Chàng trai nuôi lợn đỗ thủ khoa đại học

Đào Đức Tùng. Ảnh: H.L
Đào Đức Tùng. Ảnh: H.L

Thôn Phú Lộc (xã Cẩm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương) nổi tiếng với nghề nấu rượu. Gia đình Đào Đức Tùng cũng mưu sinh chủ yếu bằng nghề truyền thống của quê hương kèm theo buôn bán.

Mỗi sáng, chàng thủ khoa dậy từ 5 giờ để phụ giúp mẹ ra chợ lấy hoa quả rồi nhanh chóng về nhà cho lợn ăn. Được gia đình "khoán" nuôi 20 con lợn, nhiệm vụ của Tùng là làm sao vỗ béo để sau 5 tháng, lợn có thể xuất chuồng, tăng thu nhập cho gia đình.

Tùng nhớ có lần lợn đẻ được 12 con nhưng tự nhiên bị ốm, cậu bé sợ quá gọi ngay cho bác sỹ thú y. Nào ngờ vừa tiêm xong, 5 con lăn đùng ra chết. “Chăm bẵm lợn sề suốt 4 tháng, nuôi lợn con cũng được 2 tháng, tự nhiên mất trắng nên em vừa tiếc vừa buồn", Tùng nhớ lại.

Tìm được nguyên nhân, cuối cùng Tùng rút ra kinh nghiệm sau khi lợn đẻ được một thời gian là phải tách lợn con ra khỏi mẹ để tránh sữa bị chua. Cũng từ đó, cậu càng chú ý chăm lo lợn dọn dẹp chuồng lợn thật sạch sẽ. Khá “mát tay” nuôi lợn, nhìn lợn béo tròn, căng bụng ngủ ngon là Tùng lại cảm thấy vui vui vì hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Mẹ đi chợ hoa quả suốt ngày, bố làm tư pháp xã, Tùng thỉnh thoảng vẫn phải "dỡ và nấu cơm rượu". Công việc theo Tùng chỉ đơn giản là "rải cơm ra nia, tải đều cho nguội, xúc vào thau rồi ủ men". Bí quyết nằm ở khâu "rắc men rượu" nhưng cũng là công đoạn khó nhất. "Em vẫn chưa được bố mẹ truyền", Tùng cười bẽn lẽn.

Là con trai cả trong gia đình, Tùng được cha mẹ, hàng xóm nhận xét rất "đảm đang", vừa trông em lại vừa lo cơm nước, giặt giũ, quán xuyến gia đình. "Nhà nấu rượu, nhưng em thỉnh thoảng mới nhấp chút rượu còn toàn bật coca uống khi có dịp giỗ chạp”, Tùng cười hồn nhiên.

Tùng vẫn nhớ như in ngày nhận tin đỗ thủ khoa. Khi các anh họ xem đáp án trên mạng và không tìm thấy Tùng mắc một lỗi sai nào, Tùng đoán chắc mình sẽ đỗ nhưng em vẫn không nghĩ mình đỗ cao thế. Biết Tùng đạt 30 điểm, bố đang cho cá ăn, mẹ đang sắp hoa quả đã ngừng tất cả để vui chung với niềm vui của em. Bác Đào Đắc Thanh, bố Tùng đã thốt lên: "Con xứng đáng được mua một bộ máy tính". Còn mẹ thì mừng đến chảy cả nước mắt động viên: "Đây mới chỉ là thành công ban đầu, con sẽ còn phải cố gấp 3, 4 lần nữa".

Bí quyết học của Tùng chỉ là đọc thật nhiều sách tham khảo theo từng chuyên đề Môn Toán không giỏi nên Tùng "vực" lên bằng cách đọc ngấu nghiến sách giáo khoa đến khi nào thuộc lòng kiến thức thì thôi. Ngoài ra, Tùng còn hay tham gia kỳ thi thử đại học ở các trường cấp 3 của huyện và tỉnh để tạo tâm lý phòng thi.

Lần thi thử đầu tiên, Tùng làm nhanh quá, xong rồi ngồi chơi và sau mới biết là đề "lừa" mấy câu. “Em rút ra kinh nghiệm đối với các môn trắc nghiệm phải gạch chân các từ quan trọng, đọc chậm nhưng vẫn phải theo một tiến độ nhất định thì mới đỗ được”, Tùng chia sẻ. Nhờ vậy mà về sau, Tùng đạt luôn 24,5 điểm dù thi cho vui.

Một lần xem truyền hình thấy hình ảnh ngôi nhà cao tầng kỳ vĩ, Tùng đã rất thích và ước mơ trở thành người giám sát công trình. Ra Hà Nội, Tùng ấn tượng nhất với cầu Chương Dương vì "trông kỳ vĩ và cổ kính quá".

Rời làng quê mấy ngày ra Hà Nội học đại học, Tùng nhớ nhất đàn lợn 20 con và mùi rượu nếp thơm nồng của thôn Phú Lộc. Trong cái mùi nồng nồng man mát ấy, mang theo cả ước mơ của Tùng. "Em muốn xây cho bố mẹ một căn nhà rộng hơn thay thế căn nhà cấp 4 chật hẹp hiện tại", Tùng chia sẻ.

Theo Hoàng Lan (Vnexpress)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm