Sổ tay

Cám ơn những sĩ tử tuổi 18!

Vậy là kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đã kết thúc, khép lại những ngày tháng hồi hộp, lo lắng và cũng chính thức khép lại tuổi học trò với bao tháng năm hồn nhiên, mơ mộng của lứa tuổi 18.

Khi các em bắt đầu bước vào bài thi cuối cùng là ngoại ngữ với 60 phút, một người mẹ là giáo viên có con trai cũng thi như các em đã viết lên Facebook rằng: “Còn một giờ nữa 2k3 thi xong, trở về nhà. Như bao bà mẹ khác ở vùng dịch, mẹ chỉ mong nghe tiếng con mở cửa vào nhà và thở phào nhẹ nhõm. Rồi chúng mình sẽ ở nhà tự cách ly cho đến hết hai tuần. Nôn quá! Chỉ mong con về từng phút, không cần biết kết quả thế nào!”.

Câu viết ngắn ngủi ấy nhưng trong những ngày dịch bệnh phức tạp này lại trở nên cảm xúc đến lạ, vừa hồi hộp, vừa đầy lo âu.

Với lứa TS sinh năm 2003, đây có lẽ là năm đáng nhớ và đáng buồn hơn cả. Bởi chỉ trước đó thôi, các em đã có một năm học cuối cấp nhiều biến động. Dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi thứ, dạy và học phải chuyển sang online, năm học kết thúc cũng vội vã, nôn nao chờ một quyết định thi đợt 1 hay hoãn lại…

Rồi quyết định được chốt khi chỉ cách ngày thi chính thức có năm ngày, cảm giác chờ đợi kết thúc nhưng chuyển sang lo lắng, hồi hộp khi dịch bệnh vẫn đang bủa quanh.

Thực ra, đây đã là năm thứ hai kỳ thi được tổ chức trong tâm thế phòng chống dịch bệnh. Thế nhưng với năm nay, khi số ca bệnh liên tục tăng, cả nước, cả TP phải căng mình chống dịch, đời sống của mọi người dân bị đảo lộn thì làm sao tránh khỏi ảnh hưởng đến tinh thần của các em khi phải bước qua kỳ thi quan trọng nhất sau 12 năm đèn sách.

Rồi ngày thi cũng đến, các em đến điểm thi trong lặng lẽ và tuân thủ nghiêm túc những chỉ dẫn phòng dịch của các cán bộ, nhân viên ở điểm thi. Để an toàn, nhiều em cũng chủ động đội tấm kính chống giọt bắn, đeo 2-3 khẩu trang, mang theo nước xịt khuẩn riêng…

Có em khi được hỏi còn nói rằng: “Đi thi mà cả em và cha mẹ đều lo lắm, sợ em không may phải cách ly. Nhưng em thấy các thầy cô vất vả quá, ai cũng tạo mọi điều kiện cho tụi em được thi cử. Em không mong gì về kết quả mà chỉ dám mong kỳ thi diễn ra an toàn với tất cả mọi người”.

Đề thi ngữ văn của các em vừa rồi chắc hẳn đã khiến nhiều em không khỏi bất ngờ và nhiều cảm xúc khi đề trích đoạn văn trong tác phẩm Bí mật của nước của tác giả Masaru Emoto để nêu lên giá trị của sự cống hiến.

Trong đó, hình ảnh dòng nước, con suối, dù nhỏ bé nhưng góp phần bồi đắp thành phù sa để tạo nên sự trù phú cho cuộc sống. Đây là vấn đề không mới, không lớn lao nhưng rất thiết thực và giá trị, nhất là với tuổi trẻ như các em. Đề thi gián tiếp phần nào nhắc nhớ cho các em về những con người đang cống hiến ngày đêm để chống lại đại dịch, đem lại bình yên cho TP.

Và cả chính những gì các em đã trải nghiệm, đã có thể làm trong những ngày qua, dù chỉ là vượt qua nhiều lo lắng để nghiêm túc đi thi và tuân thủ phòng dịch cũng là sự góp sức nhỏ bé cho công cuộc chống dịch của TP rồi. 


Hà Nội: Thí sinh tự do, ngủ quên nên mất cơ hội thi
Hà Nội: Thí sinh tự do, ngủ quên nên mất cơ hội thi
(PLO)- Thí sinh này cho biết, hiện đang học tại một trường Cao Đẳng, năm ngoái dự thi vào trường Quân đội nhưng thiếu 0,5 điểm."Năm nay em muốn thử sức lần nữa nhưng do ngủ quên mà mất cơ hội"- thí sinh chia sẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm