Điều tra học sinh vụ 231 cái tát: Phản cảm, phản giáo dục!

Sáng 3-12, Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) đã có văn bản yêu cầu hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh kiểm điểm.

Việc làm không đúng thẩm quyền

Văn bản do ông Nguyễn Đức Lý, Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh, ký yêu cầu hiệu trưởng nhà trường chấm dứt việc lấy lời khai từ học sinh (HS) dưới bất cứ hình thức nào; thu hồi và xử lý toàn bộ những bản khai của HS đã viết; kiểm điểm nghiêm túc về việc làm sai trái, không đúng thẩm quyền của nhà trường trong sự việc trên. Trường phải báo cáo kết quả thực hiện về Phòng GD&ĐT trước ngày 5-12-2018.

Phát biểu trên một tờ báo, bà Phạm Thị Lệ Anh, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng việc nhà trường làm hoàn toàn không phải là điều tra mà chỉ đơn giản là để nắm thông tin. Trên phiếu cũng không ghi là điều tra. Tuy nhiên, báo cáo gửi lên Huyện ủy Quảng Ninh, UBND huyện Quảng Ninh, Phòng GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh vào ngày 26-11, bà Anh nêu: “Nhà trường đã điều tra HS bằng phiếu điều tra”. Một đại diện của Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình cho rằng việc điều tra này là lạm quyền, nó khác với nắm bắt thông tin, nắm bắt tâm lý HS.

Trước đó, ngày 24-11, khi dư luận cả nước bức xúc vì hành vi của cô Nguyễn Thị Phương Thủy phạt em HLN 231 cái tát, ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh đã yêu cầu 23 HS lớp 6/2 phải trả lời 19 câu hỏi trong phiếu điều tra.

Các em phải ghi họ tên đầy đủ cùng giới tính cùng của mình vào phiếu. Cuối phiếu ghi ngày và dòng chữ: “Lời khai của em…”.

“Kỷ cương, tình thương, trách nhiệm”, một khẩu hiệu tại sân Trường THCS Duy Ninh. Ảnh: MQ

Dùng cái sai này giải quyết cái sai kia

Việc làm của hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh khiến các chuyên gia, nhà giáo phản ứng mạnh mẽ.

ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, giảng viên Trường Phát triển tài năng và tính cách John Robert Power, bức xúc: “Việc giáo viên bắt HS tát bạn là sai. Và giờ đây chính ban giám hiệu lại bắt HS làm phiếu điều tra để xét hỏi về hành vi đó. Họ đang tiếp tục sử dụng cái sai thứ hai để giải quyết cho hành vi sai trái thứ nhất. Tất cả những việc nhà trường đang làm đều không dựa trên đặc điểm tâm sinh lý của trẻ em. Họ hành xử để làm sao tốt cho họ mà bỏ qua toàn bộ đặc điểm tâm lý của đứa trẻ, bỏ qua những hành vi có thể gây tổn thương cho trẻ”.

ThS Thụy Anh cho biết  HS lớp 6 đang ở lứa tuổi bắt đầu tách ra khỏi thế giới để đi tìm cái tôi của mình. Khi đó, trẻ bắt đầu học hỏi, tìm kiếm sự độc lập. Nếu môi trường học của trẻ có chuẩn mực rõ ràng, đúng ra đúng, sai ra sai, trẻ sẽ hấp thụ tốt. “Trẻ vừa trải qua một cú sốc về tâm lý khi phải tát bạn theo yêu cầu của cô giáo. Và bây giờ ban giám hiệu lại bắt trẻ phải trả lời theo phiếu điều tra, lại một lần nữa làm tổn thương trẻ. Cách hành xử của nhà trường trong toàn bộ sự việc không cung cấp một nền tảng đạo đức rõ ràng để đứa trẻ có thể biết được đâu là đúng, đâu là sai. Và vì thế, khi lớn lên, trẻ sẽ khó đưa ra được quyết định nào cho cuộc đời mình” - bà Thụy Anh khẳng định.

Cùng quan điểm, thầy Nguyễn Văn Hùng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh, quận 3, TP.HCM, bình luận việc ban giám hiệu làm phiếu điều tra, lấy lời khai đối với HS sẽ khiến sự việc trở nên trầm trọng. Bởi HS không phải tội phạm, điều đó khiến các em sẽ càng trở nên bất ổn, lo lắng. Và thực tế đây là một việc làm sai phương pháp giáo dục.

Cũng theo ông Hùng, trong trường hợp này nhà trường nên tổ chức một buổi đối thoại thân tình với HS. Buổi nói chuyện không phải để khơi gợi lại việc làm sai trái của các em mà chỉ với mục đích lắng nghe ý kiến của các em. Và điều quan trọng phải tìm rõ nguyên nhân vì sao các em lại nghe lời cô giáo để tát bạn trong khi hành vi đó là sai trái. Như thế mới giải quyết được căn nguyên của vấn đề.

Bộ GD&ĐT chỉ đạo xử lý nghiêm

Tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 11 của Chính phủ ngày 3-12, báo chí đã đặt câu hỏi về việc mới đây ban giám hiệu Trường THCS Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình đã cho HS trả lời 19 câu hỏi trong “phiếu điều tra” sau vụ cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy yêu cầu các HS tát em HLN, lớp 6/2.

Trả lời nội dung này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Hôm nay chúng tôi mới nhận được thông tin và thấy rằng cô giáo đã vi phạm đạo đức nhà giáo. Hiệu trưởng, ban giám hiệu đã thể hiện hạn chế, yếu kém về năng lực, kinh nghiệm quản lý.

Sự việc này đã rõ ràng, lẽ ra phải xử lý và báo cáo để xử lý nghiêm thì cô hiệu trưởng lại làm một việc rất phản giáo dục là yêu cầu HS khảo sát một việc rất phản cảm. Chúng tôi đã yêu cầu Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Bình phối hợp với UBND huyện chỉ đạo xử lý nghiêm và sớm báo cáo Bộ GD&ĐT.

ĐỨC MINH - TRỌNG PHÚ

Chỉ nên đối thoại, gợi mở

Theo tôi, ban giám hiệu có thể đặt ra những câu hỏi như: Con nghĩ việc mình tát bạn là đúng hay sai? Nếu con thấy làm như thế là sai, sao con vẫn nghe lời cô giáo để tát bạn? Việc con tát bạn có khiến bạn bớt nói tục không? Nếu con tát bạn là sai, con có dám đến xin lỗi bạn không?...

Chính những câu hỏi trên sẽ gợi ra sự tư duy phản biện cho trẻ, giúp trò phân biệt được việc gì là đúng, việc gì là sai. Và chính việc đối thoại đó sẽ phát huy khả năng tự chủ của HS, giúp nhà trường thấy rõ những khiếm khuyết trong giáo dục, từ đó có hướng điều chỉnh hợp lý.

Thầy NGUYỄN VĂN HÙNG
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mê Linh

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm