Diễn đàn bạn đọc chia sẻ ý kiến về tổ chức kỳ thi quốc gia 2015

Học sinh thi tốt nghiệp PTTH năm 2014. 

Theo phương án của Bộ GD-ĐT đưa ra và bắt đầu thực hiện từ năm 2015 thì thí sinh phải thi bốn môn gồm ba môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và một môn tự chọn (trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý). Ngoài bốn môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH-CĐ.

Thí sinh không học môn ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thi thay thế môn ngoại ngữ trong số các môn tự chọn. Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ.

Sẽ có hai loại cụm thi. Các thí sinh dự thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tham gia xét tuyển vào các trường ĐH-CĐ có sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh sẽ dự thi tại các cụm thi tại địa phương do các sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH-CĐ. Những thí sinh này vẫn được phép tham gia dự tuyển vào các ĐH-CĐ có phương án tuyển sinh riêng.

Các thí sinh dự thi để xét tốt nghiệp và sử dụng kết quả vào tuyển sinh ĐH-CĐ thì sẽ dự thi tại các cụm thi ở các trường ĐH do các trường ĐH chủ trì, phối hợp với các sở GD&ĐT.

Các băn khoăn đặt ra mà chúng tôi ghi nhận được bước đầu:

Thứ nhất: Nhiều bạn đọc đặt câu hỏi vì sao Bộ GD-ĐT lại thực hiện kỳ thi này quá vội vàng. Trong khi nếu muốn thay đổi cách thi thì phải thay đổi cách học của các học sinh khi mới bước vào lớp 10. Sau đó mới tính đến thay đổi cách thi mới cho phù hợp với các học sinh này. Liệu các học sinh đang học lớp 11, 12 hiện nay có trở tay kịp với sự thay đổi quá đột ngột của Bộ GD-ĐT?

Cũng có luồng dư luận cho rằng kỳ thi CĐ, ĐH 2014 đã có những thay đổi tích cực và phù hợp với học sinh (từ cách ra đề, chấm thi cho đến cách thi). Chỉ có kỳ thi tốt nghiệp THPT 2014 và các năm trước nữa là tỏ ra hình thức và chạy theo số lượng. Với lý do này nhiều bạn đọc bày tỏ vì sao Bộ GD-ĐT lại không bỏ luôn kỳ thi tốt nghiệp THPT để tập trung vào kỳ thi CĐ, ĐH để đỡ phần tốn kém? Vì nếu như tổ chức thi như hiện nay theo phương án của Bộ thì quá rối rắm cho học sinh lẩn nhà trường. Từ cách đăng ký thi đến quá trình dự thi đều rất phức tạp cho học sinh.

Thứ hai:Đối với việc “Thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ theo quy định do Bộ GD&ĐT công bố sẽ được miễn thi tốt nghiệp THPT môn ngoại ngữ”. Theo quy định mới này của Bộ thì nhiều bạn đọc tỏ ra nghi ngờ về chứng chỉ ngoại ngữ. Vì hiện tại chứng chỉ ngoại ngữ được làm giả rất nhiều. Nếu không quản lý tốt thì học sinh yếu ngoại ngữ có thể tìm mọi cách để có chứng chỉ ngoại ngữ giả với bất cứ giá nào nhằm thoát môn thi này. Không loại trừ học sinh dùng tiền để mua chứng chỉ? Liệu Bộ GD-ĐT có quản lý được việc này?

Thứ ba: Việc tổ chức thi theo cụm để xét công nhận tốt nghiệp THPT và sử dụng kết quả này để tuyển sinh ĐH-CĐ nhiều người quan ngại sẽ xảy ra tiêu cực ở khâu thi. Vì khi địa phương tham gia vào các hội đồng thi thì ắt sẽ bị bệnh thành tích vốn dĩ đã ăn sâu vào tâm thức, chi phối nặng nề. Thực tế đã chứng minh từ nhiều năm trước. Và, tâm lý lâu nay của các giáo viên là thường hay ưu tiên cho học sinh của địa phương mình?

Với những phân tích như trên của bạn đọc PLO, hiện nay phương án về kỳ thi quốc gia của Bộ GD-ĐT dù đã là phương án “gút” cuối cùng nhưng dường như đó vẫn là nỗi lo canh cánh của các học sinh, phụ huynh và các trường trung học, CĐ, ĐH,…

Trân trọng kính mời bạn đọc, phụ huynh, học sinh cùng các nhà quản lý giáo dục chia sẻ quan điểm của mình về phương án kỳ thi “hai trong một” vềPLO. Chúng tôi sẽ đăng tải ý kiến góp ý của quý bạn đọc để cơ quan quản lý giáo dục lắng nghe, trao đổi và thảo luận, từ đó đi đến những giải đáp xác đáng nhằm làm an lòng dư luận.

Ý kiến góp ý xin gởi về mail: gopykythi2015@phapluattp.vn hoặc có thể điền vào comments ở cuối bài này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm