Doanh nghiệp hay đơn vị hành chính?

Tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý cho ngành giáo dục mầm non vốn có “nhiều vấn đề” trong thời gian gần đây.

Các đại biểu đặt vấn đề có nên áp dụng Luật Doanh nghiệp đối với trường mầm non tư thục không. Nhà nước đang thực hiện xã hội hóa giáo dục và cần có chính sách để kêu gọi các nhà đầu tư bỏ vốn.

Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Mầm non của Sở Giáo dục TP.HCM cho rằng cần quy định rõ thế nào là trường, lớp, nhóm và các nhóm trẻ lớn nên tách riêng, có giáo viên đủ trình độ chuyên môn giảng dạy để trẻ chuẩn bị tâm lý tốt, sẵn sàng bước vào độ tuổi đến trường. Khi có quy mô rõ ràng thì việc phân cấp quản lý dễ hơn.

Tại TP.HCM đang có những nhóm nuôi dạy trẻ đến gần 200 em chưa có điều kiện thành lập trường. Phòng giáo dục cũng không thể kiểm tra được.

Bà Thanh kiến nghị cần quy định rõ diện tích tối thiểu phòng học ngay trong hồ sơ cấp phép thành lập. Theo quy chế hiện nay, diện tích tối thiểu cho một trẻ là từ 1,5 m2 đến 1,8 m2.

Tuy nhiên, chưa có quy định về diện tích tối thiểu của phòng học, bởi không thể theo quy định trên mà cho 10 trẻ vào một phòng 15 m2. Diện tích nhỏ sẽ ảnh hưởng đến thần kinh của trẻ, làm trẻ hay khóc và thậm chí ảnh hưởng đến thần kinh của cả cô giáo nuôi dạy trẻ, điều này rất nguy hại cho trẻ.

Vấn đề thuê đất, nhiều ý kiến cho rằng phải quy định tối thiểu là năm năm, nếu cho thuê đất ngắn hạn thì nhà đầu tư sẽ không đầu tư trường lớp tốt vì sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Khi đó, trẻ em chịu thiệt thòi bởi môi trường học tập kém. Sẽ không có nhà đầu tư nào bỏ tiền tỷ vào một dự án ngắn hạn.

Về thuế, bà Trần Thị Hương - Hiệu trưởng Trường mầm non tư thục Hoa Phượng tại Đà Nẵng cho rằng: “Cần làm rõ trường mầm non tư thục là đơn vị kinh doanh hay là đơn vị hành chính có thu. Hiệu trưởng kiêm chủ nhà trường thì có hưởng lương hay không để có cơ sở quyết toán thuế. Và việc thu thuế hiện nay trong các trường mầm non tư thục là chưa thống nhất”.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Ngô Thị Hợp - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Trăn trở lớn nhất hiện nay là giáo dục mầm non tư thục ở vùng sâu vùng xa và miền núi. Bởi các nhà đầu tư không thể đầu tư vào vùng núi vì đa số đời sống người dân quá khó khăn. Việc này Bộ sẽ tổ chức hội thảo vào dịp tổng kết cuối năm và phải xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ”.

TẤN VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm