Chiến mồ côi và bài học giáo dục công dân sinh động

Các sinh viên chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh ở thị xã Bến Tre rất cảm phục khi được nghe kể về nghị lực vượt khó, tấm gương hiếu học và thành đạt của thầy Phùng Văn Chiến. Anh là giáo viên Trường THPT Bế Văn Đàn (phường Sông Hiến, thị xã Cao Bằng). Cả nhóm bạn trẻ ngưỡng mộ, cùng ngồi chờ thầy Chiến trong cơn mưa chiều tầm tã nhân dịp anh về tham dự buổi lễ tuyên dương các điển hình của ngành lao động-thương binh và xã hội.

Tuổi thơ vượt khó

Ba Chiến hy sinh trong chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vào năm 1979, khi anh vừa mới chào đời. Hai mẹ con và bà ngoại cùng nương tựa lẫn nhau trong gia cảnh nghèo khó, không ruộng vườn tại thôn Nà Tục, xã Đức Xuân, huyện Thạch An (Cao Bằng). Mẹ anh lên rừng phát hoang trồng rẫy, gom củi mang về chợ bán để bà cháu có cái ăn mà sống qua ngày.

Năm Chiến lên sáu tuổi, mẹ anh đi thêm bước nữa. Cha dượng về sống chung trong căn nhà trống trước dột sau. Chẳng bao lâu sau đó, gia đình phát hiện ông vướng vào vòng nghiện ngập ma túy. Mẹ của Chiến cắn răng chịu đựng, cặm cụi làm lụng lo cho cả nhà. Khi Chiến lên 10 tuổi, bà ngoại lâm bệnh nặng rồi qua đời. Năm sau, mẹ anh cũng chết do tai biến sản khoa. Hai người thân yêu nhất đã bỏ Chiến ra đi biền biệt! Bên anh chỉ còn lại người cha dượng bệnh tật, ốm yếu.

Chiến mồ côi và bài học giáo dục công dân sinh động ảnh 1

Thầy giáo Phùng Văn Chiến trò chuyện với các chiến sĩ tình nguyện mùa hè xanh tại Bến Tre. Ảnh: T.PHÚC

Chiến phải bỏ học dang dở chương trình lớp 5 để bắt đầu cuộc mưu sinh, tự bươn chải nuôi sống bản thân. Nối theo nghề của mẹ, cậu bé vào rừng tìm củi, kết thành từng bó, gánh ra chợ bán. Mỗi ngày, Chiến lê bước chân hàng cây số lên rừng, xuống phố để tìm củi đổi gạo. Thấy các bạn cắp sách vui đùa bên ngôi trường, lòng Chiến buồn rười rượi. Cậu bé suy nghĩ phải cố học mới có cơ may đổi đời, thoát cảnh nghèo và sống có ích cho xã hội.

Thế là Chiến xin vào học lại lớp 5 với “phương châm” vừa học vừa mưu sinh. Một buổi đến trường, một buổi Chiến lặn lội vào rừng tìm củi, hái chuối rừng bán để đổi gạo, có tiền mua thuốc trị bệnh cho cha dượng. Bước sang cấp hai, cậu bé chững chạc hơn nên nghĩ ra thêm nhiều cách kiếm sống khác như bán kem, bán bánh mì, gánh nước thuê. Những ngày nghỉ hè, Chiến còn theo người lớn trong xã đi đào quặng mangan… 

Dù tất tả mưu sinh nhưng cậu học trò gầy nhom ấy không hề xao nhãng việc học. Chiến luôn đạt danh hiệu học sinh tiên tiến trong các năm học trung học cơ sở, trung học phổ thông. Biết được hoàn cảnh quá vất vả của con liệt sĩ, mồ côi không nơi nương tựa nên vào năm 1994, Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Thạch An đón Chiến lên sống tại đây để cậu bé yên tâm lo việc học. Sau đó, Chiến vào sống tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi thuộc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng.

Hiếu thảo và thành đạt

Từ mái ấm Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi, cuộc mưu sinh vất vả của Chiến tạm dừng. Chiến tập trung cho việc học xong cấp hai, ba. Là học sinh tiên tiến nhiều năm liền của trường trung học phổ thông, Chiến đạt giải ba học sinh giỏi cấp thị xã. Kết quả học tập đã mỉm cười khi Chiến thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm 1, khoa Giáo dục công dân. Với khoản tiền tuất liệt sĩ lãnh được hằng tháng của cha, những năm còn là học sinh, Chiến chi tiêu thật dè sẻn. Anh dành phần nhiều để chăm sóc người cha dượng từ chuyện ăn uống đến thuốc men lúc ông đau ốm bệnh tật.  

Một buổi đến trường, một buổi Chiến lặn lội vào rừng tìm củi, hái chuối rừng bán để đổi gạo, có tiền mua thuốc trị bệnh cho cha dượng.

Đều đặn mỗi tuần vào ngày nghỉ, Chiến đạp xe từ thị xã về thăm và chăm sóc cha dượng, nhất là khi sức khỏe của ông ngày một yếu. Năm 2004, cha dượng của Chiến qua đời, anh đứng ra lo đám tang, mồ mả chu tất. Việc ứng xử có tình có nghĩa của anh đối với người cha dượng nghiện ngập khiến bà con trong thôn ai cũng ngợi khen: “Quả thật hiếm thấy có đứa con ghẻ nào lại lo cho cha dượng như cha đẻ của mình!”. Anh tâm sự: “Chuyện ấy bình thường thôi, đó là đạo lý của con người ở đời mà”.  

Giờ đây, cậu bé mồ côi, hiếu học, nỗ lực vượt khó… của ngày nào đã là giáo viên, đang tham gia vào sự nghiệp trồng người. Anh đã lập gia đình. Đôi vợ chồng trẻ có một mái ấm ở khu tập thể giáo viên của trường, cũng sắm sửa được tương đối đủ những tiện nghi sinh hoạt. Chiến cho hay ngoài dạy học, anh còn làm thêm nghề tay trái là chụp ảnh để kiếm thêm thu nhập. Tuy không khá hơn ai nhưng gia đình và bản thân anh đã vượt qua những ngày khốn khó.

Nói về nghị lực và tấm gương hiếu thảo của Phùng Văn Chiến, ông Hà Minh Trần, Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Cao Bằng, tự hào:

“Ở Cao Bằng, đa số con em liệt sĩ được đùm bọc bởi họ hàng, các cấp chính quyền... nên những cá nhân cố gắng tự thân vươn lên như Chiến là rất hiếm. Đó là sự nối tiếp, phát huy truyền thống cách mạng của gia đình và quê hương, là tấm gương sáng để thế hệ trẻ noi theo. Bản thân Chiến cũng chính là trang giáo án, một bài học thực tế sinh động về giáo dục công dân - bộ môn anh đang giảng dạy”.

 
TÂM PHÚC

(Nguyệt san Pháp Luật TP.HCM số 159)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm