8 sự kiện nổi bật của ngành giáo dục trong năm 2020

Báo Pháp Luật TP.HCM giới thiệu 8 sự kiện nổi bật nhất của ngành giáo dục trong năm 2020. 

1. Dịch COVID-19 tác động đến ngành GD&ĐT

Ngày 1-2, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký Quyết định về việc công bố dịch truyền nhiễm xuất hiện tại Việt Nam. Trước tình hình dịch bệnh phức tạp, 6-3, 63 tỉnh/thành quyết định cho học sinh nghỉ học từ 1 đến 2 tuần để xem diễn biến của dịch. Các trường đại học trên cả nước cũng điều chỉnh lịch đi học trở lại của sinh viên.

Thời điểm đó, cứ đến cuối tuần, học sinh, phụ huynh và giáo viên lại nhấp nhổm chờ đợi quyết định từ UBND. Đến ngày 15-2, 56 tỉnh, thành trên cả nước cho học sinh nghỉ học đến hết tháng 2; 5 tỉnh cho nghỉ học đến hết ngày 23-2, riêng Ninh Bình cân nhắc thời gian nghỉ.

Bước sang tháng 3, dịch bệnh diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều ca nhiễm mới với tình trạng lây lan cao, hơn 22 triệu học sinh lại tiếp tục được nghỉ học đến đầu tháng 5.

Học sinh trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức học online trong thời giản nghỉ học phòng dịch COVID-19. Ảnh: NTCC

Với phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”, Bộ GDĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch năm học, nội dung dạy học các môn học của học kỳ II, hướng dẫn tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình…

Các địa phương, nhà trường đã vận dụng các hình thức dạy học trực tuyến, chủ động điều chỉnh kế hoạch, nội dung dạy học theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Qua thống kê, giai đoạn dịch COVID-19, Việt Nam có gần 80% học sinh sinh viên học trực tuyến, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước OECD là 67,15% và xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Tháng 5 khi quay trở lại trường, tại các trường quốc tế lại nảy sinh mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường về học phí online. Trừ một nhóm phụ huynh VAS gửi đơn kiện, đa phần các trường khác đều thảo thuận được với phụ huynh.

Trước diễn biến của dịch, một số địa phương cũng thay đổi kỳ thi tuyển sinh 10, có một số địa phương giảm môn thi thứ tư, có tỉnh không tổ chức thi.

Bên cạnh đó, việc đi du học của học sinh cũng bị ảnh hưởng. Nhiều học sinh trúng tuyển phải học online tại nhà vì không thể bay qua nước ngoài. Còn sinh viên tại các quốc gia khác tìm cách về nước nhưng rất khó khăn vì chuyến bay hạn chế.

2. Thay đổi về kỳ thi THPT

Do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 nên kỳ thi THPT đã có sự thay đổi so với các năm trước.

Dịch COVID-19 khiến học sinh cả nước không thể đến trường. Trước tình hình đó ngày 14-4, Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia. Phương án 1 nếu dịch bệnh được kiểm soát, học sinh có thể đi học trước ngày 15-6, kỳ thi THPT quốc gia sẽ được tổ chức vào ngày 8 đến 11-8. Phương án 2, nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ tính không tổ chức kỳ thi mà giao về cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT.

kỳ thi THPT phải tổ chức thành 2 đợt. Học sinh phải đeo khẩu trang và đo thân nhiệt khi tham dự kỳ thi. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Ngày 22-4, Bộ GD&ĐT cho biết do dịch nên kế hoạch năm học 2019-2020 phải điều chỉnh. Bộ cũng đã công bố tinh giản chương trình học kỳ 2 và triển khai học online. Do đó, kỳ thi vẫn sẽ được tổ chức nhưng muộn hơn mọi năm, dự kiến vào cuối tháng 8. Vì luật giáo dục đã có hiệu lực. Do vậy sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia như mọi năm mà tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến gồm 3 bài thi độc lập (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi Khoa học Xã hội. Trong đó, bài thi Khoa học Tự nhiên gồm tổ hợp của 3 môn Vật lý, Hóa học và Sinh học. Bài thi Khoa học Xã hội đối với thí sinh THPT gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Đối với thí sinh giáo dục thường xuyên gồm tổ hợp của 2 môn Lịch sử, Địa lý. Mỗi bài thi tổng hợp được chấm một đầu điểm thay vì ba đầu điểm môn thành phần như kỳ thi THPT quốc gia.

Ngày 27-4, tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ quyết định kỳ thi năm nay giữ nguyên 3 đầu điểm đối với bài thi tổ hợp. Nội dung thi nằm trong chương trình học. Các trường Đại học có thể sử dụng kết quả kỳ thi này để làm căn cứ tuyển sinh.

Về phần các trường Đại học cũng thay đổi phương án tuyển sinh liên túc, ban đầu nhiều trường tổ chức kỳ thi riêng. Nhưng sau đó, các trường đều hoãn việc tổ chức kỳ thi do nhiều lý do, chủ yếu dựa vào điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh.

Cuối cùng kỳ thi tốt nghiệp THPT vẫn được diễn ra. Tuy nhiên, do một số địa phương bị cách ly xã hội do ảnh hưởng của dịch nên kỳ thi được chia làm 2 đợt. Đợt đầu diễn ra từ ngày 8 đến 10-8. Đợt 2 của kỳ thi diễn ra vào ngày 3 và 4-9. Đợt thi thứ hai tổ chức cho 26014 thí sinh của 27 tỉnh/thành chưa thể dự thi đợt 1 do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

3. Triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018

Năm học 2020-2021 là năm học đầu tiên cả nước áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018, bắt đầu từ lớp 1.

Để chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới, Bộ GD&ĐT đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn chuyên môn, tạo hành lang pháp lý để địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện. Ngành giáo dục các địa phương đã chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện từ việc tập huấn giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Đây là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 tại lớp 1, bậc Tiểu học. Trong ảnh cô trò lớp 1 trường Tiểu học Phạm Văn Chính, quận 9 trong một tiết học.  Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1 sẽ gồm tám môn học và một hoạt động giáo dục, dạy học 2 buổi/ngày, mỗi ngày bố trí không quá bảy tiết học; mỗi tiết học 35 phút.

Theo lộ trình, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai như sau:

Năm học 2020-2021 đối với lớp 1;

Năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6;

Năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10;

Năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11;

Năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

4. SGK lớp 1 bị phản ứng

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sử dụng sách giáo khoa mới.

Bộ GD&ĐT đã phê duyệt 5 bộ sách giáo khoa được sử dụng trong nhà trường. Trong đó 4 bộ sách Chân trời sáng tạo, Cùng học để phát triển năng lực, Kết nối tri thức với cuộc sống, Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dụcdo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam biên soạn. Riêng bộ sách Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Hà Nội và Đại học Sư phạm TP.HCM biên soạn.

Học sinh lớp 1 trường Tiểu học Triệu Thị Trinh, quận 10 trong một tiết học Tiếng Việt. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN

Sau hơn 1 tháng sử dụng sách giáo khoa mới, nhiều phụ huynh và giáo viên dạy lớp 1 phản ánh sách giáo khoa quá nặng, có quá nhiều chữ hơn chương trình cũ. Vì thế, học sinh lẫn phụ huynh đều rất áp lực khi tiếp cận chương trình.

Vấn đề chưa được giải quyết thì bộ sách Cánh Diều lại dậy sóng khi sử dụng những từ ngữ, ngữ liệu không phù hợp với học sinh. Không chỉ bộ sách Cánh Diều mà 4 bộ sách của Nhà xuất bản Giáo dục cũng có rất nhiều lỗi về ngữ liệu và từ ngữ. Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có chỉ đạo, yêu cầu các nhà xuất bản tổng rà soát các bộ sách giáo khoa trên tinh thần cầu thị tiếp thu ý kiến góp ý của dư luận, giáo viên, đề xuất phương án chỉnh sửa phù hợp.

Đến nay, bộ Cách Diều đã được duyệt phương án chỉnh sửa. NXB sẽ in 1 triệu tài liệu chỉnh sửa để phát cho học sinh. 

5. Đại học Đông Đô cấp hằng trăm bằng giả

Ngày 25-11, theo Bộ Công an, trường Đại học Đông Đô dù chưa được Bộ GD&ĐT cấp phép đào tạo văn bằng hai ngành ngôn ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên, từ tháng 4-2017, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường chỉ đạo cấp dưới ký thông báo tuyển sinh gửi tới các cơ sở, cá nhân để hợp tác đào tạo. Kết quả, 12 cơ sở đã tuyển sinh được hơn 3.500 học viên, thu về hơn 24 tỉ đồng.

Đáng chú ý, trường còn tiếp nhận hồ sơ học viên, không tổ chức thi đầu vào, không đào tạo theo chương trình, đồng thời hướng dẫn học viên hợp thức các bài thi bằng cách phát đề thi và đáp án rồi chép lại.

193 người là con số được cơ quan điều tra xác định do Đại học Đông Đô cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo. 

6. Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Olympic Toán học quốc tế 2020

Olympic Toán học quốc tế lần thứ 61 năm 2020 do Liên bang Nga đăng cai tổ chức theo hình thức thi trực tuyến. Đội tuyển quốc gia Việt Nam dự thi tại trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đội tuyển Việt Nam giành 2 Huy chương Vàng Oympic Toán quốc tế 2020, trong đó có một em học sinh mới học lớp 10. Ảnh: BỘ GD&ĐT

Kỳ thi năm nay có 616 thí sinh đến từ 105 quốc gia và vùng lãnh thổ. Kết quả, có 316 thí sinh đoạt Huy chương. Với 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, đội tuyển quốc gia Việt Nam đứng thứ 17 trên 105 đội tuyển dự thi.

Thành tích của đội tuyển quốc gia dự thi Olympic Toán học quốc tế năm 2020 được khép lại một mùa Olympic khu vực và quốc tế thành công với 24/24 thí sinh dự thi đoạt giải (9 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc, 5 Huy chương Đồng, 2 Bằng khen).

Kết quả này tiếp tục khẳng định vị thế của học sinh phổ thông Việt Nam trên đấu trường trí tuệ quốc tế. 

7. Cô giáo đầu tiên của Việt Nam lọt top 10 giáo viên toàn cầu

Sáng 11-11, tổ chức Varkey Foudation công bố danh sách 10 giáo viên toàn cầu từ cơ sở chọn lọc top 50 giáo viên toàn cầu đã công bố vào tháng 3. Trong danh sách top 10 năm nay, Việt Nam lần đầu tiên được xướng tên với cô giáo Hà Ánh Phượng, 29 tuổi, giáo viên tiếng Anh trường THPT Hương Cần, tỉnh Phú Thọ.

Cô giáo Hà Ánh Phượng cùng các học trò của mình. Ảnh: NVCC

Cô Phượng là giáo viên người dân tộc Mường giảng dạy tại một trường miền núi, nơi hơn 90% học sinh là người dân tộc thiểu số, ít có cơ hội thực hành tiếng Anh. Chính vì thế, cô Phượng đã tự học cách sử dụng công nghệ thông tin, mở ra lớp học không biên giới, kết nối học sinh với giáo viên và học sinh các nước khác. Cô cũng sáng tạo nhiều phương pháp dạy học mới qua phim ảnh, dự án, lập kênh Youtobe để dạy tiếng Anh miễn phí.

Với những đóng góp của mình cho ngành GD&ĐT, tháng 9 vừa qua, cô Phượng cũng được vinh danh là điển hình tiên tiến tại Đại hội thi đua ngành GD toàn quốc.

8. Nhiều đại học lọt top thế giới

Năm học này, việc tự chủ đại học tiếp tục được đẩy mạnh và tạo đột phá trong quản trị đại học, giúp nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Trong năm học này, lần đầu tiên, Việt Nam có 4 cơ sở giáo dục đại học lọt vào tốp 1000 thế giới. Nhiều ngành, lĩnh vực đào tạo được đứng trong tốp 500 thế giới.

Dữ liệu được Times Higher Educatinon (THE) công bố ngày 28-10, ba Đại học Quốc gia Hà Nội, Quốc gia TP.HCM, Bách Khoa Hà Nội có năm ngành thuộc các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, kinh tế lọt top thế giới.

Đại học Quốc Gia Hà Nội góp mặt với ba ngành Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học máy tính và Khoa học Vật lý.

Đại học Bách Khoa Hà Nội có ba ngành được ghi tên trong bảng xếp hạng thế giới là Khoa học máy tính, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Vật lý.

Đại học Quốc gia TP.HCM ngoài 3 ngành nói trên, còn có thêm ngành Kinh doanh và kinh tế, Khoa học đời sống.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

Hà Nội chốt thi 3 môn vào lớp 10,

(PLO)- Học sinh Hà Nội sẽ thi 3 môn vào lớp 10 là Toán, Văn, Ngoại ngữ trong kỳ thi vào THPT công lập, không có môn thứ tư. Hà Nội có khoảng 135.000 học sinh lớp 9, nhưng chỉ có khoảng 81.000 chỉ tiêu vào lớp 10 các trường công lập. 

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

Ngày hội tuyển sinh Victoria 360 Showcase: Sôi động với các trải nghiệm thú vị

(PLO)- Sáng 23-3, Ngày hội tuyển sinh do Hệ thống giáo dục Victoria School tổ chức đồng loạt tại Trường: Victoria Nam Sài Gòn, Trường Victoria Riverside và Trường Mầm non Victoria - SwanBay với chủ đề “Khám phá ngôi trường hạnh phúc tại Victoria 360 Showcase” đã thu hút đông đảo phụ huynh, học sinh đến tham dự và trải nghiệm.