Cần bỏ lối suy nghĩ học gì thi nấy

Cần xác định rõ mục tiêu của kỳ thi quốc gia là gì và tổ chức kỳ thi này ngay trong năm 2015 tới đây là quá sớm.

Trong ba phương án đề xuất của Bộ GD&ĐT thì tôi gần với phương án 2 hơn. Tuy nhiên, nên thi hai môn chính: Toán và ngữ văn; ngoại ngữ, hai bài khoa học tự nhiên (lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (sử, địa). Học sinh thi cả năm buổi chứ không được phép chọn khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội. Nên tổ chức thi theo lối tích hợp trắc nghiệm, thời gian thi không nên quá hai ngày. Phần lớn lối thi trắc nghiệm sẽ giảm thiểu thời gian chấm bài tốn kém, đồng thời là “dụng cụ” đánh giá năng lực học sinh hiệu quả hơn so với lối thi hiện nay.

Tôi cũng nghe ý kiến cho rằng dù thi theo môn hay thi bài thì ba phương án đều buộc học sinh phải ôn luyện từ tám đến 11 môn học, trở thành quá tải với học sinh. Theo tôi, lối dạy và học ở bậc THPT hiện nay hướng học sinh đến việc quá tập trung cho kỳ thi THPT và ĐH, vì vậy sinh quá tải là chuyện bình thường. Nếu đặt trọng tâm việc học cho từng môn, từng học kỳ, từng năm và có tin tưởng vào sự đánh giá cho từng môn, thời kỳ học thì kỳ thi sẽ nhẹ và cách học sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bộ GD&ĐT dự kiến sẽ tổ chức kỳ thi quốc gia ngay trong năm 2015 trong khi hiện tại vẫn chưa chốt lại việc sẽ chọn phương án nào. Cách làm của ta lâu nay chậm thì rất chậm nhưng khi nhanh thì rất nhanh, dễ gây xáo trộn và rủi ro. Tôi nghĩ nên tổ chức một kỳ thi quốc gia theo lối tích hợp vào năm 2016 thì phù hợp hơn, như vậy năm 2015 sẽ là năm chuyển tiếp. Ngay như thế cũng cần phải bắt tay ngay thì mới kịp thời gian triển khai thực hiện. Quan trọng là toàn xã hội có được thông tin trước ít nhất một năm về lộ trình thời gian và kế hoạch thực hiện.

Để kế hoạch tổ chức kỳ thi quốc gia chính thức đi vào thực hiện, tôi nghĩ trước hết cần một tổng chỉ huy cho đề án này, người có khả năng tổng hợp các ý kiến nhưng phải quyết đoán, trực tiếp theo dõi và chỉ đạo đề án. Cần có sớm một kế hoạch khung, bao gồm thời gian và nội dung thực hiện để xã hội an tâm. Thay đổi bao giờ cũng tạo ra tâm lý bất ổn, càng bất ổn khi thiếu thông tin hay thông tin không rõ ràng.

Ở Mỹ không có kỳ thi THPT như Việt Nam, chương trình tiểu học đến trung học được tổ chức theo môn, hệ tín chỉ, học môn nào thi môn đó. Học đủ môn, gồm các môn bắt buộc và tự chọn, số tín chỉ và điểm yêu cầu thì trường cấp bằng tốt nghiệp. Nghe qua tưởng dễ nhưng học sinh phải học và thi liên tục trong một học kỳ. Bình thường học sinh học 5-6 môn trong một học kỳ, phải học và thi liên tục, kèm theo các bài viết, nghiên cứu… tạo động cơ cho học sinh học đều và liên tục, biết cách sắp xếp thời gian cho từng môn và cho cả học kỳ, trong đó có cả thời gian vui chơi, giải trí và sinh hoạt ngoại khóa nên thường không bị động và bị áp lực thời gian thi cử quá lớn. Tổ chức chương trình học như vậy mới hiệu quả, mục tiêu chính là học để hiểu chứ không phải chỉ để thi. Giá trị của học toàn thời gian chứ không phải chỉ cho một kỳ thi, thi xong quên hết.

Nếu tổ chức theo lối học này về lâu dài thì trường nên cấp bằng THPT sau khi học sinh hoàn tất yêu cầu của chương trình lớp 12 chứ không cần phải thi như hiện nay. Nhưng phải tổ chức kỳ thi ĐH rất nghiêm túc để các trường dùng điểm thi này, kèm theo học bạ cấp 3 và các yêu cầu khác cho việc xét tuyển. Điểm thi ĐH chỉ cần dùng cho bậc ĐH, hệ CĐ chỉ cần xét bằng và học bạ ba năm THPT là đủ.

Theo tôi, không nên có suy nghĩ theo lối học gì thi nấy, không thi thì học sinh không học. Những môn như tin học, giáo dục công dân... đó là những kỹ năng và nhận thức rất căn bản mà một học sinh phải có và chỉ cần kiểm tra trong thời gian học là đủ. Nếu phải thi THPT tất cả thì học sinh mới chịu học những môn này thì tôi cho là một báo động nguy hiểm của cả nền giáo dục về động cơ học tập của học sinh.

Kỳ thi này có thể tổ chức trên máy vi tính, được chấm điểm ngay sau khi thi hoàn toàn có thể thực hiện được trong vòng vài năm tới. Khả năng tổ chức 5-7 lần trong năm chứ không phải chỉ một kỳ thi như hiện nay.

TRẦN ĐỨC CẢNH, nguyên Giám đốc đào tạo và phát triển  nguồn nhân lực bang Massachusetts (Mỹ)

 HỒNG THU ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm