Hãy dạy con trẻ biết đương đầu

Sau cái chết của em Tâm, Công an huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi) đang làm rõ các thông tin liên quan để có hướng xử lý.

Pháp Luật TP.HCMghi nhận ý kiến của các chuyên gia phân tích khía cạnh tâm lý của vụ việc.

Đừng để con trẻ rơi vào cảm giác một mình

Có thể thấy các bạn trẻ hiện nay sống trong môi trường xã hội với những điều kiện vật chất thoái mái, dễ dàng đạt được những điều mình mong muốn. Chẳng hạn như liên lạc với nhau chỉ cần có một cái click chuột, một cái vuốt điện thoại. So với thế hệ trước thì điều kiện thiếu thốn, muốn có cái gì người ta phải bỏ rất nhiều công sức. Chính vì điều kiện sống như vậy mà nghị lực, ý chí của giới trẻ đã giảm xuống, nội lực bên trong không đủ mạnh mẽ để đương đầu với những biến cố tiêu cực trong cuộc sống. Nên khi gặp khó khăn, trắc trở, các bạn có cảm giác như đang đối mặt với một tảng đá rất nặng, rất lớn không thể giải quyết được và chấp nhận để tảng đá ấy đè bẹp.

Nguyên nhân khác có thể xuất phát từ phía phụ huynh dành thời gian cho công việc quá nhiều nên thiếu định hướng, chia sẻ về mặt cảm xúc, tinh thần với trẻ. Với vốn kinh nghiệm sống ít ỏi, khi đối mặt với những khó khăn, không có nguồn lực hỗ trợ, chắc chắn các bạn trẻ sẽ cảm thấy chông chênh, chơ vơ, tìm đến cái chết để giải thoát.

Trong quá trình làm tham vấn tâm lý, tôi cũng gặp không ít trường hợp các bạn thanh thiếu niên cấp III, sinh viên có dấu hiệu muốn giải quyết vấn đề bằng cách tự sát khi gặp trục trặc trong tình cảm, người yêu chia tay, áp lực từ phía gia đình trong học tập, việc làm,… Hoặc có trường hợp gặp những áp lực không lớn nhưng cộng lại từ nhiều hướng cũng tạo thành vấn đề lớn cho các bạn trẻ.

Để ngăn chặn những trường hợp đáng tiếc thì cha mẹ cần tương tác, giao tiếp với con cái, chẳng hạn đặt ra một khoảng thời gian trong ngày để nói chuyện với con, ăn miếng cơm với con trong vòng 20 đến 30 phút để theo dõi những cảm xúc, tâm tư của con cũng như có mối quan hệ thân thiết với con. Để con không bao giờ nghĩ rằng con chỉ có một mình, không có nguồn lực nào hỗ trợ khi gặp khó khăn.

Với các bạn trẻ, khi gặp vấp ngã thì các bạn hãy nhớ rằng không chỉ có một mình mình mà còn cha mẹ, bạn bè, người thân ở bên cạnh mình. Khi gặp những vấn đề liên quan đến danh dự cá nhân, tình yêu thì thường về mặt cảm xúc sẽ chịu cường độ kích thích lớn như nóng giận, đau buồn thì không nên vội quyết định việc gì.

ThS tâm lý học NGUYỄN NGỌC DUY,
Trung tâm Chăm sóc tinh thần Ý Tưởng Việt

Dạy trẻ sống có trách nhiệm

Cha mẹ phải biết cách làm cho trẻ sống có trách nhiệm, hiểu được có trách nhiệm là không được hủy hoại cơ thể mình dù có là của mình đi chăng nữa, chỉ có trách nhiệm với bản thân thì mới có trách nhiệm với xã hội, gia đình và cộng đồng. Bản thân cha mẹ cũng phải làm gương những chuyện đó.

Mỗi một gia đình cần cố gắng trang bị cho con sức đề kháng với tệ nạn xã hội. Trường học nên đưa những bài học kỹ năng thực hành xã hội nói về trách nhiệm với bản thân, gia đình, đề cao giá trị mà bản thân mang lại phúc lợi cho xã hội. Cách truyền đạt cho trẻ tốt nhất nên lấy từ những câu chuyện vừa xảy ra trên thực tế để làm bài học và phân tích cho trẻ hiểu. Thêm một lần được trang bị như thế, trẻ như được tiêm thêm một liều vaccine, khi có chuyện xảy ra thì trẻ biết giải quyết vấn đề và tìm lối thoát khi bế tắc để không có những hành động dại dột.

ThS NGUYỄN THÀNH NHÂN, cố vấn cao cấp về kỹ năng thực hành xã hội của Trung tâm Đào tạo tài năng trẻ Thái Bình Dương

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm