Đã học trong trường, sao còn phải học ở trung tâm?

Sinh viên (SV) Trường Đại học (ĐH) Hàng hải Việt Nam đang khá vất vả để được học và thi lấy chứng chỉ MOS. Đây là chứng chỉ tin học văn phòng đặc biệt do tổ chức giáo dục Certiport (Hoa Kỳ) chứng nhận qua Trung tâm IIG Việt Nam (trụ sở chính tại 75 Giang Văn Minh, quận Ba Đình, Hà Nội) cấp. Được biết việc học và cấp chứng chỉ này do trung tâm đào tạo CNTT của trường (CITAD) liên kết với IIG thực hiện.

Em NTH, SV K57, khoa Kinh tế, mới thi trượt chứng chỉ này, cho biết: “Để đăng ký thi, chúng em phải đến ngồi chầu chực rất lâu để có suất dự thi. Vì nếu hết suất phải đợi đến đợt sau. Bài thi thực ra cũng chỉ là những kỹ năng tin học văn phòng căn bản nhưng em không hiểu sao vẫn bị trượt. Em phải đăng ký thi lại và chờ tiếp. Em đã mất 1,2 triệu đồng cho lần thi trượt này. Nếu muốn tiếp tục, lần sau đăng ký lại em sẽ mất tiếp 1,2 triệu đồng”.

Mỗi chứng chỉ MOS có “giá” tối thiểu từ 1,2 triệu đồng đến 2,4 triệu đồng. Theo đó, các SV không đi học thêm Word và Excel ở Trung tâm CITAD sẽ đóng 1,2 triệu đồng để đăng ký thi lấy cả hai chứng chỉ Word và Excel 2010 (do tổ chức Certiport cấp, thông qua IIG, tổ chức thi tại CITAD). Nếu học và thi tại trung tâm với những kỹ năng đơn giản về Word, Excel 2010 thì phải đóng tổng cộng 2,4 triệu đồng.

Sinh viên Trường ĐH Hàng hải phải học và thi ngoài chương trình tin học trong trường để có chứng chỉ quốc tế. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

Pháp Luật TP.HCM đã trao đổi với ông Phạm Văn Thuần, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Hàng hải, về bất cập của việc học và thi lấy chứng chỉ MOS của trường này: Tại sao SV vừa phải học chương trình tin học tương đương trong trường, có thi hết môn mà lại phải có một chương trình sát hạch riêng với một trung tâm độc lập bên ngoài? Tại sao điểm thi kết thúc học phần lại không đáp ứng được việc đảm bảo nghĩa vụ học tập của SV? Học một kỹ năng đơn giản với hai điều kiện học tập độc lập và tốn kém như vậy để làm gì (học tin học trong trường vẫn phải đóng tiền tín chỉ)? Ông Phạm Văn Thuần cho biết: “Tin học là một môn học trong chương trình học của trường. Nhưng cả tin học và ngoại ngữ đều phải kiểm chứng trình độ của các em. ĐH Hàng hải áp dụng điều kiện chuẩn quốc tế cho tất cả SV các ngành của trường nên các em buộc phải có chứng chỉ tin học văn phòng do một tổ chức quốc tế cấp”.

Ngày 26-11-2013, Hiệu trưởng ĐH Hàng hải Lương Công Nhớ đã ký Quy định 1312/QĐ-ĐHHHVN-ĐT về việc “Chuẩn đầu ra tốt nghiệp về tin học văn phòng (MOS), áp dụng đối với SV ĐH và cao đẳng hệ chính quy từ khóa 54”. Theo quy định này, các SV ĐH Hàng hải buộc phải thi chứng chỉ tin học văn phòng của Trung tâm IIG Việt Nam với hai môn: Word và Excel; điểm thi là từ 700 điểm trở lên.

“Chuẩn quốc tế” mà ông Thuần khẳng định chính là chuẩn Office 2010. Về việc này, ông Nguyễn Hữu Tuân, Trưởng khoa CNTT ĐH Hàng hải, Giám đốc Trung tâm CITAD, cho biết: “Chúng tôi áp dụng thi Word và Excel 2010 từ năm 2013. Đến nay đã gần năm năm. Trong lộ trình, chúng tôi đã tham mưu cho trường đổi sang Office 2013 để cập nhật xu hướng”.

Một góc độ khác, trưởng phòng Đào tạo của trường cũng công nhận là nhiều SV bị chậm bằng tốt nghiệp ĐH vì lý do thiếu chứng chỉ tin học, ngoại ngữ. Vấn đề mà PV đặt ra cho lãnh đạo phòng Đào tạo của nhà trường: Việc đào tạo của trường chỉ đáp ứng cái vỏ về chuẩn quốc tế trong khi năng lực đào tạo không đáp ứng, ông Phạm Văn Thuần giải thích: “Việc cho rằng ngưỡng đào tạo của cơ sở giáo dục thấp so với trình độ bây giờ khó có thể nói. Không phải con em nào cũng đủ trình độ tin học, ngoại ngữ vì SV của chúng tôi vào trường đa phần là con em nông thôn. Chuẩn MOS đủ điều kiện để các em đi làm sau này”.

Chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục ĐH quy định

Điều 38 (điểm b khoản 1) Luật Giáo dục ĐH quy định: “SV hoàn thành chương trình đào tạo ĐH, có đủ điều kiện thì được dự thi tốt nghiệp hoặc bảo vệ đồ án, khóa luận tốt nghiệp, nếu đạt yêu cầu hoặc tích lũy đủ số tín chỉ theo quy định và đáp ứng chuẩn đầu ra của cơ sở giáo dục ĐH thì được hiệu trưởng cơ sở giáo dục ĐH cấp bằng tốt nghiệp ĐH”. Như vậy, chuẩn đầu ra do cơ sở giáo dục ĐH có quyền quy định. SV chọn trường, chọn ngành đào tạo thì phải chấp nhận (đúng hơn là được nhà trường cam kết đảm bảo) chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo do trường quy định.

Để thống nhất quản lý chuẩn đầu ra, Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18-10-2016 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam quy định chuẩn đầu ra bao gồm: “Kiến thức thực tế và kiến thức lý thuyết; kỹ năng nhận thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp và kỹ năng giao tiếp, ứng xử; mức độ tự chủ và trách nhiệm cá nhân trong việc áp dụng kiến thức, kỹ năng để thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn”. Về yếu tố kiến thức trong chuẩn đầu ra của trình độ ĐH được mô tả gồm: Kiến thức thực tế vững chắc, kiến thức lý thuyết sâu, rộng trong phạm vi của ngành đào tạo; kiến thức cơ bản về khoa học xã hội, khoa học chính trị và pháp luật; kiến thức về công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc; kiến thức về lập kế hoạch, tổ chức và giám sát các quá trình trong một lĩnh vực hoạt động cụ thể; kiến thức cơ bản về quản lý, điều hành hoạt động chuyên môn”.

Như vậy, cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý những chuẩn mực chung, cốt lõi, ở mức tối thiểu để thống nhất về chuẩn đầu ra trong không gian giáo dục quốc gia. Trong đó, kiến thức về công nghệ thông tin là một trong các nội dung bắt buộc phải có trong chuẩn đầu ra trình độ ĐH của cơ sở đào tạo để đáp ứng yêu cầu của công việc.

Chuẩn đầu ra quốc tế chỉ là một cách diễn đạt về việc sử dụng chứng chỉ quốc tế trong chuẩn đầu ra của cơ sở đào tạo hoặc áp dụng các chuẩn đầu ra đã được nhiều nước thừa nhận và để được thừa nhận ở những nước đó. Chứng chỉ quốc tế là chứng chỉ được cấp cho người học sau khi đã đạt bài thi sát hạch quốc tế - bài thi được nhiều nước áp dụng và chứng chỉ có giá trị với nhiều nước trong khu vực hoặc toàn cầu như chứng chỉ IELTS, TOEFL, TOEIC; chứng chỉ tin học MOS cũng được nhiều nước thừa nhận...

PGS-TS NGUYỄN THỊ KIM PHỤNG,
Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ GD&ĐT

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm