Đề thi đợt 2 sẽ ra theo hướng nào?

 Thí sinh làm bài thi môn toán tại hội đồng thi Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng 4-7 - Ảnh: Trần Huỳnh

Nhiều chuyên gia nhận định qua đợt một kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay cho thấy đề thi không thuộc dạng tủ nào, không mang tính đánh đố thí sinh và không quá sa vào kiến thức nặng nề.

Cấu trúc đề đợt 1 làm “mẫu” cho đợt 2?

TS Nguyễn Kim Quang, phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cho biết chủ trương ra đề của Bộ GD-ĐT năm nay vẫn giữ nguyên tắc không ra ngoài chương trình, qua đợt một thể hiện rõ điều đó. Thí sinh nếu biết kết hợp phương pháp học truyền thống và biết vận dụng kiến thức giải quyết vấn đề sẽ đạt kết quả cao hơn. “Đề thi đợt hai nhiều khả năng tiếp tục được ra theo xu hướng đó. Với cách ra đề năm nay các câu hỏi chung dành cho tất cả thí sinh, trong đó có những câu hỏi dễ và cũng có nhiều câu hỏi khó. Vì vậy, tùy theo sức học của mình, thí sinh cần tập trung bình tĩnh làm tốt những câu mang tính kiểm tra kiến thức cơ bản trước để kiếm điểm rồi làm tiếp những câu còn lại” - ông Quang khuyên. 

Cũng theo ông Quang, xu hướng đề thi được tuyển chọn bao giờ cũng dần tăng tỉ lệ các câu vận dụng kiến thức chứ không chỉ đánh giá trên việc thuộc lòng. Tuy nhiên thí sinh cần nắm chắc kiến thức mới có cơ sở để suy luận, giải quyết vấn đề. Với các môn thi trắc nghiệm tỉ lệ câu đòi hỏi suy luận của thí sinh cũng sẽ cao hơn các năm trước.

Không còn “đất” cho học thuộc lòng

Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, với xu hướng ra đề hiện nay của Bộ GD-ĐT sẽ không còn “đất” cho việc học thuộc lòng nữa mà đòi hỏi thí sinh có tư duy và biết cách ứng dụng kiến thức của mình vào thực tế. Qua kỳ thi THPT và đợt một kỳ thi ĐH vừa qua có thể thấy xu hướng ra đề sẽ tập trung chủ yếu kiểm tra kiến thức thí sinh đã học trong sách giáo khoa lớp 12. Nếu gặp những dạng đề lạ, thí sinh cần linh động vận dụng kiến thức đã học suy luận, tìm đáp án.

TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), suy đoán trong đợt hai đề thi các môn thi khối C cũng có thể sẽ theo hướng tăng các câu hỏi mở, đòi hỏi thí sinh phải biết vận dụng kiến thức để suy luận. “Theo tôi, với việc đổi mới cách ra đề của Bộ GD-ĐT, thí sinh không cần học thuộc lòng từng ý trong sách mà phải biết cách nắm bắt những ý trọng tâm để phân tích, đồng thời cũng cần chú ý đến các sự kiện thời sự, những hiện tượng xã hội... Một đề thi các môn khoa học xã hội bao giờ cũng đòi hỏi khả năng vận dụng kiến thức đã học của thí sinh để phân tích những sự kiện thực tế” - ông Hạ nói.

Trong khi đó thầy Trần Hinh - khoa văn học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG Hà Nội) - khẳng định với môn văn, sự khác biệt rõ nhất ở chương trình nâng cao là có số lượng nhiều hơn chương trình chuẩn 5-6 bài, “trùm” lên nội dung chương trình chuẩn. Do đó khi không còn câu hỏi tự chọn, thí sinh có thể tự khoanh vùng vào các bài học thuộc chương trình chuẩn. Thầy Hinh cũng cho rằng khi đề thi tốt nghiệp THPT đã được cấu trúc lại chỉ còn hai câu đọc hiểu và làm văn thì thí sinh thi ĐH cũng cần lưu tâm đến sự chuyển đổi này trong đề thi khối C, D sắp tới.

Đề thi có kích thích “phân sàn” xét tuyển?

Liệu sự phân hóa rõ nét của đề thi có giúp các trường lựa chọn mức điểm sàn dễ dàng phù hợp khi Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường có thể chọn những mức điểm sàn xét tuyển rất khác nhau?

PGS.TS Lê Hữu Lập - ủy viên Ban chỉ đạo thi tuyển sinh Học viện Công nghệ bưu chính viễn thông - cho rằng đề thi đổi mới dù theo hướng tích cực như năm nay cũng khó đem lại hơi thở mới trong tuyển sinh, đặc biệt với các trường tốp dưới vốn đang chìm trong cơn khát thí sinh với nguồn tuyển chưa thật sự cải thiện.

“Bộ đưa ra 3-4 mức điểm sàn, nhưng điều các trường quan tâm nhất chỉ là mức sàn thấp nhất để họ tuyển thí sinh điểm từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu mà không bị phạm quy dưới sàn. Nếu cho rằng mức điểm sàn lựa chọn nào sẽ phản ánh thứ hạng của trường ĐH ấy như cách bộ diễn giải thì chắc chắn không thể đúng với những trường ĐH đa ngành, các ĐH vùng khi ngành khó tuyển có khi chỉ chạm sàn thấp nhất, nhưng những ngành “hot” như y vẫn luôn ở mức 25-27 điểm. Nếu bảo vì họ có ngành lấy điểm bằng sàn thấp nhất nên uy tín, thương hiệu của họ chỉ có thể xếp hạng tương ứng là điều rất không thực tế” - ông Lập phân tích.

 ------------------------------------

Theo TRẦN HUỲNH - NGỌC HÀ (TTO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm