Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn

Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn ảnh 1
Trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ nhưng toàn bộ những nét kiến trúc vẫn còn được giữ nguyên vẹn

Lê Quý Đôn – Ngôi trường đầu tiên của Sài Gòn

Đằng sau cánh cổng thách thức màu thời gian, một ngôi trường cổ kính với bề dày lịch sử 140 năm vẫn ngày ngày nằm đó, lặng lẽ thực hiện những chuyến đò ngang đón đưa biết bao thế hệ học sinh sang sông.

Lần theo câu chuyện đã nhuốm màu thời gian, chúng tôi tìm về với những mái ngói rêu phong của ngôi trường có bề dày lịch sử nhất Sài Gòn. Trường THPT Lê Quý Đôn (110, Nguyễn Thị Minh Khai, Quận 3) được khởi công xây dựng vào năm 1874 và hoàn tất vào năm 1877. Trường được Thống đốc Nam Kỳ thành lập nhằm phục vụ nhu cầu đào tạo con em người Pháp tại Sài Gòn.

Lúc đầu, THPT Lê Quý Đôn có tên là Collège Indigène (Trung học bản xứ) nhưng cái tên này nhanh chóng được đổi thành Collège Chasseloup Laubat, theo tên Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp lúc bấy giờ. Sau năm 1954, trường được đổi tên là trường Jean Jacques Rousseau, dạy chủ yếu là học sinh người Việt, nhưng vẫn do người Pháp quản lý. Đến 1967, trường được trả lại cho Bộ Quốc gia Giáo dục Việt Nam Cộng hòa và trở thành Trung tâm giáo dục Lê Quý Đôn và sau năm 75 tên gọi Lê Quý Đôn vẫn được giữ cho đến ngày hôm nay.

Sau năm 1975, trường được tách thành hai khu dành cho học sinh cấp II (trườngTHCS Lê Quý Đôn) và khu dành cho học sinh cấp III (trườngTHPT Lê Quý Đôn).

Đây là trường trung học sớm nhất ở Nam bộ nên thu hút nhiều học sinh ưu tú, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước. Từ đây tỏa ra những nhân cách lớn, trí tuệ lớn dám nghĩ, dám làm, dám xông pha cống hiến như: cố giáo sư Trần Văn Giàu, nhà văn hóa Vương Hồng Sển, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng (nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế), nhân sĩ yêu nước Cao Triều Phát, giáo sư viện sĩ Trần Đại Nghĩa, cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, tiến sĩ thiên văn học Trịnh Xuân Thuận....

Tượng nhà Bác học Lê Quý Đôn được đặt ngay giữa sân trường cùng với câu nói nổi tiếng “Phi trí bất hưng” gây ấn tượng mạnh

Mặc dù ngôi trường đã được xây dựng từ cách đây 140 năm, nhưng trải qua thời gian xuyên suốt hơn 1 thế kỷ tồn tại, kiến trúc của trường vẫn còn lưu giữ lại nguyên vẹn như ngày nào. Đằng sau bức tượng nhà bác học Lê Quý Đôn với câu nói nổi tiếng "phi trí bất hưng", khuôn viên trường rộng rãi xuất hiện dưới tán những gốc cây cổ thủ tạo nên một cảm giác yên tĩnh, tách biệt hoàn toàn với sự ồn ã đến từ phía ngoài phố phường.

Khuôn viên nhỏ xanh mát, tách biệt hoàn toàn các lớp học khỏi những ồn ã, xô bồ giữa chốn thành phố đông người

Trải qua nhiều đợt trùng tu lớn nhỏ nhưng toàn bộ những nét kiến trúc vẫn còn được giữ nguyên vẹn. Từ những mái ngói rêu phong, từng nếp gạch xưa cho tới hàng lan can đều toát lên một vẻ đẹp cổ kính rất riêng biệt. Theo cô Nguyễn Thị Bích Duyên, hiệu trưởng nhà trường cho biết từ sau năm 1975, trường có tổng cộng 3 đợt đại tu lớn nhưng tất thẩy vẫn sửa chữa trên nguyên tắc bảo tồn nét kiến trúc vô cùng đặc biệt của trường.

Chiếc trống trườngđã từng một thời gắn bó với biết bao những thế hệ học sinh trường Lê QuýĐôn

Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn ảnh 5

Lối kiến trúc châu Âu độc đáo luôn được bảo tồn và gìn giữ một cách cẩn thận

Từ chiếc tay vịn cầu thang ...

Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn ảnh 7

... cho đến trụ nước rửa tay đều mang trên mình những nét cổ kính rất riêng .

Trường gồm 4 dãy nhà trong đó có 3 dãy cổ được xây nối với nhau thành hình chữ U. Dãy nhà mới được xây dựng liền kề, đóng khung tạo dáng thành một hình chữ khẩu ngay ngắn. Quy mô của dãy phòng học mới xây bao gồm tất cả 10 phòng. Tính truyền thống và hiện đại được nhà trường chú ý ngay trong khâu thiết kế và trang trí, vì thế ngôi trường Lê Quý Đôn vẫn mang đậm nét cổ kính.

Trường được xây mới thêm một dãy phòng học với tất cả 10 phòng, được trang bị đầy đủ mọi trang thiết bị hiện đại

Bên trong mỗi phòng học mang dáng vẻ cổ kính là một thế giới vô cùng hiện đại. Các phòng học được trang bị theo chuẩn hiện đại nhất với hệ thống máy tính nối mạng, TV LCD, máy chiếu, điều hoà... các phòng học thể dục đa năng, các phòng thí nghiệm lý, hoá, sinh, phòng lab với quy mô hoành tráng, không thua kém với bất kỳ trường học hiện đại nào.

Cột đá mới được dựng lên để kỷ niệm vị Quốc vương Campuchia - Norodom Sihanouk đã từng học tại đây.

Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn ảnh 10
Những hàng cây cổ thụ hơn trăm năm tuổi này luôn rợp bóng mát.

Độc đáo những ngôi trường trăm tuổi ở Sài Gòn ảnh 11

Sắp cải tạo trường Lê Quý Đôn

UBND TP. Hồ Chí Minh vừa chấp thuận phương án chỉnh trang, mở rộng trường THPT Lê Quý Đôn. Theo UBND TP, trường Lê Quý Đôn (cả trường THPT và trường THCS - PV) là công trình cần bảo tồn kiến trúc. Việc cải tạo, sửa chữa, mở rộng phải xem xét dựa trên tổng thể mặt bằng đã xây dựng theo đồ án thiết kế từ năm 1877. Sau khi chỉnh trang trường THPT, TP sẽ thực hiện tiếp giai đoạn hai là chỉnh trang, cải tạo Trường THCS Lê Quý Đôn.

Vì sao trường THPT Lê Quý Đôn chưa được xếp hạng di tích?

Nhiều người thắc mắc Trường THPT Lê Quý Đôn là ngôi trường đẹp, lâu đời nhưng vì sao đến nay chưa được xếp hạng di tích.

Theo ông Trương Kim Quân, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích (Sở VH-TT) TP.HCM, là ngôi trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, xây dựng cách đây 140 năm, đáng lẽ ra Trường THPT Lê Quý Đôn sẽ được vinh danh trong đợt này. Tuy nhiên, hồ sơ chưa hoàn thiện theo yêu cầu vì đơn vị tư vấn nộp thiếu bản vẽ phần khu vực trường THCS nên phải chỉnh sửa lại để công nhận vào đợt tới. (Theo Thanh Niên)

Kỳ tới: THPT Marie Curie: Nét đẹp cổ kính của ngôi trường trăm tuổi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm