Hãy thay đổi cách dạy sử

Mỗi học sinh ít nhất phải am hiểu lịch sử của chính mảnh đất quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên” - Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã phát biểu như vậy trước hàng trăm học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh (Đà Nẵng) nhân lễ tổng kết cuộc thi “Em yêu lịch sử Việt Nam” tổ chức cuối tuần qua.

Với hơn 2.170 bài dự thi gửi về, cuộc thi đã thu hút hàng ngàn học sinh THCS và THPT trên cả nước tham gia. Mỗi bài thi là một cách thể hiện khả năng am hiểu lịch sử, trình bày độc đáo và tình cảm chân thành của các em với những nhân vật, sự kiện lịch sử của dân tộc. Không có những con số khô khan, không có những cứ liệu cứng nhắc, mỗi bài học về lịch sử được tạo nên bằng những tấm ảnh, cuộn phim sinh động, kích thích sự tìm tòi, hứng thú của học sinh. Đáng chú ý, trong số hàng ngàn bài dự thi, có nhiều bài là của các em học sinh sinh ra, lớn lên ở nước ngoài.

Nhiều người ví lịch sử như một chiếc túi khôn chứa tri thức mà trong đó có những bài học kinh nghiệm được đánh đổi bằng xương máu của biết bao thế hệ cha ông viết nên. Nhưng thời gian qua có một thực trạng đáng buồn là nhiều học sinh không mặn mà với môn lịch sử. Những điểm 0 môn lịch sử trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT đã gióng lên những hồi chuông cảnh báo về một thế hệ trẻ ít am hiểu lịch sử dân tộc. Nhiều người chỉ ra nguyên nhân để xảy ra “lỗ hổng” lịch sử trên là có phần trách nhiệm của phương pháp dạy sử khô cứng, máy móc và rập khuôn. Học sinh bị “nhồi” những kiến thức mà chính những người biên soạn sách cũng không thể nhớ nổi như một dãy sự kiện, con số ngày tháng…

GS-TS KH Vũ Minh Giang, Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, chia sẻ rằng khi tổ chức cuộc thi này, ông vẫn luôn canh cánh nỗi lo học sinh, nhà trường chỉ tham gia theo kiểu cho có, lấy thành tích phong trào. Nhưng khi đón nhận những bài thi được trình bày công phu, mang nhiều tâm huyết khiến ông và mọi người thêm kỳ vọng về một thế hệ trẻ không thờ ơ với lịch sử dân tộc. Vậy nên để “hút” học sinh trở lại với môn lịch sử, trong các nhà trường cũng cần phải có phương pháp giảng dạy và truyền thụ đặc biệt.

TẤN TÀI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm