KHUNG TRÌNH ĐỘ QUỐC GIA

Để không bị loại khỏi cuộc đua

Ngày 16-10, tại hội thảo quốc tế “Xây dựng văn hóa chất lượng và khung trình độ quốc gia (KTĐQG)”, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Để hội nhập, chúng ta phải xây dựng KTĐQG. Từ đây tiến tới công nhận văn bằng, trao đổi sinh viên và quan trọng là công nhận trình độ lẫn nhau, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục giữa các quốc gia và cả khu vực”. Dự kiến tháng 4-2014 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị định về quy định sử dụng và quản lý KTĐQG.

Để bằng cấp không bị từ chối

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: “KTĐQG sẽ xếp năng lực, kỹ năng của người học ở tất cả cấp độ khác nhau, từ đào tạo nghề đến trung cấp chuyên nghiệp, CĐ, ĐH và phải tương thích với cấp độ, năng lực của các nước khu vực ASEAN. Điều này nhằm làm cho bằng tốt nghiệp cũng như các chứng chỉ hành nghề chúng ta tương đương với các nước ASEAN. Có như vậy lực lượng lao động của chúng ta mới có thể đi tới các quốc gia trong khu vực làm việc và được trả một mức lương do cùng khung trình độ năng lực. Do đó, KTĐQG hết sức quan trọng”.

Để không bị loại khỏi cuộc đua ảnh 1

Từ năm 2015 hội nhập Cộng đồng ASEAN, đòi hỏi sinh viên Việt Nam phải vững kiến thức, kỹ năng và ngoại ngữ. Trong ảnh: Sinh viên ngành điện Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM trong giờ thực hành. Ảnh: QUỐC DŨNG

“Để chuẩn bị hội nhập quốc tế nói chung và cộng đồng ASEAN nói riêng, Bộ GD&ĐT đã triển khai nhiều chương trình như đổi mới chương trình đào tạo, đổi mới quản lý ĐH, tiến hành đề án ngoại ngữ 2020 để đào tạo ngoại ngữ cho giáo viên, học sinh, sinh viên tất cả cấp học. Tuy nhiên, các trường ĐH phải xác định được chuẩn đầu ra sao cho phù hợp, tương thích với yêu cầu năng lực của người được đào tạo, sau khi tốt nghiệp một trình độ nào đó thì phải làm được gì… Tất cả chuẩn đầu ra phải phù hợp với KTĐQG để sinh viên Việt Nam sau khi tốt nghiệp có tính cạnh tranh cao hơn” - Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói.

Tham gia hệ thống đánh giá của khu vực

Đặc trưng chung của KTĐQG của các quốc gia là đều sử dụng chuẩn đầu ra, phản ánh mức độ kiến thức, kỹ năng và năng lực chung. Hầu hết các quốc gia đều tập trung xây dựng KTĐQG từ giáo dục nghề nghiệp lên đến trình độ tiến sĩ với sự tham gia tích cực từ người sử dụng lao động, nhiều bộ, ngành để làm cho khung trình độ gắn với tiêu chuẩn nghề nghiệp hơn.

Để không bị loại khỏi cuộc đua ảnh 2

Do đó, hiện nay các trường của Việt Nam nếu không xây dựng chuẩn đầu ra đạt chuẩn, không được kiểm định chất lượng thì các kỹ sư, cử nhân Việt Nam sẽ không cạnh tranh được với đồng nghiệp đến từ các nước trong khu vực. Nhận thấy được điều này, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Quốc gia TP.HCM, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM và Trường ĐH Cần Thơ đã được Mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á (AUN) và chương trình ASEAN-QA đánh giá trong giai đoạn 2007-2013 (sử dụng bộ tiêu chí đánh giá của AUN). Ngoài ra, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) và Trường ĐH FPT đã có các chương trình đăng ký kiểm định bởi Tổ chức kiểm định ABET (Mỹ).

Đáng chú ý, tính đến hiện nay, ĐH Quốc gia TP.HCM là đơn vị dẫn đầu cả nước về số lượng các chương trình được đánh giá bởi AUN (gồm 10 chương trình được đánh giá chính thức và một chương trình đánh giá theo dự án hợp tác giữa AUN và DAAD - Cơ quan trao đổi hàn lâm Đức). Theo PGS-TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, ngoài chuẩn hóa chương trình đào tạo theo chuẩn khu vực và quốc tế thông qua việc tăng cường công tác kiểm định chất lượng cấp chương trình theo chuẩn AUN-QA, sẽ tiếp tục cải tiến chất lượng sau đánh giá. Đồng thời sẽ xây dựng đề án trình bộ trưởng Bộ GD&ĐT để thành lập Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, có nhiệm vụ kiểm định chất lượng giáo dục trong phạm vi quốc gia.

Khung trình độ quốc gia là gì?

Đây là tài liệu thể hiện cấu trúc và những đặc trưng chính của các trình độ của một quốc gia, thường thể hiện mức độ và tiêu chuẩn đầu ra của mỗi trình độ hoặc văn bằng đạt được. KTĐQG nhằm phục vụ lợi ích của người học, người lao động, người sử dụng lao động (thúc đẩy trao đổi sinh viên, người sử dụng lao động tin tưởng vào bằng cấp người lao động…).

KTĐQG nhằm thúc đẩy hợp tác giáo dục và việc làm giữa các quốc gia trên cơ sở công nhận văn bằng chứng chỉ của nhau; hình thành cơ chế đảm bảo chất lượng gắn với việc công nhận văn bằng và trình độ tương ứng để có lòng tin vào giá trị của văn bằng.

QUỐC DŨNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm