Đưa nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em vào giảng dạy

Đó là một trong những nội dung đáng chú ý trong kế hoạch triển khai chiến dịch truyền thông Luật Trẻ em (có hiệu lực từ ngày 1-6-2017) và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em của ngành GD&ĐT TP chiều 31-5.

Theo đó, Sở chỉ đạo các đơn vị (phòng GD&ĐT, các trường CĐ, trung cấp chuyên nghiệp, THPT, trung tâm GDTX và các đơn vị trực thuộc Sở quản lý) phải xây dựng kế hoạch truyền thông Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em phù hợp tình hình thực tế tại đơn vị.

Lâu nay nội dung phòng, chống xâm hại trẻ em chưa được ngành giáo dục đưa vào chính thức. Trong ảnh: Bé Trần Lê Thảo Nhi, học sinh Trường Tiểu học Chu Văn An, TP.HCM, đang "diễn thuyết"  về phòng, chống xâm hại với bạn mình. Ảnh: THANH TUYỀN

Các đơn vị phải chủ động, lồng ghép tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về Luật Trẻ em; phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành chức năng tại địa phương để tăng cường công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, phụ huynh, học sinh-sinh viên và bản thân trẻ em.

Đồng thời phổ biến, nghiên cứu, xây dựng, sản xuất các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong trường học về kiến thức, kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em cho cha mẹ, người chăm sóc trẻ em và bản thân trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp tại đơn vị.

Sở cũng chỉ đạo các đơn vị trường học, phòng, ban, ngành của Sở tổ chức giáo dục, truyền thông phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh-sinh viên trong toàn ngành về Luật Trẻ em số 102/2016/QH13 và phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em.

Đặc biệt, Sở yêu cầu các đơn vị nghiên cứu đưa các nội dung này vào chương trình giảng dạy của các cấp học, bậc học trên địa bàn TP.

Ngoài ra, cần tuyên truyền địa chỉ các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận thông tin vụ việc và hỗ trợ, can thiệp trẻ em là nạn nhân bị bạo lực, xâm hại; thông tin về đường dây tư vấn và hỗ trợ trẻ em 18001567, 1900545559, 113 (trực 24/24) và 18009069 (trong giờ hành chính).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm