Học sinh đọc rap, giới thiệu về cảnh đẹp Sài Gòn

Bản rap Backward our Saigon do học sinh lớp 11A1, trường THPT Lê Qúy Đôn, quận 3 (TP.HCM) thể hiện

Sáng 17-11, tại trường THPT Lê Qúy Đôn, quận 3 đã diễn ra buổi báo cáo dự án Saigon by bus, một dự án học tập trải nghiệm lịch sử địa phương của học sinh các trường THPT trên địa bàn quận 1 và 3.

Mục đích của dự án là tạo điều kiện cho học sinh tham quan, khám phá những góc nhỏ của TP.HCM, qua đó thay đổi cách tiếp thu kiến thức môn Lịch sử.

Các em sẽ tham quan các di tích lịch sử, danh lam thắng cảm và trải nghiệm cuộc sống con người với các phương tiện như xe bus, xe bus hop on hop off, waterbus.

Sản phẩm bản đồ các di tích lịch sử TP của học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau 4 tuần thực hiện, dự án đã thu được 101 video clip, 12 bản đồ, 34 brouchure, 14 poster. Trong đó có nhiều video clip, những bản rap nhận được phản ứng tích cực từ cộng đồng mạng.

Tại buổi báo cáo dự án, nhóm học sinh 11A1 trường THPT Lê Qúy Đôn đã khiến mọi người bất ngờ khi đọc rap giới thiệu về cảnh đẹp Sài Gòn. Đây là một trong các sản phẩm mà 6 thành viên trong nhóm đã thực hiện trong quá trình làm dự án.

Vốn có khả năng về âm nhạc nên khi dự án bắt đầu Quốc Việt và Quốc Hưng đã lên ý tưởng viết một bài rap. “Do đã có cảm hứng nên tụi em viết lời và tự đọc chỉ trong 1 đêm. Nội dung chủ yếu giới thiệu những nét đẹp của Sài Gòn khi được trải nghiệm qua phương tiện xe bus. Nếu chỉ thuyết minh bình thường thì sẽ rất khô và nhàm chán nên nhóm chọn rap để thể hiện vì đang thịnh hành và được bạn trẻ ưa thích” - Quốc Việt nói.

Trên nền nhạc rap, Sài Gòn hiện ra dưới lăng kính của học trò thật sinh động như “Bất ngờ với nhà thờ Đức Bà, 140 tuổi mà vẫn đẹp như tuổi 15. Qua 3 lần trùng tu vẫn khiến bạn phải say đắm”… Hay "Bưu điện - công trình kiến trúc ở trung tâm Sài Gòn, với phong cách phương tây kết hợp nét trang trí phương đông khiến những người đi đến đâu cũng không phải ngóng trông"...

Cũng theo Quốc Việt, qua việc thực hiện dự án nhóm đã phát huy được sở trường của mỗi thành viên, trau dồi thêm kỹ năng làm việc nhóm. Đặc biệt, dự án đã cho em thấy môn Lịch sử không hề nhàm chán nếu giáo viên biết khơi gợi.

Một số sản phẩm được học sinh thực hiện sau khi hoàn thành dự án Saigon by bus. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Tới buổi báo cáo, nhóm học sinh trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1 đã thiết kế một bản đồ về di tích lịch sử TP.HCM.

Nguyễn Đặng Phương Nhi cho biết, từ trường di chuyển bằng xe bus, mọi người có thể đến Bảo tàng mỹ thuật, nhà hát, bưu điện, Bến nhà rồng, Bảo tàng chứng tích chiến tranh và Dinh độc lập. Để thực hiện dự án, các em có 4 tuần để thực hiện dự án.

“Dự án này rất có ý nghĩa, thay vì tụi em học lịch sử một cách thụ động trên trường thì giờ tự đi, tự tìm hiểu các di tích lịch sử bằng xe bus. Nhờ vậy mà tụi em sẽ nắm sâu kiến thức. Cạnh đó còn có thêm những trải nghiệm đặc biệt khi đi bằng xe bus để khám phá thành phố” - Phương Nhi nói thêm

Tiết mục flashmob của học sinh trường THPT Lê Thị Hồng Gấm tại buổi báo cáo dự án. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Là “chủ xị” của dự án, thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng tổ Lịch sử trường THPT Lê Qúy Đôn, quận 3 bày tỏ: ”Đây là lần đầu tiên dự án có sự kết hợp của 6 trường THPT trên địa bàn quận 1 và quận 3, cũng là lần đầu tiên học sinh dùng phương tiện công cộng để trải nghiệm và khám phá TP. Chúng tôi khá bất ngờ trước những sản phẩm mà các em đã thực hiện bởi các em đầu tư rất công phu từ ý tưởng cho đến cách thể hiện. Điều đó cho thấy, nếu giáo viên biết thay đổi cách dạy, định hướng sẽ khơi gợi niềm đam mê, sáng tạo của học sinh”.

Thầy Du cho hay, dự án sẽ được lấy điểm kiểm tra định kỳ, đó cũng là một cách khuyến khích học sinh hăng say tham gia dự án cũng như là cơ hội để giáo viên đa dạng hình thức đánh giá.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm