.0” với bài học “Nguyên tử - hành trình xuyên thời gian” do cô Lê Thị Ngọc Thúy cùng tổ Khoa học công nghệ thực hiện.

Tiết học được tổ chức giữa sân trường 

Tiết học có sự tham dự của lãnh đạo Phòng GD&ĐT các quận, huyện, hiệu trưởng và giáo viên một số trường học trên địa bàn cùng giáo viên và phụ huynh học sinh trong trường.

Tiết học diễn ra ngay trên sân trường, ứng dụng tối đa công nghệ 4.0 trong dạy và học với màn hình LED, tivi tương tác, máy tính bản IPAD, kính thực tế ảo VR và đặc biệt là phần mềm học liệu số Mozabook với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động.

Học sinh thích thú với trò chơi ngay đầu tiết học.

Mở đầu tiết học là một phần trò chơi hấp dẫn, gợi mở thông tin về nguyên tử. Tại đây, lớp sẽ chia làm 8 nhóm, sử dụng ipad tham gia trò chơi.

Các em sử dụng tivi tương tác để tìm hiểu kiến thức về nguyên tử.

Khi bước vào nội dung chính, lớp chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm gồm 10 bạn, di chuyển lần lượt qua 3 trạm theo chiều kim đồng hồ. Mỗi trạm sẽ được trang bị tivi tương tác và có một bạn làm nhiệm vụ hướng dẫn. Đây là 3 trạm thông tin sẽ cung cấp cho học sinh những kiến thức liên quan đến nguyên tử.

Trạm 1 là hành trình tìm ra cấu tạo nguyên tử, tại đây học sinh tìm hiểu báo cáo thông tin về quá trình tìm ra cấu tạo nguyên tử thông qua tivi tương tác. Qua trạm 2, học trò được quan sát nguyên tử qua phần mềm atoms revealed để hiểu được nguyên tử có cấu tạo như thế nào. Tới trạm 3, các em tìm hiểu bảng hệ thống tuần hoàn ra đời như thế nào và được khắc ô nguyên tố bằng máy khắc CNC (điều khiển bằng máy vi tính).

Học sinh tìm hiểu về cấu tạo nguyên tử

Sau khi đã tìm hiểu những kiến thức về nguyên tử, học sinh được trang bị đầy đủ công cụ để tạo ra mô hình nguyên tử bằng đèn LED.

Học trò khắc ô nguyên tố bằng máy khắc CNC.

Ngoài ra, các em còn được thực hiện thí nghiệm cùng đá khô để hiểu khái niệm khoảng cách nguyên tử và mối liên quan đến trạng thái của các chất.

Hào hứng với tiết học đặc biệt, em Trần Ngọc Bích Chiêu, học sinh lớp 6, cho biết dù đến lớp 8 em mới học Hóa. Nhưng qua tiết học này, đã giúp em phần nào tiếp cận với môn học này. “Tiết học đã tạo hứng thú cho em. Nó không chỉ là học lý thuyết, qua đó em còn được thực hành làm ra các mô hình nguyên tử như Oxy, Cacbon”.

Học sinh làm mô hình nguyên tử Oxy

Học sinh làm mô hình nguyên tử  Hydrogen

Tương tự, em Phương Linh bày tỏ: “Qua tiết học trên, em đã được tiếp xúc trước một số kiến thức nền tảng để không bị ngỡ ngàng khi tiếp cận với môn Hóa ở lớp 8. Vì thế, em cảm thấy hứng thú với môn Hóa học. Đăc biệt, không giống với tiết học đóng khung trong lớp, đây là tiết học mở, hiện đại. Em được sử dụng tivi tương tác, máy tính bản IPAD, kính thực tế ảo VR để học. Điều này khiến em thích thú”.

Học sinh hào hứng khi hoàn thành xong mô hình nguyên tử  ôxy bằng đèn led

Các em còn sử dụng kính thực tế ảo VR trong tiết học.

Là một trong những người thực hiện tiết học, cô Lê Thị Ngọc Thúy chia sẻ, thực tế lên lớp 8, học trò mới học môn Hóa học, khi đó các em đã có đủ khả năng để tưởng tượng về mạch điện tử. Thế nhưng, do trường có hệ thống hỗ trợ kính thực tế ảo VR, có phần mềm học liệu số Mozabook với nhiều hình ảnh trực quan, sinh động, học sinh nhìn sẽ hiểu.

“Cho nên, tôi đã mạnh dạn áp dụng cho học sinh lớp 6. Đây là một bài học không có trong sách giáo khoa mà chúng tôi tự xây dựng. Qua tiết học, tôi mong các em sẽ hiểu về lịch sử phát triển của Hóa học, qua đó hy vọng sẽ tạo niềm đam mê cho các em về bộ môn Hóa học", cô Thúy nhấn mạnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm