Ám ảnh cận thị học đường:Thủ phạm do ô nhiễm ánh sáng

Dùng ánh sáng phản xạ

TS Nguyễn Văn Khải, giám đốc Trung tâm Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa và Đèn tiết kiệm Điện cho biết, học sinh bị bệnh về mắt là do ô nhiễm ánh sáng (nơi ánh sáng quá yếu nơi lại quá mạnh). Yêu cầu chung là độ rọi phải đảm bảo 300 - 500lux. Tuy nhiên, nhiều phòng học khi đo lại dưới 100 lux. Đã thế, thông thường, người ta lấy ánh sáng nhân tạo bổ sung cho ánh sáng tự nhiên. Trong khi đó về nguyên tắc, phòng học chỉ nên sử dụng ánh sáng phản xạ của ánh sáng tự nhiên.

Ám ảnh cận thị học đường:Thủ phạm do ô nhiễm ánh sáng ảnh 1
Ngồi không thẳng, và mắt cách vở quá xa, hoặc quá cúi sát cũng làm cận thị.
Chương trình ánh sáng học đường đã được triển khai nhưng theo một thống kê sơ bộ thì cả nước chỉ có khoảng 25.000 phòng học là có ánh sáng đạt chuẩn. Các trường này tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Theo TS Trần Đình Bắc, tư vấn trưởng Dự án Chiếu sáng học đường, Viện Khoa học Bảo hộ Lao động, đa phần đèn chiếu sáng trong các lớp học không đúng quy cách. Thiết bị quan trọng giúp khuếch tán đều ánh sáng, tăng hiệu suất chiếu sáng, hạn chế lóa mắt là chao chụp nhưng có tới 87% đèn tại các lớp học không được lắp đặt thiết bị này. 75% phòng học không sử dụng đèn chiếu sáng bảng và chỉ có 7% lớp học dùng đèn compact. Các chỉ tiêu về định lượng và chất lượng ánh sáng tại phòng học đều không đạt yêu cầu, kể cả các trường có điều kiện kinh phí. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây nên tật khúc xạ ở mắt ngày càng tăng cao. Chiếu sáng khoa họcTS Nguyễn Văn Khải cho biết: "Ánh sáng thiếu không tốt, nhưng vượt quá mức cũng không tốt. Theo tiêu chuẩn là nên dùng 9W/m2 tuy nhiên, nhiều phòng lên tới 15W/m2. Thừa nhưng mà vẫn làm trẻ bị cận bởi độ rọi quá lớn cũng làm hỏng mắt. Hơn thế, nhiều nơi mắc bóng đèn song song khiến cho ánh sáng không đều, bóng người đè lên vở, tạo ra chỗ tối chỗ sáng. Ở lớp, các thầy cô cũng chưa thật chú ý đến tư thế ngồi của trẻ. Ngồi không thẳng, và mắt cách vở quá xa, hoặc quá cúi sát cũng làm cận thị. Tường sơn bóng, bàn bóng, giấy viết quá trắng làm tăng hệ số phản xạ, treo nhiều tranh ảnh trên tường... cũng gây lóa mắt. Đối với trường học, phòng học bố trí 9W/1m2, phòng học phải luôn đủ ánh sáng là từ 300 - 500 lux. Ngoài ra, nên lùi khẩu hiệu hoặc tranh ảnh xuống phía cuối lớp hoặc phía 2 bên. Phía trên bục giảng chỉ nên để duy nhất bảng. Các thầy cô giáo phải chú ý cho học sinh ngồi thẳng, mắt phải cách bàn khoảng 25 - 30cm. TS Trần Đình Bắc cho biết, chiếu sáng không đúng cách là nguyên nhân các bệnh như đỏ mắt, ngứa mắt, chảy nước mắt, mờ mắt, đau đầu, làm tăng mệt mỏi toàn thân, giảm độ tinh của mắt, lâu dài dẫn đến giảm thị lực và cận thị. Bàn học phải bố trí sao cho hướng nhìn song song với cửa sổ, các dãy đèn nên bố trí song song với hướng nhìn và cửa để hạn chế loá phản xạ. Bố trí bàn làm việc, bàn máy tính có hướng nhìn song song với cửa sổ. Không nên bố trí bàn học hướng ra cửa sổ hoặc quay lưng lại. Theo ThS.BS Hoàng Cương, Bệnh viện Mắt T.Ư, các bậc phụ huynh cần phải chú ý đủ hai nguồn ánh sáng là chiếu sáng nền (ánh sáng chung trên cao) và nguồn sáng hỗ trợ trực tiếp. Ánh sáng nền cần được đảm bảo ở độ sáng khoảng từ 60 -  100 lux. Nguồn sáng chung nên được bố trí trên cao sau lưng và về bên trái người ngồi học để tránh ánh sáng chiếu trực tiếp vào mắt gây chói, mỏi mắt. Nguồn sáng hỗ trợ - đèn học, đèn đọc sách - là dạng đèn chức năng, nên cần sử dụng bóng đèn quả lê, dạng bóng sợi đốt hay bóng halogen để cho nguồn sáng trung thực hơn. Nguồn sáng hỗ trợ phải đảm bảo cường độ ánh sáng ở mức 300 - 500 lux, tương đương với bóng khoảng 45 - 50W.
Theo Châu An (Bee.net.vn)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm