Dạy môn Đạo đức - Còn nhiều “vướng víu”

Trong số báo ra ngày 18-2, Pháp Luật TP.HCM đã phỏng vấn Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Huỳnh Công Minh về vấn đề này. Sau khi Báo đăng, chúng tôi nhận được thêm nhiều ý kiến đồng tình với kiến nghị này.

Ông Đinh Mạnh Tuấn, giáo viên mạng lưới môn Giáo dục công dân (Sở GD&ĐT TP.HCM):

Còn nặng “giáo điều”

Về chương trình, sách giáo khoa (SGK) môn Đạo đức hiện nay biên soạn theo hướng liên thông, đồng tâm phát triển từ lớp dưới lên lớp cao theo cấp bậc. Tuy nhiên với một tiết dạy chỉ có 45 phút, khi lên lớp giáo viên chỉ kịp hướng dẫn các em hiểu biết về kiến thức đạo đức, pháp luật đã được định sẵn, ít mạnh dạn “lật ngược vấn đề”, tiếp cận mặt phải-trái của bài học để cùng phân tích, đi sâu vào bản chất của vấn đề, nên nhìn chung các tiết dạy vẫn còn nặng “giáo điều”. Đổi mới phương pháp nhưng vẫn còn “bó khung” trong bốn bức tường của lớp học, dẫn đến niềm tin của học sinh vào bài học chưa đủ độ tin cậy.

Sự “bó khung” của bài dạy đạo đức còn thể hiện ở việc chương trình dạy đã được lập sẵn, chi tiết đến từng tiết dạy của Bộ - mỗi tuần là một chuẩn mực đạo đức - nên còn ít các tiết dạy thâm nhập thực tế để “mắt thấy tai nghe”, mà giáo viên muốn thực hiện cũng không có đủ thời gian. Thật vậy, phải chi thay một tiết dạy trên lớp về bài “Quyền được bảo hộ về tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm” bằng việc thầy, trò cùng tham dự một phiên tòa xét xử có liên quan hay có một video tư liệu thì hay biết mấy, tính giáo dục và thực tiễn sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Chương trình dạy mới chỉ đáp ứng yêu cầu của nhà giáo dục, chưa đáp ứng yêu cầu về phía học sinh. Những vấn đề mà học sinh còn đang lúng túng, băn khoăn chưa biết định hướng (nhưng lại là vấn đề mà các em đang quan tâm như vấn đề về giới tính, tình yêu ở lứa tuổi học trò...) thì giáo viên chưa dám mạnh dạn đưa vào tiết dạy để giải quyết. Do đó các em chưa được dịp bày tỏ trăn trở, còn nhà trường thì chỉ biết xử lý bằng biện pháp hành chính...

Cô Lê Thị Huệ, giáo viên Trường THPT Trung Phú (huyện Củ Chi, TP.HCM):

Chương trình còn nhiều khiếm khuyết

Bên cạnh những thành tựu cơ bản của quá trình giáo dục đạo đức học sinh như: sống có trách nhiệm, thực hiện kỷ cương-tình thương-trách nhiệm, nhân ái, hòa đồng, chia sẻ, chuyển từ tâm lý thụ động sang khả năng chủ động... Nhưng trong công tác giáo dục đạo đức cho học sinh còn không ít khiếm khuyết, xét từ mục tiêu chương trình, nội dung tới phương pháp và bước đi trong giáo dục. Phân tích về tính sư phạm, tôi đồng tình với quan điểm của Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM: Chương trình còn khá nặng, cấu tạo chương trình chưa phải là điều kiện thuận lợi để hình thành nhân cách học sinh theo quy luật phát triển tâm lý tự nhiên. Đặc biệt, những phẩm chất cơ bản của nhân cách chưa được xác định, thể hiện qua phân phối chương trình còn phân tán, thiếu tập trung, thiếu tính logic, chưa tạo được những dấu ấn quan trọng cho những phẩm chất cơ bản. Những nội dung về đạo đức, về pháp luật, về kỹ năng sống khó phân biệt trong quá trình giáo dục.

Việc giảng dạy môn Đạo đức-Giáo dục công dân vẫn còn nhiều vướng mắc, trì trệ, giờ học bị cắt giảm tùy tiện. Nội dung giáo dục kỹ năng sống, nhất là vấn đề giáo dục giới tính chưa đưa vào giảng dạy trong trường phổ thông (nếu có chỉ dừng lại ở góc độ sinh học hoặc lồng ghép vào nội dung một số bài học có liên quan).

Ông Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên Trường THCS Minh Đức (quận 1, TP.HCM):

Khó “sáng” được vấn đề

Chương trình SGK môn Giáo dục công dân còn nặng về lý thuyết kiến thức giáo dục pháp luật cho học sinh, có bài một tiết giáo viên không đủ thời gian chuyển tải kiến thức, lý giải thuật ngữ cho học sinh hiểu. Với những bài như thế, giáo viên đành “rút” trọng tâm bài giảng theo cách của mình, một số thuật ngữ, khái niệm học sinh đành chịu “dốt” hoặc tự tìm hiểu. Đơn cử, bài “Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ đóng thuế” rất dài, chỉ gói gọn trong 45 phút thì giáo viên đành dạy lướt qua. Còn những bài có bài tập tình huống thì chỉ có 10 phút dành cho học sinh thảo luận theo nhóm. Tôi nghĩ 10 phút học sinh thảo luận thì làm gì “sáng” được vấn đề. Trong những tình huống như thế, người thầy phải tự lượm lặt những tình huống pháp luật trên báo chí đưa vào bài học mới mong đạt được yêu cầu chuyển tải kiến thức đến với học sinh. Ví dụ, nói về bài giảng “Quyền và nghĩa vụ của công dân trong hôn nhân”, chúng tôi phải lấy những mẩu chuyện bạo hành gia đình trên báo làm đề tài cho học sinh thảo luận. Lúc này các em được dịp bày tỏ chính kiến của mình, như thế thì học sinh nhớ bài lâu hơn là đi vào kiểu dạy và học đọc, chép.

Một băn khoăn lớn nhất của nhiều giáo viên hiện nay là có quá nhiều bài học “cao siêu”, vượt quá lứa tuổi của học trò như bài “ Hiến pháp nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ở lớp 7 đưa ra toàn những vấn đề lớn, những khái niệm vượt sự hiểu biết của lứa tuổi. Mặt khác, giáo dục công dân là giáo dục làm người, đôi khi những điều dạy của nhà trường không thống nhất với những gì đang diễn ra ở xã hội thật.

QUỐC VIỆT ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm