Chấm dứt giáo viên biên chế: Sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực?

Dưới đây là ý kiến của một số nhà giáo, nhà quản lý giáo dục về giải pháp trên.

Cần có lộ trình

Theo tôi, lúc này chưa thích hợp để chuyển đổi giáo viên biên chế thành hợp đồng.Việc chuyển đổi chỉ có lợi về mặt quản lý bởi lúc đó, nếu giáo viên làm việc không nhiệt tình, không đạt chất lượng, nhà trường không có đủ điều kiện... thì hiệu trưởng có thể dễ dàng chấm dứt hợp đồng.

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chiến lược phát triển giáo dục là rất đúng nhưng cần có lộ trình. Nếu mỗi nơi “mạnh ai nấy làm”, chắc chắn sẽ nảy sinh nhiều tiêu cực, mất đoàn kết. Và người gánh chịu hậu quả cuối cùng sẽ là con em chúng ta.

(Hiệu trưởng Nguyễn Kim Bôi, Trường THPT Trần Đăng Ninh, Hà Tây, Hà Nội)

Sẽ phải “quen thân” với hiệu trưởng

Ở trường tư thục, 100% giáo viên trong dạng hợp đồng, chất lượng giáo viên luôn là điều kiện đầu tiên khi tuyển chọn. Cái lợi của giáo viên hợp đồng là không cần phải chờ đợi thời gian rồi mới được tăng lương bởi nếu như anh dạy giỏi sẽ được trả mức lương cao hơn rất nhiều giáo viên bình thường khác.

Nhiều giáo viên cũng lo ngại khi hết hạn hợp đồng, họ phải “quen thân” hơn với hiệu trưởng để được tiếp tục ký. Lo ngại đó không sai nếu như ông hiệu trưởng đó sống cơ hội.

(Hiệu trưởng Bùi Hoàng, Trường THPT tư thục Lê Quý Đôn, Hà Nội)

Sẽ xuất hiện tiêu cực

Đã trong biên chế hơn 20 năm, nếu bây giờ phải chuyển sang hợp đồng thì chắc chắn phải e ngại chứ. Nếu phải lo lắng từng năm để được ký hợp đồng, nhỡ đâu lãnh đạo mất lòng thì “mệt” lắm. Giáo viên trong biên chếđược dạy theo số tiết học nhất định nhưng giáo viên hợp đồng sẽ phụ thuộc vào sự sắp xếp của nhà trường.

(Cô Phạm Thị Thanh Phương, giáo viên Trường tiểu học Phương Liên, Hà Nội)

Ông Lê Duy Vỵ, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên:

Thay đổi phải thận trọng

Nhiều người có nói với tôi: “Suốt cả cuộc đời tôi phấn đấu chỉ để có được một chỗ trong biên chế nhà nước. Bây giờ chuyển sang hợp đồng, chắc chắn sẽ gây áp lực lớn cho tư tưởng và ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy”.

Tôi biết việc chuyển đổi giáo viên từ biên chế sang hợp đồng cũng nhằm hạn chế bớt tính trì trệ, tính ỳ của nhà giáo hiện nay. Nhưng số lượng đó không nhiều. Tôi e ngại, liệu tất cả hiệu trưởng của các trường đều “cầm cân nảy mực” khách quan, vô tư, công bằng khi ký hợp đồng lao động với giáo viên không? Lúc này, hiệu trưởng có toàn quyền quyết, có thể xuất hiện hiện tượng lộng quyền nếu như không có sự can thiệp của cấp quản lý cao hơn. Ngoài ra, khi không còn biên chế có nghĩa là lương bổng của giáo viên sẽ do ông hiệu trưởng toàn quyền quyết định. Lúc này, Bộ GD&ĐT phải cần rõ ràng về kinh tế, quyền lực, phương thức xử lý như thế nào khi có tiêu cực.

Một vấn đề nữa là việc quản lý trình độ giáo viên trong các trường đóng trên địa bàn. Là giám đốc sở nhưng tôi chỉ có thể nắm được trình độ của giáo viên trong biên chế của các trường công lập. Chứ ngoài hợp đồng, nay đi mai ở, quản làm sao được.

Theo tôi, Bộ GD&ĐT phải có một lộ trình, tổ chức hội nghị lấy ý kiến trực tiếp của nhiều giáo viên cả nước, đồng thời phân tích rõ mặt lợi, mặt tốt của việc chuyển đổi. Nếu đại đa số ý kiến tán thành thì mới cho thực hiện thí điểm ở một số trường trong nhiều năm rồi mới tổ chức đại trà ở tất cả các trường.

Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, Chiến lược phát triển giáo dục Việt nam dự kiến năm 2009 sẽ bắt đầu thí điểm việc chuyển đổi giáo viên từ biên chế thành hợp đồng sẽ thực hiện ở một số trường phổ thông và đại học. Tới năm 2010, 100% số giáo viên, giảng viên mới được tuyển dụng làm việc theo chế độ hợp đồng thay cho biên chế.

Cũng theo phó thủ tướng, sắp xếp, sàng lọc lại đội ngũ trong biên chế là việc cần làm ở tất cả các ngành chứ không chỉ có ở Bộ GD&ĐT.

TỐ NHƯ ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm