Chương trình GDPT mới: Khó triển khai học 2 buổi/ngày

Sáng 20-5, tại TP.HCM, Bộ GD&ĐT đã tổ chức hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo Hướng dẫn dạy học lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới bắt đầu từ năm 2020-2021.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện Sở GD&ĐT 32 tỉnh, thành phố khu vực phía Nam.

TS Thái Văn Tài, Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) chủ trì hội thảo. Ảnh: TT

Phát biểu tại hội thảo, TS Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT, cho biết cấp tiểu học được thiết kế để dạy học 2 buổi/ngày. Mục đích là để tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt các hoạt động thực hành, rèn luyện thân thể, sinh hoạt văn hóa- nghệ thuật, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, hạn chế tình trạng dạy thêm học thêm…

Tuy nhiên, theo phản ánh từ nhiều địa phương, việc triển khai học 2 buổi/ngày đang gặp khó vì nhiều lý do.

Bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó Trưởng phòng giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT TP.HCM, chia sẻ việc tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn về cơ sở vật chất, khó thực hiện việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày. Nhất là ở một số quận, huyện có tỷ lệ dân nhập cư cao như Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, quận 12...

Hiện nay mới có 70,6% học sinh tiểu học trên địa bàn TP.HCM được học 2 buổi/ngày. So với năm học 2017-2018, năm học 2018-2019 toàn TP đã tăng thêm 42.613 học sinh tiểu học.

Tương tự, ông Võ Văn Minh, Trưởng phòng GD&ĐT TP Biên Hòa, Đồng Nai cho hay, toàn tỉnh mới có 36,5% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày, trong đó TP Biên Hòa hiện có tỷ lệ rất thấp với 11,9%. Hàng năm tỉnh này tăng thêm từ 4.000-5.000 học sinh tiểu học, sĩ số bình quân hiện nay đang phải duy trì ở mức cao với 42,8 học sinh/lớp. Dù công tác xây dựng trường lớp được tăng cường đẩy mạnh nhưng mới đáp ứng nhu cầu học tập cơ bản của người dân. 

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng khi triển khai chương trình GDPT mới, trong đó có thêm 2 môn bắt buộc là tiếng Anh và tin học sẽ tạo nên những thách thách không nhỏ cho các địa phương trong tuyển dụng nhân sự.

Nội dung giáo dục địa phương mang tính mở

Việc thực hiện nội dung giáo dục của địa phương trong chương trình GDPT mới sẽ mang tính mở cả về thời lượng, nội dung kiểm tra cũng như đánh giá. Nếu ở hai bậc THCS và THPT, nội dung này được xem như một môn học, triển khai rộng khắp thì ở bậc tiểu học, nội dung này không triển khai độc lập mà sẽ tích hợp trong các hoạt động trải nghiệm và môn học.

(Ông Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên chương trình GDPT mới)

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm