Hồ sơ dự thi ĐH, CĐ giảm mạnh

Hồ sơ dự thi ĐH, CĐ giảm mạnh ảnh 1

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM - Ảnh: Như Hùng

Một số địa phương có lượng hồ sơ ĐKDT lớn trước đó như Đồng Nai, Đắk Lắk, Bình Định... nay giảm 3.000-9.000 bộ.

Tín hiệu đáng mừng

Bà Lê Thị Kim Oanh, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đắk Lắk, cho biết năm nay sở nhận được gần 40.000 hồ sơ, giảm 8.500 hồ sơ so với năm trước, tức giảm đến gần 20%. Theo bà Oanh, việc giảm này là tín hiệu đáng mừng bởi học sinh đã được định hướng nghề nghiệp tốt hơn. Bên cạnh đó, lệ phí ĐKDT cao cũng khiến học sinh phải suy nghĩ kỹ càng hơn.

Tương tự, ở Bình Định, theo bà Nguyễn Thị Hoàng - phó trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Bình Định, lượng hồ sơ năm nay giảm 7.600 bộ so với năm trước. “Ngoài việc học sinh lớp 12 của tỉnh giảm so với năm học trước, việc định hướng nghề nghiệp được thực hiện tốt nên học sinh thi trường nào nộp trường đó, không còn nộp nhiều như trước đây” - bà Hoàng nói.

Lượng hồ sơ thi ĐH, CĐ của tỉnh Đồng Nai cũng giảm 6.300 bộ. Ông Lê Văn Đức, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho hay lượng học sinh của tỉnh tương đương năm trước nhưng hồ sơ giảm chứng tỏ học sinh đã cân nhắc chọn ngành, chọn trường tốt hơn, hạn chế tình trạng hồ sơ ảo.

Ở các địa phương khác như Quảng Nam, Gia Lai, An Giang, Đồng Tháp, Bình Thuận... lượng hồ sơ ĐKDT cũng giảm 3.000 - 5.000 bộ tùy địa phương. Còn tại TP.HCM, lượng hồ sơ giảm khoảng 20.000 bộ so với năm trước. Ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM, cho biết năm nay đơn vị này nhận được 28.000 hồ sơ, giảm so với năm trước. Về cơ cấu khối thi, khối A chiếm phần lớn với hơn 9.700 hồ sơ, kế đến là khối B, khối D1, khối A1 và khối A chỉ có 1.073 hồ sơ.

Ở khu vực phía Bắc, là địa phương luôn có lượng hồ sơ dự thi cao nhất nước, nhưng năm nay lượng hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ của thí sinh Hà Nội cũng giảm đến 13.000 bộ, chỉ còn hơn 150.000 hồ sơ. Tại Thanh Hóa - nơi luôn có đến hơn 20.000 thí sinh đỗ ĐH, CĐ mỗi năm, sau khi giảm 16.000 hồ sơ năm 2013, năm 2014 số hồ sơ dự thi ĐH, CĐ toàn tỉnh tiếp tục giảm thêm 14.000. Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Long, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở

GD-ĐT Thanh Hóa, thông tin 25.000 SV Thanh Hóa tốt nghiệp ĐH, CĐ rơi vào cảnh thất nghiệp từ cuối năm 2012, đầu năm 2013 đã thật sự gây sốc và tác động mạnh đến việc lựa chọn thi trường nào, thi hay không thi đối với thí sinh trong tỉnh.

“Nếu so với 5-6 năm trước thì số hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ của thí sinh Thanh Hóa giảm đến gần 70%. Không tính số thí sinh tự do thì toàn tỉnh cũng có đến 38.000 học sinh đang học lớp 12, nhưng tổng số hồ sơ thu về chỉ là 49.000. Tại Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn, một số trường THPT chỉ có chưa đến 50% thí sinh ĐKDT ĐH, CĐ” - ông Long nói.

Chạy đua vào sư phạm, kinh tế

Một trong những điểm đáng chú ý trong kỳ tuyển sinh năm nay là việc đa số thí sinh chọn trường địa phương, trường gần nhà. Ông Lê Đình Dưỡng, trưởng phòng giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Quảng Nam, cho biết trong số hơn 38.000 hồ sơ của học sinh tỉnh này có đến gần 27.000 học sinh chọn thi tại ĐH Huế, Đà Nẵng. Trong khi đó lượng hồ sơ vào các trường tại TP.HCM chỉ có hơn 4.900 bộ, giảm mạnh so với năm trước. Tương tự, Trường ĐH Đồng Nai được học sinh tỉnh này chọn thi nhiều nhất.

