Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời về việc 'xóa bỏ' môn lịch sử

  Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời chất vấn trước QH chiều 16-11

Trả lời trước QH, ông Luận cho rằng môn lịch sử không bị coi nhẹ, mà khẳng định vẫn được coi trọng trong chương trình giáo dục phổ thông.

Ông Luận cho biết hiện nay các cháu đang học 1,5 tiết lịch sử/tuần. Trong chương trình sửa đổi, khối chuyên văn, khoa học xã hội thì các cháu học bình quân 2,5 tiết sử/tuần. Các cháu không học chuyên thì cũng phải học một tiết/tuần và là bắt buộc.

Ngoài ra, môn lịch sử cũng được gắn vào nhiều môn học khác như văn học, âm nhạc, mỹ thuật.

“Giảng Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo, Tuyên ngôn độc lập không gắn với lịch sử thì các cháu không hiểu được và không có rung động được. Không chỉ văn học mà trong địa lý cũng có lịch sử, không phải tên đất, tên đảo mà gắn với chiến công và quá trình bảo vệ Tổ quốc của cha ông đối với vùng đất đó. Nên nhiều môn học cũng có giáo dục truyền thống, hỗ trợ cho việc dạy lịch sử” - ông Luận trả lời.

Ông Luận khẳng định trong dự thảo đang lấy ý kiến không có việc giảm môn lịch sử, vấn đề thảo luận là ở chỗ cần để riêng môn lịch sử hay gắn bó trong các môn khác trong tích hợp, cái đó mới cần thảo luận.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời và nhắc lại câu hỏi vì sáng nay ông Luận không có mặt. Chủ tịch QH đề nghị ông Luận trả lời đúng trọng tâm câu hỏi của ĐB: “Theo quan điểm của Bộ trưởng, có còn môn lịch sử với tư cách độc lập trong SGK không, mà không hỏi tích hợp”.

Ông Luận cho biết Bộ và ban soạn thảo đang lắng nghe ý kiến rộng rãi toàn dân, trên cơ sở đó có báo cáo với các cơ quan của trung ương và các cơ quan của QH, sau đó báo cáo với Chính phủ vì là việc hệ trọng.

"Quan điểm của tôi nếu tích hợp làm nhẹ, không thể làm tăng được thì không tích hợp. Nếu việc tích hợp vẫn đảm bảo, sẽ cho tích hợp. Chúng tôi sẽ làm việc với chuyên gia giáo dục và chuyên gia lịch sử để có kết luận cuối cùng” - ông Luận nói.

Sau trả lời của ông Luận, ĐB Lê Văn Lai có phản hồi và băn khoăn việc thầy giáo nào có thể tiến hành dạy cùng lúc theo kiểu tích hợp, việc chuẩn bị của Bộ như thế nào đối với lực lượng quyết định cho chất lượng này. “Tôi chưa nhìn thấy sự chuẩn bị một cách đầy đủ cho nên phụ huynh và nhân dân thiếu tin vào chủ trương này là thiếu cơ sở” - ĐB Lai nói.

Thứ hai, ĐB Lai cho rằng môn lịch sử dạy độc lập, có hệ thống, có thầy giáo chuyên ngành, bài bản mà vẫn có nhiều hạn chế bộc lộ rất rõ, râu ông nọ cắm cằm bà kia, thậm chí thi tốt nghiệp một phòng có phòng một HS, liệu rằng chuyển theo kiểu mới có đảm bảo nâng cao chất lượng môn lịch sử không. “Theo cá nhân tôi chắc chắn rất khó, bằng sự chuẩn bị đầy đủ như thế, mà chỉ có kết quả như thế. Mà giờ làm việc mới, chưa có tiền lệ cho nên rất băn khoăn” - ĐB Lai iếp tục đặt nghi vấn.

ĐB Lai cũng đề nghị ông Luận có ý kiến chính thức việc đưa bản dịch bài thơ Sông núi nước nam vào SGK. Tại sao phải đổi bản dịch đã đi vào lòng dân, có chỗ đứng trong lịch sử bằng bản dịch mới. “Tôi thấy một số đồng bào nhân dân, các nhà khoa học và thầy giáo lịch sử thấy bản dịch không đảm bảo yêu cầu so với bản dịch cũ, nếu không nói là giảm đi giá trị đối với bản dịch cũ, nhất là trong giai đoạn hiện nay đang gắn giáo dục lịch sử với bảo vệ chủ quyền quốc gia” - ĐB Lai tâm tư.

" Môn lịch sử, tiếng Việt - văn học, toán vốn được xem là những môn học cơ bản, bắt buộc trong hệ thống giáo dục phổ thông Việt Nam. Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể mới đây đưa ra chủ trương tích hợp môn lịch sử vào các môn khác. Cụ thể, ở lớp 1, 2, 3 là môn "Cuộc sống quanh ta"; lớp 4, 5 là "Tìm hiểu xã hội", THCS là "Khoa học xã hội" và THPT là môn "Công dân với Tổ quốc". Việc thay đổi này khiến các nhà sử học lo ngại thế hệ trẻ sẽ không hiểu về lịch sử cha ông hoặc hiểu méo mó, sai lệch.

Sách Ngữ văn lớp 7, tập 1 đăng bài thơ Nam quốc sơn hà, sử dụng bản dịch của dịch giả Lê Thước - Nam Trân: Sông núi nước Nam vua Nam ở/ Vằng vặc sách trời chia xứ sở/ Giặc dữ cớ sao phạm đến đây/ Chúng mày nhất định phải tan vỡ. Bản dịch thơ này gây ra những ý kiến trái chiều và có sự so sánh với bản dịch quen thuộc của nhà sử học Trần Trọng Kim.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm