Để tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai: Tách hẳn việc dạy và học ra khỏi nhà trường?

Theo PGS-TS Ngô Minh Oanh, kết quả thi đã phản ánh tương đối sát với thực tế. Đó chỉ mới ở kỹ năng đọc và viết, nếu có cả nghe và nói sẽ thấp hơn rất nhiều.

Điểm thi đã phản ánh đúng thực tế

. Phóng viên:Nhận định của ông như thế nào về kết quả thi THPT quốc gia năm 2016 môn tiếng Anh thấp nhất với 90% điểm dưới trung bình?

PGS-TS Ngô Minh Oanh

+ PGS-TS Ngô Minh Oanh: Theo tôi, kết quả này đã phản ánh tương đối sát với thực tế. Đó chỉ mới ở kỹ năng đọc và viết, còn nghe và nói sẽ thấp hơn rất nhiều.

Thứ nhất, cách dạy tiếng Anh trong trường phổ thông hiện nay có nhiều vấn đề bất cập. Thời lượng học vừa ít vừa không hiệu quả, chỉ xoay quanh từ mới, ngữ pháp… Với tiếng Anh, năng lực nghe nói và giao tiếp mới quan trọng nhưng phương pháp và cách giảng dạy của chúng ta chủ yếu chỉ dạy ngữ pháp. Hơn nữa, việc biên soạn sách giáo khoa, kiểm tra đánh giá cũng chưa chú trọng phát triển năng lực người học.

Thứ hai, đội ngũ giáo viên là yếu tố quyết định trong chất lượng dạy học tiếng Anh nhưng đội ngũ này của chúng ta chưa đạt chuẩn rất nhiều. Học tiếng Anh là luôn luôn phải năng động, giao tiếp và đổi mới trong khi giáo viên dạy thì nói tiếng Việt nhiều hơn tiếng Anh, lúc nào cũng lo dạy sao cho kịp chương trình, thi chủ yếu vẫn là ngữ pháp theo kiểu học thuộc…

Thứ ba, học sinh (HS) chưa có môi trường để thực hành tiếng Anh như giao tiếp với người nước ngoài, trải nghiệm thực tế, phương tiện nghe nhìn. Chưa kể điều kiện kinh tế-xã hội ở nhiều nơi còn hạn chế, nhất là vùng sâu, vùng xa nên việc học của các em còn thiệt thòi. Hơn nữa, HS đã quen cách dạy và học thụ động, không chỉ tiếng Anh mà môn học khác cũng tương tự.

Cần đổi mới tổng thể và đồng bộ

. Như ông vừa nói, một trong những nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp như vậy là ở đội ngũ giáo viên. Vậy theo ông, chúng ta phải làm gì để nâng chất lượng giáo viên dạy tiếng Anh hiện nay?

+ Phải nâng chất lượng đào tạo giáo viên tiếng Anh ở các trường sư phạm. Các trường phải đổi mới chương trình đào tạo, phải cho giáo sinh cọ xát nhiều với môi trường thực tế với người bản xứ, phải tạo môi trường rèn luyện các kỹ năng sư phạm... Phải làm sao để trước khi về trường, giáo sinh phải thành thạo tiếng Anh, có phản xạ tốt trong giao tiếp và ứng xử các tình huống sư phạm. Tránh trường hợp, giáo viên ra trường rồi nhưng phát âm vẫn ngọng, phản xạ và phương pháp sư phạm còn yếu.

Đối với giáo viên đang giảng dạy rồi, không còn cách nào khác là chúng ta phải đào tạo, bồi dưỡng lại. Chúng ta không nên đào tạo kiểu đại trà mà nên tổ chức kiểm tra để phân loại ra từng nhóm đối tượng giáo viên, nhóm nào yếu kỹ năng nào thì đào tạo sâu về kỹ năng đó cho phù hợp như phát âm, phương pháp dạy học, ngữ pháp, giao tiếp… Có như thế mới đáp ứng đúng theo thực tế và khắc phục được đúng chỗ.

Học sinh đang học tiếng Anh với giáo viên bản ngữ tại một trường THCS ở TP.HCM. Ảnh: HÀ AN

. Hầu hết phụ huynh đều không đủ niềm tin vào việc dạy tiếng Anh của nhà trường. Do vậy, rất nhiều trung tâm Anh ngữ mọc ra và thu hút rất đông HS. Đó cũng là một thực tế cho thấy nguồn lực (cả vật chất và con người - GV) “chảy” ra ngoài rất lớn. Theo ông, làm sao để đảo ngược điều này?

+ Đó là một thực tế có thật và rõ ràng em nào muốn giỏi tiếng Anh thì phải đến các trung tâm Anh ngữ, bởi ở đó dạy theo nhu cầu, ít HS, giáo viên và trang thiết bị đầy đủ, có phương pháp dạy, đầu ra hiệu quả nên phụ huynh HS tin tưởng. Nếu muốn lôi kéo nguồn lực này trở lại thì buộc phải tăng sức hút của các trường lên, phải đầu tư mạnh về giáo viên, trang thiết bị, đổi mới cách tổ chức giảng dạy, kiểm tra đánh giá… Tất nhiên, để làm được điều đó thì chúng ta phải chấp nhận tốn kém. Phụ huynh cũng cần đồng hành, ủng hộ để cùng đầu tư và thay đổi quan niệm về việc học tiếng Anh thì mới hiệu quả được.

. Vừa qua, trong hội nghị tổng kết năm học, Bộ GD&ĐT có đề ra phương hướng là sẽ xây dựng lộ trình để đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai của Việt Nam. Theo ông, chúng ta phải làm gì để đạt được điều đó?

+ Đây là chủ trương rất lớn và đúng, định hướng quá tốt về mặt lâu dài. Nó phù hợp với xu thế của thế giới trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Chứ như hiện nay, lao động của chúng ta nhiều, đào tạo nhiều, thất nghiệp cũng nhiều nhưng xuất khẩu lao động vẫn không đáp ứng được chuẩn nghề nghiệp, giao tiếp, hợp tác và hội nhập kém.

Rõ ràng, những nước nào đầu tư lớn cho tiếng Anh hoặc có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai thì sẽ có nhiều lợi thế và hội nhập rất tốt với thế giới. Như một số nước ở châu Á làm được và hiệu quả rõ rệt như Singapore, Ấn Độ, Philippines...

Để làm được điều đó, chúng ta phải có sự đổi mới tổng thể và đồng bộ, cả từ những biện pháp hành chính, kiểm tra đánh giá, chương trình học, đẩy mạnh chất lượng đội ngũ giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất… Chúng ta cần có lộ trình cụ thể và lâu dài, phải làm sao để giáo viên tiếng Anh phải đúng nghĩa là dạy tiếng Anh, tức hành nghề đúng chuẩn nghề nghiệp.

Nên chăng, chúng ta tách hẳn việc dạy - học tiếng Anh ra khỏi trường phổ thông. Từng tỉnh, thành phố thành lập hẳn các trung tâm Anh ngữ độc lập trực thuộc các Sở GD&ĐT hoặc Phòng GD&ĐT. Tất nhiên, các trung tâm này vẫn thực hiện theo đúng chương trình phổ thông và cũng tổ chức thi, kiểm tra theo chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT nhưng họ sẽ chuyên tâm hơn. Thậm chí tại đây, HS đủ điều kiện và có nhu cầu cũng có thể thi các chứng chỉ quốc tế. Như thế, những nơi này sẽ thu hút đầu tư cả về con người lẫn vật chất một cách tập trung và tốt nhất thay vì đầu tư dàn trải, manh mún tại từng trường như hiện nay.  

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm