Điểm chuẩn cao nhưng chất lượng có ảo?

Kết thúc ngày 9-8, tất cả trường ĐH trên cả nước đã hoàn tất công bố điểm chuẩn theo kết quả thi THPT quốc gia.

Nhìn chung, điểm chuẩn đã phản ánh đúng kết quả thi THPT. Hầu hết các ngành đều tăng điểm so với năm ngoái, những ngành hot, trọng điểm như ở nhóm kinh tế, công nghệ và dịch vụ, sức khỏe vẫn là nhóm có điểm chuẩn cao nhất và tăng mạnh nhất.

Tăng cao bất ngờ 3-4 điểm

Đó là thực tế ở hầu hết các trường ĐH, nhất là những trường tốp đầu như y dược, bách khoa, kinh tế, công nghệ...

Tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM), ThS Nguyễn Hải Trường An, Giám đốc Trung tâm Truyền thông và tư vấn tuyển sinh nhà trường, cho biết điểm chuẩn năm nay tăng cao hơn dự báo trước đó từ 1,6 đến 4,1 điểm so với năm 2018.

Các ngành học tại Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng phần lớn trên 20 điểm, tăng khá cao so với năm ngoái và dự báo của trường từ 3 điểm trở lên.

Điểm chuẩn hàng loạt ngành học của các trường thành viên khác của ĐH Quốc gia TP.HCM cũng tăng cao ở nhiều ngành về công nghệ thông tin, khoa học máy tính, kỹ thuật... đều có mức từ 24 điểm trở lên.

Ở nhóm ngành sư phạm, ThS Lê Phan Quốc, Phó Trưởng Phòng đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng điểm chuẩn nhóm ngành sư phạm năm nay có tín hiệu vui hơn khi đều tăng hơn năm 2018 từ 1,5 đến 3 điểm. Đáng nói nhiều ngành mũi nhọn và chất lượng của trường vẫn rất cao và vẫn giữ được vị thế như sư phạm toán, ngữ văn, vật lý, hóa học... Các ngành có nhu cầu lớn như sư phạm mầm non, tiểu học cũng có điểm chuẩn tốt hơn.

Điều này cho thấy phụ huynh, thí sinh (TS) đã đi theo được năng lực, thay đổi về cái nhìn với ngành sư phạm và nắm bắt được nhu cầu nghề nghiệp từ xã hội. Bởi dù điểm thi THPT quốc gia năm nay cao nhưng số TS đăng ký vào sư phạm vẫn rất lớn, kể cả phía Bắc lẫn Nam.

Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia năm 2019. Ảnh: THỦY TRÚC

Cần hậu kiểm để đảm bảo chất lượng và công bằng

Nhận xét điểm chuẩn năm nay, PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, đánh giá: Điểm các ngành sức khỏe đều tăng hơn năm ngoái từ 1,5 đến 2 điểm và vẫn giữ được vị trí cao. Điều này phản ánh đúng kết quả thi THPT quốc gia năm nay vì đề dễ hơn nên phổ điểm cao hơn. Hơn nữa số TS đăng ký lớn nên việc xét chọn vẫn đảm bảo chất lượng đầu vào.

Theo PGS-TS Xuân, điểm chuẩn nhóm ngành này ở nhiều trường tăng và cách biệt với sàn của Bộ GD&ĐT là tín hiệu vui. Nhưng cũng cần có đánh giá chất lượng tuyển sinh qua các phương thức và chất lượng đào tạo vì quá trình để đào tạo ra nhân lực tốt ở ngành này không đơn giản.

ThS Phùng Quán, Trưởng Phòng thông tin và truyền thông của Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho rằng điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành học của các trường nhưng vẫn như truyền thống mọi năm, không đặc biệt. Điểm chuẩn tuy cao nhưng chưa phản ánh được hiệu quả tuyển sinh toàn diện. Bởi năm nay các trường có quá nhiều phương thức tuyển sinh như xét điểm đánh giá năng lực, học bạ, tuyển thẳng, dùng kết quả thi THPT... kéo theo chỉ tiêu bị phân bổ ở nhiều phương thức. Do đó, chỉ tiêu sử dụng kết quả thi THPT thấp nên điểm chuẩn phải tăng, thậm chí rất cao.

440.000 là tổng số TS đã trúng tuyển vào các trường ĐH theo các phương thức khác nhau trong kỳ tuyển sinh năm nay.

Với phương thức xét tuyển chung theo điểm thi THPT quốc gia năm 2019, số TS trúng tuyển sau lọc ảo là 405.193 TS, đạt 115% so với tổng số 351.154 chỉ tiêu.

Trong đó, riêng khối ngành sư phạm, số TS trúng tuyển là 18.536 em trên tổng số 29.765 chỉ tiêu, đạt gần 62,3%. 

“Cùng một mức điểm nhưng điểm chuẩn cao với những ngành tuyển hàng trăm chỉ tiêu khác với những ngành chỉ tuyển vài chục em. Đây là việc tự chủ của các trường quyết định nhưng quan trọng là khâu hậu kiểm trong quá trình đào tạo để có thể kiểm soát được năng lực học của người học để đầu ra có chất lượng thực sự” - ThS Quán chia sẻ.

Đánh giá kết quả tuyển sinh năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT), cho rằng điểm trúng tuyển của hầu hết các trường năm nay đều tăng nhẹ so với năm trước.

Bên cạnh một số trường tốp dưới còn lấy dưới 15 điểm thì những trường có chính sách chất lượng tốt và có những lợi thế khác đã lấy tới 26-27 điểm. Theo bà Phụng, để đảm bảo chất lượng nguồn tuyển, Bộ đã thực hiện biện pháp minh bạch thông tin để người học và xã hội biết, có lựa chọn phù hợp. Điều đó cũng phản ánh chính sách công khai, minh bạch thông tin về chính sách, chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường đã phát huy tác dụng, để người học lựa chọn những trường có chất lượng và hệ thống không ngừng cạnh tranh để nâng cao chất lượng.

Đồng thời Bộ cũng tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quá trình tổ chức đào tạo của các trường này để buộc họ phải nỗ lực nâng cao chất lượng trong dạy và học, đạt chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động. Vừa qua, Bộ đã thanh tra một số trường và sắp tới sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động thanh tra, kiểm tra, tập trung vào những trường xác định điểm trúng tuyển thấp và các trường có dấu hiệu thực hiện vượt chỉ tiêu tuyển sinh.

Công tác tuyển sinh 2019 gần như hoàn tất

Năm nay, bên cạnh việc các trường ĐH sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh thì với tỉ lệ 49% đơn vị tuyển sinh có trúng tuyển đủ và dư so với chỉ tiêu; 61% số đơn vị tuyển sinh đạt 70% trở lên so với chỉ tiêu khi kết thúc xét tuyển đợt 1, có thể nói công tác tuyển sinh năm 2019 đã gần như hoàn tất.

Năm nay, các nhóm xét tuyển được mở rộng hơn, có 90 trường phía Nam và 53 trường phía Bắc tham gia, có sự hợp tác “chuyên nghiệp” hơn và hoạt động hiệu quả. Điều này làm giảm tải công việc cho hệ thống tuyển sinh chung và các trường trong nhóm ít nhiều cũng có lựa nhau để không vượt chỉ tiêu, làm ảnh hưởng đến nguồn tuyển sinh của các trường khác trong nhóm.

 NGUYỄN THỊ KIM PHỤNGVụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm