‘Giáo dục TP.HCM phải hướng đến chất lượng quốc tế’

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã đặt ra yêu cầu như trên đối với ngành GD&ĐT TP tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Sở GD&ĐT tổ chức sáng 13-8.

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT TP.HCM, năm qua TP đã triển khai thí điểm giáo dục giới tính cho trẻ mầm non từ ba đến năm tuổi; tiếp tục tổ chức nhận trẻ từ sáu tháng tuổi đến 18 tháng tuổi; nhận giữ trẻ ngoài giờ và đẩy mạnh hoạt động các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo tại các khu công nghiệp...

Đối với giáo dục tiểu học, cơ bản đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, tuy nhiên sĩ số mỗi lớp còn cao, tỉ lệ học sinh được học hai buổi/ngày giảm so với năm học trước. TP cũng đã bước đầu tập trung chuẩn bị điều kiện, cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, nhất là lớp 1.

Đối với giáo dục trung học, hầu hết các trường đã sắp xếp kế hoạch dạy học chủ động, áp dụng các phương pháp dạy học tích cực và tổ chức tốt các tiết học ngoài nhà trường. Sở GD&ĐT đã tập huấn cho 8.272 lượt giáo viên, chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới hoạt động dạy học, tổ chức hình thức dạy học theo dự án, đẩy mạnh phương pháp giáo dục STEM…

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết trong năm học tới, ngành GD&ĐT TP tiếp tục tập trung thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tích cực chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng cho việc triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa theo lộ trình, đồng thời triển khai Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua; nâng cao chất lượng giáo dục theo định hướng hội nhập khu vực và quốc tế

Để thực hiện được các mục tiêu trên, ngành GD&ĐT TP sẽ triển khai năm nhóm nhiệm vụ chủ yếu: Đẩy mạnh cải cách hành chính về GD&ĐT; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục các cấp; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho GD&ĐT; tăng cường công tác khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh công tác truyền thông về GD&ĐT.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao tặng huân chương Lao động cho các đơn vị. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Giáo dục và đào tạo phải đạt trình độ quốc tế

Tham dự hội nghị, bí thư Thành ủy TP.HCM đã biểu dương những kết quả ngành GD&ĐT đạt được trong năm qua, nổi bật là kết quả của kỳ thi THPT quốc gia. Cụ thể, TP.HCM có điểm trung bình tốt nhất trong năm TP và xếp hạng năm cả nước.

Bí thư Nhân cho rằng TP.HCM đang đứng trước thách thức phát triển. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, nguồn nhân lực chất lượng cao đóng vai trò quan trọng. Cho nên giáo dục TP phải hướng đến chất lượng quốc tế, có như vậy mới vượt trội về năng suất, thu hút đầu tư và áp dụng công nghệ cao. “TP.HCM đã và sẽ tiếp tục dành cho ngành giáo dục sự quan tâm lớn nhất, sự ưu tiên lớn nhất” - Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân khẳng định.

Bên cạnh đó, bí thư yêu cầu ngành giáo dục TP phải suy nghĩ hoàn thiện cơ chế tài chính, giáo dục phải đạt 300 phòng/10.000 dân; trao đổi và bàn bạc với UBND TP tìm kiếm các giải pháp chưa hợp lý trong việc thực hiện chi trả thu nhập tăng thêm; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, hợp tác công tư như thế nào, giải quyết vấn đề biên chế giáo viên ra sao trong khi số lượng học sinh tại TP cứ tăng thêm mỗi năm.

Ông Lê Thanh Liêm, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.HCM, đề nghị lãnh đạo UBND các quận, huyện rà soát lại quy hoạch đất đai tại địa phương, tập trung ưu tiên đất cho giáo dục. Trong đó đặc biệt quan tâm đến những quận, huyện có tốc độ tăng dân số cơ học cao, gặp khó khăn đặc biệt trong công tác xây dựng trường học. Thường trực UBND TP sẽ chủ trì để cùng tháo gỡ khó khăn cho giáo dục, phải đảm bảo đủ trường, lớp, giảm sĩ số học sinh theo quy định và phấn đấu để 100% học sinh được học hai buổi/ngày.

Mặt khác, phó chủ tịch đề nghị ngành nội vụ và các quận, huyện phải sớm thực hiện việc giao biên chế giáo viên, sớm phối hợp để các trường tuyển dụng đủ giáo viên trước ngày tựu trường.

Ba kiến nghị của ngành giáo dục cần tháo gỡ

Về cơ sở vật chất trường, lớp: Áp lực dân số tăng cơ học cao làm giảm tỉ lệ học sinh học hai buổi/ngày, sĩ số lớp học tăng, nhiều đại biểu đề nghị tháo gỡ khó khăn trong các quy định để triển khai mạnh mô hình tự chủ và hoạt động xã hội hóa, nhất là trong việc thực hiện liên kết để có điều kiện duy tu, bảo dưỡng.

Về đội ngũ, quy định về tiêu chuẩn cũng như cơ chế, chính sách đối với giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học chưa phù hợp, chưa tương xứng. Do đó nhiều quận, huyện gặp khó khăn trong tuyển dụng. Bên cạnh đó, các trường còn gặp khó khăn về cơ chế, chính sách trong tuyển dụng kế toán, nhân viên y tế, giáo viên tư vấn, giám thị.

Các thầy cô kiến nghị sớm triển khai kế hoạch bồi dưỡng chuẩn bị chương trình phổ thông 2018 của Bộ GD&ĐT, của TP, cũng như sớm có sách giáo khoa để giáo viên tiếp cận, làm quen với chương trình mới. Có người đề nghị quan tâm, sớm có phương án và triển khai tập huấn cho giáo viên dạy môn tổ hợp.

Về chuyên môn, các trường đánh giá cao việc giao quyền tự chủ, các thầy cô đề nghị mạnh dạn mở rộng mô hình để chứng minh hiệu quả, như mô hình “trường tiên tiến, hiện đại”. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm