Căng mình chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT giữa dịch COVID-19

Còn đúng một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 sẽ chính thức diễn ra. Để tổ chức cho thí sinh (TS) thi đảm bảo chất lượng mà vẫn an toàn trong khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại hơn 40 địa phương đang là thách thức lớn của ngành giáo dục.

Từ giữa tháng 6, các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT đã luân phiên đi kiểm tra công tác chuẩn bị cho kỳ thi năm nay tại nhiều địa phương.

Thí sinh Nguyễn Mẫn Khang, học sinh lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (TP.HCM), mong mỏi được thi tốt nghiệp trong đợt 1 để không phải
mệt mỏi chờ đợi. Ảnh: NVCC

Từ địa phương không có dịch…

Là địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào từ trước đến nay, Kon Tum, Đắk Nông báo cáo đã sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum, cho biết toàn tỉnh có hơn 4.600 TS, dự thi ở 12 điểm thi với 209 phòng thi. Địa phương bố trí 20 phòng chờ, 33 phòng thi dự phòng, đồng thời lựa chọn, bố trí 12 điểm thi dự phòng tương ứng với điểm thi chính thức, sẵn sàng kích hoạt khi phải tổ chức thi trong điều kiện dịch bệnh bùng phát.

“Có thể nói đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã cơ bản hoàn tất, tất cả đã sẵn sàng tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT an toàn, nghiêm túc, chất lượng và thành công” - bà Lan khẳng định.

Đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Đắk Nông cũng cho hay cùng với công tác chuẩn bị đã sẵn sàng, tỉnh còn chú trọng duy trì tốt công tác quan tâm, hỗ trợ TS với quyết tâm không để trường hợp nào phải bỏ thi vì điều kiện kinh tế hay đi lại khó khăn. Theo đó, mỗi TS được hỗ trợ 330.000 đồng trong ba ngày thi. Đồng thời các em được bố trí chỗ ăn, nghỉ và phương tiện đi lại để yên tâm tham gia kỳ thi. Bên cạnh đó, tỉnh cũng lưu ý công tác giám sát TS, đặc biệt là TS tự do, một cách chặt chẽ, đảm bảo các em không ra ngoài tỉnh.

Tương tự Kon Tum, lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lâm Đồng cho biết mặc dù đến thời điểm này, địa phương chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 nào nhưng ban chỉ đạo thi không chủ quan. Bên cạnh chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi, ban chỉ đạo yêu cầu các điểm thi chú trọng đến tình huống phát sinh nếu như có ca mắc cũng như các trường hợp nghi mắc để chủ động trong mọi tình huống.

 

TP.HCM vẫn chưa chốt lịch thi

Theo dự kiến, sau khi khảo sát ý kiến của phụ huynh, học sinh lớp 12 toàn TP, ngày 30-6, TP.HCM sẽ quyết định về lịch thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, hiện TP.HCM vẫn chưa có quyết định.

Theo kế hoạch ban đầu, TS sẽ thi trong đợt 1. Với những trường hợp TS bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như ở nơi bị phong tỏa hoặc thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế sẽ tham dự thi ở đợt 2.

Hiện các cán bộ, giáo viên đã được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời hơn 15.000 cán bộ coi thi và nhân viên phục vụ thi cùng hơn 88.000 TS sẽ được xét nghiệm COVID-19.

Đến những nơi dịch đang căng thẳng

Đại diện lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Long An khẳng định đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi đã diễn ra theo kịch bản, đảm bảo tiến độ và đúng quy chế. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên hầu hết các nhà hàng, khách sạn tạm đóng cửa. Sở tham mưu với tỉnh bố trí chỗ ăn, nghỉ và xe đưa đón cán bộ coi thi. 

Ngày 30-6, bà Lê Thị Bích Thuận, Giám đốc Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, cho biết TP sẽ xét nghiệm SARS-CoV-2 cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, nhân viên, tham gia vào các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Dự kiến khoảng 16.226 người sẽ được lấy mẫu theo hình thức mẫu gộp 10, trong đó 12.716 TS sẽ lấy mẫu xét nghiệm vào ngày 4-7.

Trong đó, các TS F1, F2 được bố trí điểm thi riêng ở Trường THPT Võ Chí Công, được lấy mẫu xét nghiệm tại nơi cách ly tập trung hoặc nơi ở đang cách ly y tế. Đội ngũ làm công tác thi tại đây sẽ tập huấn kỹ năng an toàn và lấy mẫu xét nghiệm vào sáng 4-7 tại Trường THPT Ngũ Hành Sơn.

Sở đề nghị tất cả thành phần được yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm, đặc biệt là các TS, phải chấp hành nghiêm kế hoạch đề ra. TS không tham gia xét nghiệm được bố trí thi riêng tại phòng thi dự phòng của điểm thi. Cán bộ, giáo viên, nhân viên… không tham gia lấy mẫu xét nghiệm sẽ không tham gia các khâu của kỳ thi và sẽ bị xử lý theo quy định.

Cá nhân đã được lấy mẫu xét nghiệm phải tuyệt đối tự cách ly ở nhà trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm. Cơ quan chức năng sẽ thông báo kịp thời những trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 để cách ly, điều trị kịp thời (nếu có). Những trường hợp không được thông báo là có kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục tham gia kỳ thi.

Các điểm thi bố trí bàn đón tiếp TS, nhắc nhở TS và cán bộ coi thi mang khẩu trang, rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn, kiểm tra thân nhiệt và hướng dẫn TS đi vào phòng thi.

Trường hợp TS hoặc người làm công tác thi có biểu hiện sốt, ho, khó thở, cán bộ coi thi phải báo ngay cho cán bộ y tế phụ trách tại điểm thi. Cạnh đó, yêu cầu người có biểu hiện sốt, ho, khó thở mang khẩu trang di chuyển đến phòng y tế (phòng dự phòng) tại điểm thi để được theo dõi, kiểm tra, đánh giá tình trạng sức khỏe. Nếu TS đủ điều kiện sức khỏe sẽ tiếp tục làm bài thi và lực lượng chức năng yêu cầu hạn chế tiếp xúc, giữ khoảng cách an toàn, cách ly, sắp xếp các TS có triệu chứng sốt, ho, khó thở tại khu vực riêng (phòng dự phòng) để tiếp tục làm bài thi. Sau khi TS làm bài xong, tiếp tục báo cán bộ y tế tại điểm thi để xử lý y tế phù hợp.•

 

Tất cả phải an toàn

Làm việc với các địa phương, đại diện Thanh tra Bộ GD&ĐT nhấn mạnh một số điểm mới trong công tác thanh tra, trong đó lưu ý các địa phương cần kiểm tra kỹ vị trí các phòng, thiết bị lưu trữ, camera, đảm bảo an toàn tối đa. Đồng thời phải đảm bảo có đủ phòng chờ và phòng thi dự phòng ở điểm thi, phục vụ các tình huống phát sinh liên quan đến dịch bệnh, đình chỉ thi… 

Đại diện Cục Quản lý chất lượng cho hay ứng xử với các tình huống phát sinh như TS ốm đột xuất, hay xác định các trường hợp F0, F1, F2, F3… cơ bản đã có trong quy chế thi và các văn bản chỉ đạo của bộ.

Qua kiểm tra nhiều địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc ghi nhận công tác chuẩn bị chu đáo của các địa phương, đến thời điểm này đã sẵn sàng cho kỳ thi. Thứ trưởng đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát các công việc còn lại, bám sát Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn của bộ, bám sát thực tiễn nhằm đảm bảo mục tiêu kép. Các ban chỉ đạo thi của tất cả địa phương cần xây dựng phương án dự phòng, kịch bản chi tiết nhằm ứng phó kịp thời trước những tình huống đột xuất, bất ngờ.

Thứ trưởng lưu ý: Các tỉnh, TP tính toán kỹ và có thể tăng số điểm thi dự phòng, phòng thi dự phòng, phòng chờ và phòng cách ly. Tại các điểm thi cần bố trí nhân viên y tế và thực hiện quy định 5K của Bộ Y tế. 

“Việc tổ chức kỳ thi nhằm đảm bảo mục tiêu kép, trong đó lấy mục tiêu an toàn là số một. Trên tinh thần đó, tỉnh cần chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, sàng lọc TS, đồng thời tổ chức xét nghiệm cho cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia phục vụ kỳ thi” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho ý kiến khi kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại tỉnh Hải Dương.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm