Băn khoăn trước giờ chốt lịch thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM

Chỉ còn một tuần nữa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1 sẽ diễn ra trên cả nước. Riêng tại TP.HCM, dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nhưng Sở GD&ĐT TP.HCM vẫn dự kiến kế hoạch tổ chức thi vào đợt 1. Điều này khiến nhiều phụ huynh, học sinh (HS) và không ít thầy cô lo lắng. Họ vẫn mong chờ những phương án tổ chức thi tốt nhất và an toàn nhất.

Càng kéo dài càng dễ gây tâm lý hoang mang

Theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT TP.HCM trước đó, TP vẫn dự kiến tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT trong hai ngày 7 và 8-7 tới, như kế hoạch của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, với những trường hợp thí sinh (TS) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như ở nơi bị phong tỏa hoặc thuộc nhóm F0, F1, F2 theo phân loại của ngành y tế sẽ tham dự thi ở đợt 2.

Nói về kế hoạch thi, em Nguyễn Mẫn Khang, HS lớp 12 Trường THPT Trưng Vương (quận 1), mong TP sẽ sớm có quyết định về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT. Theo Khang, chờ đợi quá lâu cũng khiến em và các bạn đều rất mệt mỏi.

“Nếu TP tổ chức thi đợt 1, em vẫn ủng hộ và sẽ cố gắng trang bị những kiến thức để tham gia kỳ thi một cách an toàn. Bởi nếu lùi lịch tổ chức thi thì không biết sẽ lùi đến bao giờ, trong khi diễn biến dịch ngày càng khó lường, tâm lý vì thế cũng bị ảnh hưởng nhiều” - Khang chia sẻ.

Ủng hộ TP nên tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ngay trong đợt 1, cô Nguyễn Mai Loan, giáo viên Trường THCS-THPT Hai Bà Trưng (quận Tân Bình), cho rằng tình hình dịch bệnh ngày càng chuyển biến khó lường. Dù TP đã triển khai tiêm ngừa cho giáo viên nhưng đó chưa thể là giải pháp ngăn chặn dịch COVID-19.

“Nếu chờ thoát dịch, liệu TP có thể ngăn được dịch trong tháng 8 không? Rõ ràng không cấp, ngành nào dám xác tín câu trả lời. Vì thế, TP không cần thiết phải thi đợt 2. Bởi càng kéo dài thời gian càng dễ gây tâm lý hoang mang, đợi chờ trong thấp thỏm, lo âu thì chưa chắc mọi thứ đã tốt hơn” - cô Loan nêu quan điểm.

Hơn nữa, theo cô Loan, 100% các trường đã kết thúc chương trình chính khóa từ trước kỳ thi học kỳ 2. Khi dịch bệnh diễn ra, việc học online vẫn được thực hiện để ôn luyện kiến thức. Cho nên trong thời gian này, việc tổ chức thi là hợp lý nhất vì TP cũng đã có nhiều phương án để đảm bảo an toàn.

Tương tự, ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức), cho biết dù thế nào kỳ thi tốt nghiệp cũng sẽ diễn ra vì điều này đã được quy định trong Luật Giáo dục. Và việc thi sẽ là căn cứ tốt hơn cho xét tuyển đại học.

Theo ông Bình, ở lứa tuổi 18, các em đã lớn nên có thể biết cách bảo vệ bản thân. Đồng thời, để tổ chức kỳ thi, không chỉ ngành giáo dục mà còn phối hợp với nhiều ban, ngành khác để tổ chức với mong muốn đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. “Thi đợt 1 hay 2 sẽ rất khó nhưng quyết định nào cũng có lý, bởi không có gì là toàn vẹn. Do đó, chúng ta cần phải trang bị khả năng tự bảo vệ và thực hiện các quy định” - ông Bình nói thêm.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM) chuẩn bị thủ tục để gửi phiếu báo dự thi cho học sinh qua đường bưu điện. Ảnh: NTCC

Theo số liệu của Sở GD&ĐT TP.HCM, kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM năm 2021 có 88.774 TS đăng ký dự thi. Trong đó, THPT là 80.775 TS và giáo dục thường xuyên là 7.999 TS. Có 4.700 TS ở tỉnh. 

Cần phương án an toàn cho thí sinh ở tỉnh

Theo ghi nhận của PV từ kết quả khảo sát ở nhiều trường, trong ba lựa chọn do Sở GD&ĐT TP.HCM đưa ra để lấy ý kiến ngày 28-6, đa số phụ huynh, TS bày tỏ không yên tâm nhưng vẫn đồng ý cho con thi vào đợt 1.

Trong đó, lo lắng nhất là với TS các trường ngoài công lập vì các em sinh sống ở nhiều tỉnh khác nhau, ngay cả với TS ở TP.HCM cũng ở rất nhiều địa bàn.

Đây cũng là lý do khiến ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), cho rằng nên lùi kỳ thi tốt nghiệp THPT lại đợt 2.

Theo ông Phú, nếu tổ chức thi sớm, TP giải quyết thế nào cho hàng ngàn TS tư thục đang ở quê lên TP để dự thi. Hơn nữa, công tác tầm soát cho toàn bộ đội ngũ coi thi và TS dự thi cũng không đơn giản về thời gian và nguồn kinh phí. Chưa kể, nếu tầm soát sớm thì nguy cơ lây bệnh bên ngoài cũng khó có thể kiểm soát.

Hơn nữa, nếu TP tổ chức thi đợt 1 thì nhiều trường tư gặp khó khăn trong việc lo chỗ ăn, ngủ, nghỉ cho các TS.

Ông Trần Minh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Đào Duy Anh (quận Tân Phú), cho biết thời gian này, phụ huynh liên tục gọi điện thoại cho trường hỏi về phương án hỗ trợ HS ở tỉnh đi thi và lưu trú tại ký túc xá nếu kỳ thi vẫn diễn ra theo lịch của Bộ GD&ĐT. Bởi phụ huynh lo lắng vì dịch ở TP lan rộng và phức tạp, nếu phải tự túc chỗ ăn ở, đi lại, phụ huynh sẽ rơi vào thế bị động khi hầu hết dịch vụ công cộng đều ngưng hoạt động.

Ông Minh cho biết hiện trường đang chờ hướng dẫn cụ thể của Sở GD&ĐT TP nên chưa dám thông báo nhận HS vào ở ký túc xá những ngày thi.

Tương tự, lãnh đạo một hệ thống trường tư thục khá lớn khác tại TP.HCM cũng cho biết năm nay trường có 873 HS tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT tại TP.HCM. Trong đó, 252 HS ở các tỉnh miền Đông, miền Tây, miền Trung và cả miền Bắc. Trường còn có 269 HS có nhà ở TP.HCM nhưng tại các quận, huyện xa như quận 7, 8, 12, Bình Tân, huyện Hóc Môn… trong khi điểm thi của các em lại được tổ chức tại các trường trên địa bàn thuộc TP Thủ Đức.

Vị này cho biết qua khảo sát ý kiến, hầu hết phụ huynh đồng ý cho con thi nhưng họ rất lo lắng, không biết những ngày thi sẽ đi lại, ngủ nghỉ như thế nào vì quy định không được tổ chức nội trú.

Theo vị này, để thuận lợi cho TS, TP và Bộ GD&ĐT nên linh động cho phép TS tại TP.HCM đã có giấy báo thi được tham gia thi ở địa bàn nơi cư trú, bởi đề thi áp dụng chung cho toàn quốc.

“Hoặc nếu vẫn phải thi theo trường, TP cần cho phép chúng tôi tổ chức nội trú, ăn uống và đưa đón TS trong những ngày thi với điều kiện trường chúng tôi sẽ đảm bảo công tác phòng dịch, thậm chí sẽ áp dụng bộ test nhanh cho tất cả HS, thầy cô, nhân viên… Như vậy sẽ hạn chế được việc để các TS tự đi thuê chỗ ở và tự đi đến địa điểm thi.

Chúng tôi mong TP sớm có chủ trương và giải pháp hợp lý để HS được tham gia kỳ thi một cách an tâm nhưng vẫn đảm bảo phòng dịch, vì số lượng HS ở trường tư tại TP rất lớn” - vị này nói.

An toàn và an tâm mới tổ chức thi

Ngày 28-6, phát biểu tại cuộc họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP, ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết độ an toàn của các điểm thi hiện nay rất cao, các điểm thi trang bị đầy đủ nước sát khuẩn; có lực lượng công an, tình nguyện viên, dân quân tự vệ đảm bảo không ùn tắc, tập trung đông đúc tại điểm thi.

Để phục vụ cho kỳ thi, TP.HCM đã huy động 12.402 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia coi thi tại 155 điểm thi trên toàn địa bàn.

Mỗi quận, huyện có 1-3 điểm thi dự phòng và mỗi điểm thi có từ hai phòng dự trữ để xử lý các trường hợp có dấu hiệu ho, sốt.

Ông Hiếu cho biết yêu cầu của lãnh đạo TP là vừa an toàn mà an tâm thì mới tổ chức thi.

Hiện nay, các cán bộ, giáo viên đã được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19. Đồng thời, hơn 15.000 cán bộ coi thi và nhân viên phục vụ thi cùng hơn 88.000 TS sẽ được xét nghiệm COVID-19... “Các TS sau khi được xét nghiệm thì phải thực hiện đầy đủ biện pháp 5K, đến điểm thi và ở nhà, hạn chế tiếp xúc với người khác, không ra đường khi không có việc cần thiết để đến ngày thi có sức khỏe hoàn toàn khỏe mạnh” - ông Hiếu nói.

Theo ông Hiếu, hiện TP cũng đang có các kịch bản tổ chức thi cân nhắc theo tình hình dịch, nếu dịch bệnh phức tạp sẽ có phương án thay thế.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm