Dự thảo chương trình giáo dục quá ôm đồm

Phần lớn các ý kiến khẳng định dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể (dự thảo 4-2017) mà Bộ GD&ĐT vừa công bố có ưu điểm là đã khắc phục được những tồn tại của dự thảo công bố tháng 12-2015. Một điểm mới rõ ràng của dự thảo này là xác định chuẩn đầu ra của chương trình qua “chân dung học sinh mới” với sáu phẩm chất và 10 năng lực cốt lõi. Từ đó đưa ra nội dung chương trình, phương pháp giáo dục và phương pháp đánh giá để đảm bảo được chuẩn đầu ra như vậy.

Cấp tiểu học quá ôm đồm

Tuy nhiên, nhiều ý kiến của các chuyên gia cho rằng dự thảo 4-2017 đặt ra quá nhiều tham vọng.

TS Trần Nam Dũng (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng nhìn sơ lược có vẻ như số môn học đã được giảm xuống đáng kể (hay tự chọn như ở lớp 11, 12). Tuy nhiên, chương trình như vậy vẫn là quá ôm đồm, đặc biệt là ở cấp tiểu học. Dù trong chương trình tổng thể chưa trình bày mức độ yêu cầu của các môn học như Cuộc sống quanh ta, tìm hiểu xã hội, tìm hiểu tự nhiên, tìm hiểu công nghệ, thế giới công nghệ, tìm hiểu tin học, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhưng nếu chỉ riêng về số lượng môn học như thế (bên cạnh các môn truyền thống như toán, tiếng Việt, ngoại ngữ, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật) thì quả là quá ôm đồm so với sức tiếp thu của học sinh và mục tiêu của giáo dục tiểu học.

“Môn hoạt động trải nghiệm sáng tạo chưa rõ là sẽ có nội dung thế nào, triển khai giảng dạy ra sao. Nhưng chúng tôi cho rằng mọi hoạt động sáng tạo phải dựa trên những nền tảng kiến thức của môn học, những kiến thức liên môn và xuyên môn, do đó nên là thành phần trong các môn học khác thay vì đứng riêng thành một môn. Hơn nữa chính những hoạt động trải nghiệm sáng tạo đó sẽ tác động ngược trở lại, giúp cho học sinh hiểu môn học tốt hơn, yêu thích môn học hơn” - TS Dũng nói.

TS Trần Nam Dũng góp ý thêm, dự thảo chương trình lớp 10 được thiết kế là lớp dự hướng nghề nghiệp. Do đó cũng nên xác định rõ mục tiêu, mức độ kiến thức của từng môn học, với trọng tâm là giới thiệu môn học và các kiến thức nền tảng nhất mà thôi. Nếu không lớp 10 sẽ là lớp học nặng nhất trong chương trình.

Các chuyên gia cho rằng dự thảo chương trình giáo dục vẫn còn quá ôm đồm, đặc biệt là ở cấp tiểu học.  Ảnh: HTD

Chương trình rất khó khả thi

“Xét theo bốn yếu tố cơ bản của một chương trình học là mục tiêu, nội dung, phương pháp và đánh giá, có thể nhận thấy một số nhược điểm khiến cho chương trình này thiếu tính khả thi” - TS Lê Vinh Quốc, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, nhìn nhận.

Theo TS Quốc, nội dung chương trình được thiết kế theo kiểu chương trình đồng nhất (uniform curriculum) chuyển dần sang chương trình tự chọn (elective curriculum) từ cấp dưới lên cấp trên là tương đối hợp lý. Nhưng những vấn đề phức tạp sẽ phát sinh ở những môn “tích hợp” từ những môn đơn lẻ hoặc mới được đặt ra. Những môn này không chỉ mới lạ mà còn có sự trùng lặp, chồng chéo với nhau. Chẳng hạn môn thế giới công nghệ được coi là tích hợp từ kỹ thuật và tin học nhưng bên cạnh đó lại có môn tìm hiểu công nghệ và môn tìm hiểu tin học na ná nhau. “Chỉ riêng việc phân biệt các môn ấy với nhau cũng đã khó, chưa nói đến việc dạy chúng như thế nào” - ông Quốc nói.

Cũng theo TS Lê Vinh Quốc, phương pháp dạy học là yếu tố cơ bản quyết định sự thành bại của một chương trình học. Nhưng trong bản dự thảo 4-2017, yếu tố đó được thể hiện rất mờ nhạt. Định hướng về phương pháp chỉ được gói gọn trong câu “Lấy người học làm trung tâm, giáo viên tổ chức, hướng dẫn và tạo những tình huống có vấn đề để khuyến khích học sinh tích cực tham gia các hoạt động học tập”. Định hướng này đúng nhưng không đủ để giáo viên áp dụng phương pháp dạy học giúp học sinh “tự khám phá, phát hiện năng lực của bản thân, rèn luyện khả năng tự học, phát huy những kiến thức, kỹ năng đã tích lũy được để phát triển”.

Ngoài ra, sự mơ hồ về yếu tố phương pháp làm nảy sinh các “hoạt động” không rõ là môn học hay cách thức dạy học. Dự thảo còn lẫn lộn giữa phương pháp dạy học bộ môn với những hoạt động ngoại khóa bổ trợ cho các môn học.

Nên có kỳ thi tốt nghiệp THPT đúng nghĩa

Theo TS Lê Vinh Quốc, về đánh giá tốt nghiệp, bản dự thảo ghép chung với “đánh giá định kỳ” để trao quyền xét tốt nghiệp THPT cho “cơ sở giáo dục” (tức các trường THPT) - đồng nghĩa với việc hủy bỏ kỳ thi quốc gia THPT là chưa thỏa đáng. Quả thực các trường THPT ở Mỹ có toàn quyền cấp bằng tốt nghiệp cho học sinh của mình mà không có một kỳ thi quốc gia nào. Nhưng các trường ấy đều áp dụng học chế tín chỉ cho chương trình học tự chọn. Còn nhà trường Việt Nam hiện nay vẫn vận hành theo niên chế (bản dự thảo này cũng không đề cập về học chế tín chỉ). Mỗi học chế có cách đánh giá tốt nghiệp riêng thích hợp với nó. Bởi thế nhà trường THPT Việt Nam vẫn cần có kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia đúng nghĩa, thay cho kỳ thi quốc gia THPT “2 trong 1” đã trở nên bất cập.

______________________________

Các môn như giáo dục lối sống, cuộc sống quanh ta, hoạt động trải nghiệm sáng tạo chiếm tới hơn 1/3 khối lượng giảng dạy ở bậc tiểu học. Liệu điều kiện cơ sở vật chất của chúng ta có đáp ứng được và nhà trường sư phạm đã xây dựng chương trình đào tạo giáo viên chuyên về tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo hay chưa.

GS NGÔ VIỆT TRUNG, Hội Toán học Việt Nam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm