NỘP HỒ SƠ THI ĐH, CĐ 2011

Đến hạn, vẫn loay hoay chọn trường, ngành

Chuyện mất cân đối trong chọn ngành học sẽ gây khó trong đào tạo và cả giải quyết việc làm.

Sắp hết hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường ĐH, CĐ nhưng vẫn có nhiều thí sinh còn băn khoăn chọn ngành, chọn trường, tình trạng một thí sinh nộp nhiều hồ sơ vẫn phổ biến.

Thí sinh lo lắng vì thiếu thông tin

“Năm nay dù lệ phí tuyển sinh lên đến 86.500 đồng/hồ sơ nhưng đa số học sinh của trường đều nộp 2-3 hồ sơ, cá biệt có học sinh nộp tới sáu hồ sơ. Trường cũng đã tư vấn hướng nghiệp cho học sinh nhưng như mọi năm, học sinh vẫn nộp nhiều hồ sơ” - bà Nguyễn Thị Sương Mai, cán bộ học vụ Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM), nói. Theo bà Mai, cùng một ngành học nhưng nhiều trường đào tạo mức điểm trúng tuyển cũng khác nhau, vì vậy học sinh nộp nhiều hồ sơ để cuối cùng tham khảo mọi thông tin ngành nghề, sau đó sẽ chọn một giấy báo để dự thi. Sự phân vân của thí sinh có nhiều nguyên nhân khác nhau.

Một số học sinh đã chọn được ngành nhưng băn khoăn về trường dự thi. Nguyễn Quốc Huy, học sinh Trường THPT Mạc Đĩnh Chi
(TP.HCM), lo lắng: “Em chọn ngành cơ khí ôtô của Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật vì trường này có tiếng về đào tạo ôtô. Em cũng chọn ngành này ở Trường ĐH Giao thông vận tải vì điểm trúng tuyển thấp hơn 1 điểm so với trường sư phạm. Nhưng em đắn đo chưa biết sẽ chọn trường nào”. Hồ Như Ngọc, học sinh Trường THPT Võ Thị Sáu (TP.HCM), nộp ba hồ sơ ngành bác sĩ thú y của ba trường khác nhau vì “Em được khuyên nếu cảm thấy thích ngành nào đó thì nên thi vào trường có điểm trúng tuyển thấp để dễ đậu vì học cũng như nhau”.

Đến hạn, vẫn loay hoay chọn trường, ngành ảnh 1

Sự băn khoăn khác đáng ngại hơn là thí sinh mù thông tin nên chọn nhiều ngành học ở những khối thi trái khoáy nhau theo kiểu hên xui may rủi. Nhiều thí sinh chọn theo số đông, ngành nào nhiều người nộp đơn thì cũng nộp theo. “Em đăng ký thi ĐH Kinh tế nhưng thấy chưa chắc ăn nên đăng ký cả ngành bác sĩ thú y và Đông phương học. Rớt sàng cũng lọt xuống nia. Đậu trường nào học trường đó!” - Nguyễn Văn Hiếu, học sinh Nguyễn Thông, Châu Thành, Long An, bộc bạch.

Tư vấn nhiều, hiệu quả chưa cao

Những năm gần đây, hoạt động tư vấn tuyển sinh được tổ chức bằng nhiều hình thức như ngày hội tư vấn tuyển sinh, tư vấn trực tiếp tại các trường, tư vấn trên truyền hình, trực tuyến trên báo mạng, qua mạng theo hình thức chat… nhưng thực tế cho thấy thí sinh vẫn chưa có cách lựa chọn đúng. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, một số chuyên gia tư vấn tuyển sinh nhận định: Thực tế các chương trình tư vấn chưa thật đồng đều, nhiều chương trình chỉ giới thiệu, quảng bá tên tuổi cho đơn vị tổ chức. Khách mời tư vấn của các chương trình chỉ giới hạn ở một vài trường cụ thể nên hầu hết câu hỏi chỉ ưu tiên cho trường đó. “Chẳng hạn cùng một ngành học, các em muốn so sánh ở nhiều trường để lựa chọn thì đại diện ban tư vấn chỉ nói về trường của mình… Tư vấn như vậy thì tội cho học sinh quá!” - vị chuyên gia này nói.

Ông Huỳnh Văn Túy, phụ trách tuyển sinh Trường THPT Tiểu Cần (Trà Vinh), cho biết: “Học sinh nông thôn rất thiếu thông tin về ngành nghề. Nhiều em thích ngành nào đó thì chọn chứ không biết chọn trường nào phù hợp với khả năng. Chúng tôi cũng có tổ chức hướng nghiệp, cho các em lên tỉnh để tham dự ngày hội tuyển nhưng thấy kết quả không cao, chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”. Điều thực tế là học sinh vùng sâu vùng xa vốn quen với nông nghiệp, thế mà lượng dự thi vào các ngành khối nông-lâm-ngư còn ít hơn kinh tế!”.

Ngành đắt càng đắt, ngành ế càng ế

Nhóm ngành kỹ thuật-công nghệ thưa thớt hơn so với năm 2010. Các nhóm ngành sư phạm, xã hội-nhân văn, nông-lâm-ngư giảm nhiều so với năm ngoái. Nhóm ngành kinh tế có nhiều hồ sơ nhất và rải đều cho tất cả trường. Phần lớn thí sinh chọn những trường đa ngành, có điểm chuẩn nhiều năm liên tục không cao, thay vì chọn thi vào các trường đào tạo chuyên ngành kinh tế.

Ông NGUYỄN QUỐC CƯỜNG, Chuyên viên tuyển sinh Cơ quan đại diện Bộ GD&ĐT tại TP.HCM

Ngành ế tuyển lao động không ra

Hệ lụy của việc chọn ngành nghề này dẫn đến việc có ngành tìm không ra người, trong khi rất nhiều người ở những ngành khác không tìm được việc làm. Nhiều công ty chế biến gỗ xuất khẩu, thủy sản xuất khẩu ở ngay tại TP.HCM rao tuyển nhiều lần với số lượng lớn, mức lương khởi điểm khá cao (6-8 triệu đồng trở lên) nhưng vẫn không tuyển được, đến nỗi họ phải “đặt hàng” nhà trường đào tạo và sẵn sàng trả chi phí cao nhưng thiếu vẫn hoàn thiếu.

Thạc sĩ TRẦN ĐÌNH LÝ, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm