Hiệu trưởng càng ở cấp dưới quyền càng to

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhận định như vậy tại Hội nghị thực hiện quy chế dân chủ trong cơ sở giáo dục, đào tạo do ông chủ trì, sáng 24-3. 

Phó Thủ tướng nhận định có một thực tế là “quyền của hiệu trưởng càng cấp dưới càng to”. Trong các trường học, hiệu trưởng có đủ các thứ quyền “phân công làm nọ, làm kia. Và tình trạng này tồn tại ở rất nhiều trường phổ thông, nhất là các trường tiểu học.

Thảo luận tại hội nghị, ông Bạch Ngọc Chiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định nêu chuyện giáo viên phải mất tiền “chạy chọt” mới được vào trường dạy học rất phổ biến hiện nay. Ông đặt vấn đề nếu giáo viên được tuyển dụng một cách không minh bạch như thế thì làm sao họ tồn tại một cách tử tế được.

“Họ đi hết cả một chặng đường từ giáo viên quèn lên đến hiệu trưởng thì vị hiệu trưởng đó… thật khủng khiếp. Tôi tin quy chế, thể chế của chúng ta là đủ, thậm chí thừa, nhưng rơi vào tay những người như vậy thì người ta vẫn lách được, thực hiện theo hướng có lợi cho người ta”, ông Chiến nói.

Đồng thời ông Chiến dẫn chứng vụ hiệu trưởng trường tiểu học Nam Trung Yên (Hà Nội), cho thấy vị hiệu trưởng này “ghê gớm đến làm được nhiều thứ”, cho đến khi giáo viên trong trường chắc chắn vị hiệu trưởng này bị kỷ luật thì mới dám mở miệng nói.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu bên lề hội nghị quy chế dân chủ trong nhà trường diễn ra sáng 24-3

Nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện quy chế dân chủ tại trường học, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa dẫn chứng vụ kiện tụng kéo dài tại Trường ĐH Ngoại thương và vụ hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên. Theo bà Nghĩa, nguyên nhân của các vụ việc này là do người đứng đầu thiếu trách nhiệm trong việc thực hiên quy chế dân chủ.

“Nếu hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên khi xảy ra vụ việc nhận lỗi, trao đổi với học sinh, phụ huynh, xử lý kịp thời thì việc đã không thành chuyện lớn. Nhưng thực tế cô hiệu trưởng này không trung thực, cố giấu lỗi, rồi bắt giáo viên, học sinh trong trường xác nhận cho việc sai sự thật, nghĩa là áp dụng một cách thăm dò ý kiến để phát huy dân chủ ở cơ sở nhưng lại là mất dân chủ”, bà Nghĩa nói.

Cũng theo bà Nghĩa, việc lập Hội đồng trường, một cơ cấu để giám sát, phân chia quyền lực với người đứng đầu nhằm ngăn chặn sự mất dân chủ trong nhà trường theo quy định của pháp luật chưa được coi trọng. Hiện mới có 16 trường đại học trong số các trường do Bộ quản lý thành lập Hội đồng trường, tuy nhiên hoạt động vẫn còn hình thức.

Trước vấn đề này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Nhiều trường không thành lập Hội đồng trường, nhiều đồng chí nói Hội đồng trường lập rồi hoạt động hình thức. Nếu nó hình thức thật thì sao mọi người không lập đi cho đúng luật. Hay là nó rất quan trọng cho nên lập ra nó hạn chế sự độc đoán của một số cá nhân?”

Kết luận hội nghị Phó Thủ tướng yêu cầu việc thực hiện quy chế dân chủ trong môi trường giáo dục phải đi trước để lan toả tinh thần dân chủ trong toàn xã hội. Hiện cả nước có tới 22 triệu học sinh sinh viên, 1,4 triệu giáo viên đi kèm là bao nhiêu gia đình vì thế thực hiện tốt dân chủ trong nhà trường, sẽ giúp lan toả ra toàn xã hội.

“Đầu tiên phải làm từ hệ thống quản lý giáo dục: phòng, ban, sở, bộ… , từ đó rà đến công tác cán bộ, tuyển giáo viên. Không có dân chủ nếu bên trên cầm tay chỉ việc, áp đặt xuống bên dưới, đặc biệt là trong việc bổ nhiệm, tuyển dụng giáo viên”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của hiệu trưởng vì “nơi nào quyền lực tập trung vào một người thì ở đó quyền lực dễ bị tha hoá”. Phải phân ra cái gì là quyền lực cá nhân, cái nào tập thể. Đồng thời ông cũng giao nhiệm vụ cho các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế tự chủ cho các trường, trước hết là thí điểm cấp sau phổ thông.

Việc tự chủ này bao gồm ba mặt: chuyên môn, tài chính, tuyển dụng. Ông Cũng yêu cầu Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH ra văn bản chỉ đạo các trường phải công khai, minh bạch các thông tin để nhà nước quản lý, xã hội giám sát vì luật đã có, hơn nữa “kinh nghiệm cho thấy càng chi tiết thì dân chủ càng đảm bảo”.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.