Trong khi đó, học sinh tỉnh Gia Lai chọn thi nhiều nhất vào ĐH Quy Nhơn, ĐH Tây Nguyên. Phần lớn học sinh tỉnh Bình Định chọn thi ĐH Quy Nhơn, Nha Trang và hai trường CĐ tại địa phương là CĐ Bình Định và CĐ Y tế Bình Định, 1/3 học sinh Đắk Lắk chọn thi vào Trường ĐH Tây Nguyên...

Đáng chú ý, lượng hồ sơ vào các ngành sư phạm tăng đột biến. Theo ông Lê Đình Dưỡng, trong số hơn 11.000 hồ sơ của tỉnh này đăng ký vào ĐH Đà Nẵng thì Trường ĐH Sư phạm chiếm lượng hồ sơ nhiều nhất, trong khi hồ sơ vào các trường Bách khoa, Kinh tế, Ngoại ngữ đều giảm so với năm 2013. Tương tự, hồ sơ của học sinh tỉnh này tại ĐH Huế tập trung vào các nhóm ngành nông lâm, y dược và sư phạm. Ông Nguyễn Quốc Cường cho biết lượng hồ sơ vào Trường ĐH Sư phạm TP.HCM mà đơn vị này nhận năm nay tăng gấp đôi so với năm trước. Kế đến mới là các nhóm ngành kỹ thuật, nông lâm. Ghi nhận cho thấy lượng hồ sơ vào nhóm ngành y tế cũng tăng mạnh so với năm trước.

Đặc biệt, ở các tỉnh phía Bắc dù nhóm ngành kinh tế, quản lý đã được Bộ GD-ĐT cảnh báo về nguy cơ dư thừa nhân lực, khả năng thất nghiệp cao sau tốt nghiệp, nhưng vẫn là lựa chọn phổ biến của nhiều thí sinh. Theo thống kê của Sở GD-ĐT Hà Nội, Học viện Tài chính có 4.700 hồ sơ, ĐH Kinh tế quốc dân có 4.900 hồ sơ, Học viện Ngân hàng cũng có 4.900 hồ sơ và ĐH Thương mại có 3.800 hồ sơ... Còn tại Thanh Hóa, năm 2013, Học viện Tài chính chỉ đứng thứ 26 về lượng hồ sơ thí sinh dự thi thì năm nay vươn lên vị trí thứ 5 với khoảng 1.600 hồ sơ, ĐH Kinh tế quốc dân cũng vươn lên vị trí thứ 8 với 1.078 hồ sơ, ĐH Thương mại 1.064 hồ sơ...

Ít thí sinh đăng ký trường tuyển sinh riêng

Năm nay, lần đầu tiên Bộ GD-ĐT cho phép 62 trường ĐH, CĐ thực hiện tuyển sinh theo đề án riêng bên cạnh tuyển sinh theo hình thức “ba chung”. Thống kê cho thấy rất ít học sinh tham gia đề án tuyển sinh riêng của các trường. Tại cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT ở TP.HCM, chỉ có 3 hồ sơ dự tuyển vào đề án tuyển sinh riêng. Tỉnh Quảng Nam chỉ có 5 hồ sơ. Đại diện các sở khác cũng cho biết học sinh hầu như không mặn mà với việc tuyển sinh riêng. Theo lý giải của các sở, đa số các trường đều tuyển sinh bằng hình thức “ba chung” bên cạnh tuyển sinh riêng nên học sinh vẫn thích thi “ba chung” hơn bởi cơ hội xét tuyển nhiều hơn.

Ông Nguyễn Văn Long:

Không ai chịu trách nhiệm

Là một người làm giáo dục, tôi thấy quá buồn khi bao lâu nay Bộ Kế hoạch - đầu tư, Bộ GD-ĐT không công bố được những quy hoạch cụ thể ngành nào đang thiếu người, ngành nào đang dư nhân lực, để mặc thí sinh lựa chọn có thể đúng, có thể sai mà không ai chịu trách nhiệm. Ngay cả với ngành kinh tế, Bộ GD-ĐT cảnh báo dư thừa nhưng cũng không có biện pháp hạn chế nguồn tuyển, mặc kệ các trường đăng ký chỉ tiêu chỉ dựa trên thông số đội ngũ đơn thuần. Do đó cũng rất dễ hiểu khi dù được cảnh báo rất rõ, nhưng thí sinh vẫn lựa chọn ngành này rất đông.

Theo MINH GIẢNG - NGỌC HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm