Chạy nước rút ôn thi cho học sinh lớp 9

Năm nay, toàn TP có hơn 99.000 học sinh (HS) lớp 9 tốt nghiệp THCS, trong đó 83.324 thí sinh đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10. Tổng chỉ tiêu của các trường THPT công lập trên địa bàn là 65.300. Như vậy sẽ có hơn 17.000 em không đậu vào các trường THPT công lập, khiến cuộc đua vào lớp 10 trở nên cực kỳ căng thẳng.

Tăng tốc ôn tập

Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các trường THCS tại TP.HCM vừa ôn thi vừa phải đảm bảo an toàn cho HS và giáo viên (GV). Thời gian ôn tập không còn nhiều, vì thế để chắc chắn có một suất vào lớp 10 công lập, các HS đều đặt ra kế hoạch ôn thi một cách khoa học.

Nguyễn Bảo Nghi (HS lớp 9 Trường THCS Phú Thọ, quận 11) cho biết em phân chia thời gian để học đều các môn: Buổi trưa học tiếng Anh, buổi chiều học toán, buổi tối học văn. Thời gian còn lại Nghi sẽ dành để giải đề và ôn lại tất cả cấu trúc. 

Đối với Nguyễn Bảo Ngọc Khuê (HS lớp 9 Trường THCS Phú Thọ), việc rời xa máy tính, điện thoại cũng là cách để em tập trung cho việc ôn tập. Khuê bày tỏ: “Để có kết quả tốt cho kỳ thi sắp tới, em đã vạch sẵn kế hoạch. Cụ thể, ngày chẵn em học tiếng Anh và môn văn, những ngày lẻ em sẽ học toán. Em chú trọng vào toán thực tế và toán hình, đó là hai dạng em cảm thấy mình không giỏi bằng những dạng khác”.

Bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường THCS Phú Thọ, cho biết HS được ngồi giãn cách, mỗi em một bàn tại lớp. Nhà trường dạy trực tiếp ba môn văn, toán, tiếng Anh vào thứ Hai, thứ Tư, thứ Sáu. Từ ngày 24-5, HS sẽ học trực tuyến ở nhà để đảm bảo phòng dịch.

Tại Trường THCS Nguyễn Du (quận 1), GV kết hợp ôn trực tuyến và trực tiếp để đảm bảo phòng dịch. Ở hình thức ôn trực tuyến, HS tự ôn theo những video quay sẵn của thầy cô. Từ ngày 24-5, HS học trực tiếp với thầy cô ở trên lớp. Nhà trường đảm bảo mỗi môn đều có sáu tiết. Trong đó, thầy cô sẽ vừa ôn lại kiến thức vừa cho HS giải đề và thi thử.

Một lớp học tại Trường THCS Bình Tây (quận 6, TP.HCM). Ảnh: KHÁNH CHI

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ diễn ra ngày 2 và 3-6. Tham dự kỳ thi, thí sinh sẽ thi ba môn văn, toán, tiếng Anh. Trong đó, văn, toán có thời gian làm bài 120 phút, tiếng Anh 90 phút.  

Chia lớp làm đôi, ôn thi theo năng lực

Nhiều trường THCS đã chia lớp theo năng lực để ôn thi đạt kết quả cao.

Tại Trường THCS Bình Tây (quận 6), GV tự soạn đề và cho HS ôn theo cấu trúc đề tuyển sinh 10 đã được ban giám hiệu đưa ra từ trước. Một lớp được chia thành hai lớp nhỏ khoảng 20 HS, mỗi HS một bàn.

Nhà trường chia lớp theo năng lực HS, dạy học từ thứ Hai đến thứ Sáu. GV sẽ có phương pháp dạy linh hoạt, phù hợp với năng lực của mỗi nhóm. Nhóm HS giỏi được giao những bộ đề nâng cao, các em sẽ tự giải đề và trình bày lên bảng. Với những HS khá, trung bình, GV sẽ đưa ra những bộ đề có độ khó thấp hơn. 

Bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Bình Tây (quận 6), bày tỏ: “Vì chia lớp làm hai nên GV sẽ dạy cả ngày: Buổi sáng dạy nửa lớp, buổi chiều dạy nửa lớp còn lại. Thay vì dạy tám tiết một tuần, GV phải dạy 16 tiết. Tại những lớp giỏi, GV giảng những câu khó, những câu còn lại HS tự làm được và tự lên bảng chữa đề, giảng bài cho nhau”.

Lìu Gia Kiệt (HS lớp 9/2 Trường THCS Bình Tây) nói: “Việc chia lớp giúp HS vừa đảm bảo việc học trên lớp, vừa đảm bảo an toàn trong phòng dịch. Trong mùa dịch, em bảo vệ bản thân bằng cách tuân thủ quy định 5K, không tụ tập, đeo khẩu trang, khử khuẩn, không tới nơi đông người”.

Ngoài ra, để đảm bảo an toàn trong mùa dịch, chi đoàn GV cũng đảm nhiệm việc đo thân nhiệt và hướng dẫn rửa tay cho HS vào mỗi buổi sáng. Trường THCS Bình Tây cho 100% HS khai báo y tế ngay sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5. Việc đo thân nhiệt cũng được tiến hành mỗi ngày, kể từ đợt dịch trước đến nay.

Tại Trường THCS Phú Thọ, bà Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết trường đã bắt buộc HS ghi lại nhiệt độ hằng ngày để phòng y tế và nhà trường theo dõi. Mỗi thứ Hai hằng tuần, trường gửi tin nhắn cho phụ huynh để dặn dò con em không đến các vùng dịch, đồng thời nhắc nhở các em có dấu hiệu sốt, ho thì đến các cơ sở y tế để khám và không đến trường.

Tại Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), HS được ôn tập theo năng lực, theo chủ đề và giải đề của các năm trước. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường, cho rằng để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tuyển sinh sắp tới, trường học phải đảm bảo an toàn cho GV và HS. 

“HS phải giữ gìn sức khỏe tốt để ôn thi. Trong thời gian tới, các em phải tập trung ôn rất nhiều kiến thức. GV phải giúp các em phân loại kiến thức, xác định trọng tâm, ôn cô đọng để các em có kết quả tốt trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10” - ông Tuấn nhắn nhủ.

Đề thi sẽ giảm bớt các câu hỏi phân hóa

Về nội dung đề thi, vẫn giữ nguyên cấu trúc đề đã công bố từ đầu năm. Song về ma trận đề, số lượng câu hỏi phân hóa, câu hỏi khó ở cả ba môn văn, toán, tiếng Anh sẽ được giảm bớt, đồng nghĩa các câu hỏi ở mức độ cơ bản, thông hiểu và nhận biết sẽ tăng lên. Tuy vậy vẫn đảm bảo mức độ phân hóa để thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

Đề thi sẽ được ra theo hướng vận dụng, đưa các kiến thức sách vở vào giải quyết các vấn đề thực tiễn của cuộc sống. Vì thế, khi ôn tập, HS và GV cần bám sát chương trình hiện hành.

HS cần nắm thật chắc các kiến thức cơ bản ở chương trình THCS, nhất là ở lớp 9. Ôn tập theo hướng vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề liên quan thực tiễn, không nên học tủ, học vẹt.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾUPhó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm