GS Ngô Bảo Châu truyền lửa cho các thủ khoa

“Người làm khoa học phải giữ được trong mình ngọn lửa đam mê và nhãn quan trẻ thơ, luôn ham muốn khám phá, tìm tòi” - GS Ngô Bảo Châu (Viện trưởng Viện Toán học cao cấp Việt Nam) phát biểu tại buổi giao lưu với 112 thủ khoa các trường ĐH của Hà Nội diễn ra ngày hôm qua (20-8) tại Hà Nội.

Luôn ham muốn khám phá

Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Ngọc Dũng, thủ khoa Trường ĐH Mỏ-Địa chất, về những khó khăn mà người nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực toán học phải đối mặt, GS Ngô Bảo Châu nói bản thân ông khi bước chân vào lĩnh vực này thường xuyên gặp phải những khó khăn, thậm chí là thất bại. “Nhưng nếu trong thất bại mà các bạn vẫn thành thực với chính mình, vẫn giữ được đam mê thì đó là mầm mống của thành công” - GS Ngô Bảo Châu đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ.

Cũng xoay quanh chủ đề về những khó khăn trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, bạn Dương Thanh Long (thủ khoa ĐH FPT) hỏi: Làm cách nào để giữ được niềm đam mê trong khoa học? GS Ngô Bảo Châu thừa nhận trong khoa học khó nhất là làm được lâu và giữ được ngọn lửa đam mê như ban đầu. Trích dẫn một câu nói của nhà triết học cổ đại Platon: “Cội nguồn của niềm đam mê chính là con mắt của trẻ thơ”, GS Ngô Bảo Châu nhắn nhủ đến các thủ khoa phải luôn giữ được trong mình con mắt của tuổi thơ, luôn ham muốn khám phá. “Người xưa có câu nói: Hiểu làm gì? Trời sinh ra thế. Trong khi đó, nếu có con mắt trẻ thơ chúng ta sẽ luôn đặt câu hỏi Tại sao lại thế? và tìm cách giải đáp nó” - GS Ngô Bảo Châu nói.

GS Ngô Bảo Châu truyền lửa cho các thủ khoa ảnh 1

Thủ khoa Học viện Hành chính quốc gia Phạm Ngọc Huyền đặt câu hỏi tại buổi giao lưu. Ảnh: VT

“Tôi từng bi quan lắm”

“Thời gian đầu về nước, cảm giác bi quan của tôi tương đối lớn” - GS Ngô Bảo Châu trả lời câu hỏi của bạn Phạm Ngọc Huyền (thủ khoa Học viện Hành chính) về giá trị của học vấn. GS Châu cho hay ông đã từng được nghe một GS khác của Việt Nam nói về những đổ vỡ của các giá trị cấu thành trong mỗi con người, đó là chân lý, đạo đức và thẩm mỹ đều bị tha hóa, cái duy nhất còn lại là sự tôn thờ sức mạnh. Tuy nhiên, ông cũng tâm sự chính ánh mắt và sự tự tin của các bạn thủ khoa tại buổi giao lưu này đã gạt bỏ trong ông những lo ngại đó.

Lấy ví dụ từ chính giải thưởng Fields mà mình đã đạt được cũng vào khoảng thời gian này năm 2010, GS Ngô Bảo Châu nói: “Đối với tôi, giải thưởng đó chỉ là một sự công nhận giá trị bản thân trong công việc nhưng cái đạt được khiến tôi vui đó là dấy lên niềm hy vọng, niềm tin trong các bạn trẻ”.

Gửi gắm nhiều hy vọng ở các bạn thủ khoa, GS Ngô Bảo Châu cũng đồng thời nêu ra thực trạng của đất nước trong bối cảnh chung, ông nói: “Khoảng cách của nước ta so với các nước trên thế giới không rút ngắn lại mà càng bị bỏ xa hơn”. Từ đó, ông đề nghị cần phải xây dựng lại cơ chế và thay đổi về nhận thức trong xã hội. “Có nhiều người cho rằng muốn có cuộc sống ổn định, yên ổn về vật chất thì nên đi theo con đường kinh doanh… đây là một quan niệm không đúng”. Theo GS, muốn mưu cầu hạnh phúc không phải là đòi hỏi ở sự yên ổn mà là sống với những gì mình muốn.

Không nên để choáng ngợp với hào quang

Tâm sự với các thủ khoa về việc phải làm gì để xứng đáng với danh hiệu mà mình đang được sở hữu, GS Ngô Bảo Châu nói: “Danh hiệu thủ khoa hay những vinh danh khác thì điều lớn nhất là niềm tin về bản thân. Niềm tin đó sẽ giúp ích cho các bạn trong tương lai nhưng chỉ nên dừng ở đó thôi, không nên để choáng ngợp bởi hào quang đó. Không nên coi đó là một sức ép. Hãy để những cái đã qua làm hành trang giúp bạn vượt qua những khó khăn”. Ông cũng hy vọng: “Nếu có duyên gặp lại sau một năm, biến cố cuộc sống không làm tắt đi niềm đam mê hiện tại trong ánh mắt các bạn”.

HỒ VIẾT THỊNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm