Gieo chữ, trồng người nơi đảo xa

Xuất thân trong một gia đình nghèo của tỉnh Thanh Hóa, sớm thấu hiểu được những khó khăn, vất vả của các em học sinh nơi đảo xa phải trải qua, thầy giáo Lê Xuân Quyết đã quyết định viết đơn xin được ra đảo Song Tử Tây, thuộc huyện Trường Sa, Khánh Hòa, với khát khao cháy bỏng là mang “con chữ” đến với những học sinh nơi đầu gió, ngọn sóng của Tổ quốc.

Tình thầy trò nơi đảo xa

“Khi còn học tiểu học, chứng kiến nhiều bạn bè cùng trang lứa phải bỏ học giữa chừng cũng vì hoàn cảnh gia đình. Trong đầu tôi khi đó nghĩ rằng tại sao việc học lại khó khăn đến vậy? Từ đó, tôi đã có ước mơ trở thành một người thầy giáo để giúp các em học trò nghèo được cắp sách tới trường...” - thầy Quyết tâm sự.

Thời còn là sinh viên của Trường CĐ Sư phạm Nha Trang, mới chỉ là năm nhất, năm hai nhưng biết bao lần Quyết đã đến Sở GD&ĐT tỉnh Khánh Hòa để hỏi về việc tuyển giáo viên ra đảo Trường Sa. Cũng may mắn, đúng vào năm ra trường thầy Quyết đã được tuyển chọn.

Lần đầu tiên đặt chân lên đảo Song Tử Tây, thầy giáo trẻ ấy không ngờ điều kiện ở đây lại khó khăn đến vậy. Trường học rất thô sơ, không đủ lớp, cả trường có chín học sinh gộp chung khối tiểu học và mầm non, phòng học có hai bảng đen quay về hai hướng. Có năm phải kê thêm bảng vì là có lớp ghép. Nhớ lại những buổi đầu đứng lớp thầy giáo loay hoay dạy bên này, lại quay sang dạy bên kia.

Đồ dùng học tập như bút chì, màu, giấy tô… cũng rất thiếu thốn. Phải bốn đến năm tháng mới có một chuyến hàng từ đất liền cập bến trên đảo.

Những ngày đầu trò chưa quen thầy, đặc biệt là học sinh mầm non có em khi vừa tới lớp học đã khóc nức nở đòi về nhà, các em lớn hơn chỉ cần thầy lơ mắt là trèo cửa sổ trốn về. Khi ấy thầy Quyết lại phải nghĩ cách “lấy lòng” học sinh, xem các trò như người bạn để cùng chơi, cùng học với các em, giúp các em hòa nhập dần với môi trường mới. Ở ngoài đảo điện thắp sáng cũng chỉ có một lúc vào mỗi buổi đêm, những tiết học vào buổi chiều cả thầy và trò đều ướt đầm đìa vì nóng bức, mồ hôi vã ra rơi từng giọt trên trang sách. Những lúc như vậy, thầy không biết làm gì hơn ngoài việc động viên các em “cũng gần dịu rồi, các con cố gắng”.

Bốn năm cống hiến nơi đảo xa, thầy Quyết vẫn nhớ như in vào những ngày lễ các em học sinh trên đảo động viên thầy bằng những lời chúc kẹp lên trang sách đặt ở bàn giáo viên, nét chữ nắn nót “Mong thầy đừng xa bọn em, chúc thầy có thêm nhiều đóng góp nữa” khiến thầy hết sức xúc động. Chính những ứng xử giản dị đó lại càng làm cho tình cảm thầy và trò xích lại gần nhau hơn, giúp thầy 9X có thêm động lực để phấn đấu hơn.

Thầy Quyết và học trò tại lớp học trên đảo Song Tử Tây. Ảnh: PH

Hết lòng vì học sinh cơ nhỡ

Một câu chuyện khác về người thầy giáo Đoàn Văn Kiều (SN 1979), người đã công tác tại Trường THCS Sơn Hải (Kiên Lương, Kiên Giang) suốt 17 năm. Trong buổi lễ tri ân các giáo viên huyện đảo, xã đảo tại Hà Nội, mẹ thầy Kiều là bà Bùi Thị Sen chia sẻ, Kiều là con trai duy nhất trong gia đình có bốn người con, từ nhỏ Kiều đã thích theo nghề dạy học, sau này đã đi theo lựa chọn này.

“Suốt 17 năm cắm đảo dạy học xa nhà, khi chưa lấy vợ số lần con về thăm nhà chỉ đếm trên đầu ngón tay, có khi bảy năm mới về một lần. Hơn 10 năm nay, Kiều cũng chỉ về quê được 3-4 lần vì địa lý cách trở, công việc và cũng một phần vì điều kiện hoàn cảnh kinh tế, nhiều khi rất nhớ con nhưng không biết làm sao, giờ nhìn con còn già gần bằng bố rồi” - bà Sen xúc động.

Nói về những khó khăn nơi mình công tác, thầy Kiều cho biết mỗi lần đi công tác trên các con tàu nhỏ lúc đêm về thường bị sóng biển đánh ướt hết quần áo. Rồi say sóng, chóng mặt, đau đầu… Những ngày trời lạnh, sóng to biển động tàu không chạy thì không có rau xanh, thịt và một số thức ăn cần thiết. Tất cả thứ đó thì chắc hẳn người giáo viên nào trên đảo cũng gặp phải.

Nhiều em học sinh bỏ học giữa chừng theo cha mẹ đi biển. Các thầy, cô giáo thường xuyên phải vận động các em quay trở lại trường lớp. Có những trường hợp học sinh bỏ học nhưng thầy đã dùng tiền lương của mình trang trải để các em có thể tiếp tục đến trường. “Sự trưởng thành, vươn lên của các em yếu kém là niềm vui lớn nhất của tôi” - thầy Kiều nói.

Thầy và trò Trường THCS Sơn Hải đã từng đạt giải nhì cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia về nghiên cứu khoa học môn sinh học. Cho đến nay có bốn em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, một em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh thuộc bộ môn sinh học do thầy Kiều trực tiếp giảng dạy, một học sinh đạt giải nhì cấp huyện, giải nhất cấp tỉnh, giải ba cấp quốc gia cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học do Bộ GD&ĐT phát động.

Có những em từng là học trò của tôi đã học ĐH và ra trường có việc làm. Cũng có em trở thành lãnh đạo địa phương ngay nơi tôi dạy học, đó quả là những món quà, niềm động viên lớn nhất với tôi.

Thầy ĐOÀN VĂN KIỀU, Trường THCS Sơn Hải
(Kiên Lương, Kiên Giang)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm