'Dẹp' sách vở, học sinh tới đài khí tượng học địa lý

Với mong muốn giúp học sinh (HS) có tiết học thú vị, sống động, không nhàm chán chỉ bó hẹp trong sách vở, sáng 10-11 trường đã tổ chức cho các em đi thực tế tại Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ. Chương trình được thực hiện từ đầu tháng 11 và dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức cho các lớp tiếp theo.

Tới Đài Khí tượng thủy văn, các em được chị Vương Bích Ngọc, nhân viên quản lý mạng lưới trạm của đài, giới thiệu một số hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông sét, lốc xoáy, mưa đá, bão... Đồng thời liệt kê, giải thích rõ hơn về một số thuật ngữ thường dùng trong bản tin dự báo thời tiết (mây, mưa, nhiệt độ, gió). Các em đều chăm chú lắng nghe, ghi chép lại một cách cẩn thận. Nhiều em còn ghi âm, chụp ảnh, phỏng vấn riêng chị Ngọc để làm tư liệu cho bài thu hoạch nhóm vào tuần sau.

Học sinh chăm chú lắng nghe chị Vương Bích Ngọc, nhân viên nhà đài, thuyết trình về các hiện tượng tự nhiên. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đối với những kiến thức chưa rõ, các em liên tục đặt ra các câu hỏi thú vị như tại sao lại có hiện tượng mưa đá, hệ thống chống sét được hình thành như thế nào, có cách nào để có thể phòng chống mưa acid, mưa đá...? Những câu hỏi trên đều được chị Ngọc giải đáp một cách cụ thể, chi tiết.

Sau khi nghe thuyết trình, các em được đi xem một số thiết bị quan trắc (thùng vũ lượng kế, lều kế), được tham quan không gian làm việc cũng như nhìn thấy các công cụ (bản đồ, ảnh mây vệ tinh) dùng cho công việc dự báo thời tiết.

Các em học sinh tìm hiểu về bản đồ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Hào hứng với tiết học ngoài trời, em Huỳnh Thị Ánh Ngọc cho biết buổi ngoại khóa khá thú vị và bổ ích. Nó giúp em biết thêm về những hiện tượng thời tiết và thấy được tầm quan trọng của ngành khí tượng thủy văn trong cuộc sống.

Cùng suy nghĩ, em Trương Hoàng Mai Phương tâm sự: "So với những tiết học lý thuyết và thực hành trên lớp thì chuyến đi thực tế thiết thực và bổ ích hơn nhiều. Thứ nhất, nó giúp em có thêm nguồn kiến thức đa dạng về các hiện tượng tự nhiên như đám mây, mưa đá. Thứ hai, em hiểu hơn về tác dụng của các bản đồ trong việc phục vụ cho việc dự báo. Và cuối cùng, em được nhìn tận mắt, sờ tận tay những thiết bị quan trắc trong nhà đài".

Các em học sinh quan sát ảnh mây vệ tinh. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Đồng hành cùng các trò trong suốt chuyến đi thực tế, cô Võ Thị Kim Hiệp, giáo viên dạy địa, cho biết trong kiến thức môn địa lớp 10 có những bài học liên quan đến hiện tượng thời tiết. Thế nhưng nếu chỉ bằng lý thuyết và một số hình ảnh minh họa trong sách vở thì khó giúp các em hiểu rõ vấn đề.

“Tôi quyết định lập kế hoạch, tổ chức cho các em đến tận nhà đài để tìm hiểu xem những kiến thức đã học được ứng dụng trong thực tiễn ra sao. Qua chuyến đi, với những thông tin đã được nghe, với những trải nghiệm, tôi hy vọng sẽ giúp các em nắm bắt những kiến thức cơ bản. Đồng thời giúp các em hiểu hơn về công tác dự báo thời tiết và có niềm đam mê với môn địa lý” - cô Hiệp chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm