"Chuẩn" con người hay tính gia trưởng của người Việt Nam?

“Để đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong thế kỷ 21, ngành GD&ĐT có nhiệm vụ đáp ứng nguồn lực con người. Để làm tốt nhiệm vụ trọng đại đó, chúng ta phải xác định được “chuẩn con người Việt Nam thế kỷ 21” với những định hướng giá trị phù hợp. Đấy là con người vừa truyền thống vừa hiện đại; vừa có những phẩm chất đặc trưng của con người Việt Nam như yêu nước, cần cù, nhân ái... vừa có những phẩm chất của “công dân quốc tế” - con người hiện đại như trình độ văn hóa, chuyên môn nghề nghiệp cao, có lối sống, tác phong công nghiệp, có khả năng hội nhập quốc tế...”.

Điều có thể nhận thấy được ngay là TS Oanh đã tỏ ra quá tham vọng khi muốn xây dựng hẳn một cái “chuẩn” cho cả dân tộc. Hãy nhìn vào các gia đình và quan sát sự thất bại của các ông bố, bà mẹ khi áp đặt “chuẩn” của mình cho con cái, chúng ta sẽ thấy việc áp đặt một cái “chuẩn” cho cả một dân tộc là bất khả đến mức nào.

Ở một góc độ khác, khái niệm “chuẩn con người”, với các nội hàm như TS Oanh đã đề cập, lại thể hiện những khuyết tật lớn của nền giáo dục hiện nay chứ chưa bàn đến sự đột phá hay đổi mới nào. Đó là một khái niệm không tôn trọng con người. Ngành giáo dục lấy tư cách gì mà dám ép con người phải tuân theo những tiêu chuẩn do họ đặt ra? Người ta đang muốn thay thế mục tiêu đào tạo kiến thức, kỹ năng, năng lực, phương pháp làm việc và ứng phó với cuộc sống cho con người tương lai bằng... tham vọng nhào nặn ra con người sản phẩm đúc khuôn hàng loạt.

Và nếu như vậy, người ta không cần thiết phải đặt tên cho mỗi người nữa. Thay vào đó, chúng ta sẽ đánh mã số, mã vạch theo một giấy phép nào đó từ Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, đồng thời sáp nhập Bộ GD&ĐT vào Bộ Công Thương.

Vả chăng, thế nào là yêu nước trong bối cảnh đất nước hòa bình, thế nào là cần cù, nhân ái? Yêu nước có là yêu gia đình, yêu làng xóm, yêu trường lớp hay không? Một cô bé được sinh ra ở Phú Mỹ Hưng có thể yêu mọi thứ xung quanh nó. Nhưng một cậu bé được sinh ra cạnh bãi rác, kinh nước đen... thì rất khác.

Ý tưởng xây dựng một cái gọi là “chuẩn con người” và dùng hệ thống nhà trường để áp đặt cho học sinh phản ánh tính gia trưởng vốn có trong rất nhiều con người và gia đình Việt Nam, có trong cả nhiều nhà trường ở Việt Nam bây giờ. Hằng ngày, chúng ta thấy các bậc phụ huynh dạy con bằng roi mây hoặc những cái bạt tai, chúng ta cũng thấy giáo viên dạy học sinh bằng thước kẻ và ngăn cản mọi ý kiến trái chiều từ chúng. Họ đã làm như vậy từ nhiều thế hệ qua. Kiến thức, lối sống đã được chuyên chở bằng bạo lực, cả thể xác lẫn tinh thần, thay vì bằng sự thuyết phục. Tất cả chỉ để ép con cái, học sinh phải sống và phải nghĩ theo một khuôn mẫu, một cái gọi là “chuẩn” do họ nghĩ ra. Tuổi thơ của hàng triệu người, qua nhiều thế hệ, đã bị đánh cắp bằng những cái “chuẩn” như vậy.

Họ quên mất rằng con người sinh ra vốn đã tự do và bản năng cao nhất của họ là tự do. Họ cũng quên rằng đã là con người thì luôn có những dị biệt, không về cái này thì về cái khác. Chừng nào chúng ta chưa tôn trọng con người, chừng đó chúng ta không đủ tư cách để nói về bất cứ một cái chuẩn nào.

HỮU LONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm