Học nghề dễ tìm việc làm

Học trường nghề dễ tìm việc làm, lương cao ngay từ khi nhận việc là thực tế mà các doanh nghiệp đang thực hiện. “Hiện nay học nghề ra trường thuận lợi, dễ tìm việc làm. Nhiều nghề như cơ khí, ôtô, hàn… không có người để cung cấp” - ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho hay.

Hiếm khi phải đào tạo lại

Công ty Nano (chuyên về lĩnh vực liên quan đến các nghề cơ điện tử, điện tử, điện công nghiệp) từ năm 2004 đến nay luôn nhận học viên trường nghề về thực tập. “Mỗi khóa có khoảng 30 học viên trình độ trung cấp thực tập. Từ mỗi khóa tôi giữ lại 4-5 em để làm việc. Ở Công ty Nano, mức lương cho học viên mới tốt nghiệp trình độ trung cấp khoảng 3,5 triệu đồng/tháng, làm từ hai năm trở lên thì lương từ 5 đến 6 triệu đồng. Chúng tôi cần thợ lành nghề chứ không cần kỹ sư đi học nghề, vì vậy mà trả lương tương xứng với tay nghề các em đạt được” - ông Nguyễn Văn Diện, Giám đốc Công ty Nano, nói.

Ông Diện cho hay ông thích nhận học viên trường nghề, nhất là học sinh Trường CĐ Nghề TP.HCM, CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. “Chất lượng đầu vào tương đối tốt, giỏi về tay nghề. Vì vậy khi nhận về chúng tôi không phải đào tạo lại” - ông Diện nhận xét.

Học nghề dễ tìm việc làm ảnh 1

Xã hội đang cần nhiều lao động được đào tạo bài bản từ các trường nghề. Ảnh: P.ĐIỀN

Học nghề dễ tìm việc làm ảnh 2

Sinh viên các trường ĐH xếp hàng dài để tìm việc tại các hội chợ việc làm. Ảnh: P.ĐIỀN

Ông Lê Xuân Long, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Cơ điện lạnh Xuân Long, cũng nhìn nhận: “Chúng tôi chỉ hướng dẫn học viên trong thời gian thực tập nhưng không nhiều, chủ yếu để học viên làm quen với công việc thực tế tại doanh nghiệp. Do đó, khi học viên ra trường thì hầu như không đào tạo lại nữa. Nói chung, các em có năng lực rất tốt nên vào việc rất nhanh. Nhiều em sau một thời gian làm việc đã mở doanh nghiệp riêng”. Theo ông Long, chất lượng đào tạo nghề hiện tại đều đạt tiêu chuẩn, lao động đều có tay nghề rất tốt.

“Tôi thích học viên Trường CĐ Nghề TP.HCM và CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM vì chất lượng đầu ra rất tốt. Các em từ trường nghề ra thường bắt tay vào làm luôn, còn các em trình độ ĐH chủ yếu chỉ học lý thuyết nên ra trường chúng tôi vẫn phải đào tạo lại” - ông Nguyễn Văn Đào, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Bình Long, nói. “Với các ngành nghề liên quan đến điện tử, cơ điện tử, cơ khí… mà chỉ học lý thuyết suông, thực hành ít thì không thể nào cho ra kết quả tốt” - ông Đào khẳng định.

Cần nhiều nhân lực từ trường nghề

Ông Trần Anh Tuấn cho biết: “Tôi thường đi các trung tâm, trường nghề để kiểm tra thì thấy ngoài các nghề hàn, tiện, cơ khí, sửa chữa máy tính… thì nghề lái xe cũng đang thiếu nhân lực. Trong khi đó, lao động trình độ ĐH, CĐ cứ xách đơn đi tìm việc dài dài”. Theo ông Tuấn, nếu học viên trường nghề chịu học thì rất dễ tìm việc làm. Vì trong quá trình học họ được rèn luyện thực tiễn nên tay nghề cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

Ông Trần Anh Tuấn nhận định: “Hiện nay, nguồn nhân lực về nghề thiếu. Trong khi đó, xã hội cứ quảng bá học ĐH mới kiếm được việc làm ổn định nên các gia đình khuyến khích, cho con theo học ĐH. Thực tế cho thấy hiện nay, những người học nghề rất thành công chứ không vất vả với vấn đề việc làm. Tuy nhiên, người Việt Nam lại dị ứng với chữ “nghề”. Nên chăng, nếu gọi là “đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ” thì mọi người sẽ dễ chọn học hơn”.

Ông Tuấn cũng nhìn nhận sự mất cân đối trong việc đào tạo nguồn nhân lực và nhu cầu thực tế của xã hội. Bởi hiện có trên 60% sinh viên theo học các ngành kinh tế trong khi định hướng phát triển kinh tế-xã hội của TP (năm 2011 đến 2015) tập trung vào các nhóm ngành kỹ thuật (cơ khí, điện tử, tin học; hóa chất và chế biến lương thực-thực phẩm), cùng với đó là các nhóm dịch vụ (tài chính-tín dụng-ngân hàng-bảo hiểm; thương mại; vận tải; kho bãi; bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin-truyền thông; kinh doanh tài sản-bất động sản; dịch vụ tư vấn; khoa học-công nghệ; du lịch; y tế; giáo dục-đào tạo). Điều này cũng đồng nghĩa với việc TP đang cần một nguồn nhân lực dồi dào về các ngành nghề kỹ thuật, sản xuất.

Tuy nhiên, mặt hạn chế của TP là chưa tổ chức được hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động một cách đầy đủ, chuẩn xác. Cạnh đó, người lao động và người sử dụng lao động còn thiếu thông tin về cung-cầu lao động để định hướng phát triển sản xuất-kinh doanh và xây dựng chiến lược nguồn nhân lực bền vững.

QUỐC DŨNG - PHONG ĐIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm