6 điểm "khuyết" của chương trình giáo dục tổng thể

Dự thảo chương trình phổ thông tổng thể mới nhất được thông qua vào ngày 28-7-2017 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh. Số lượng tiết học đã giảm bớt trong chương trình tiểu học. Các môn học đã có tên gọi hợp lý và rõ nghĩa hơn, giúp các tác giả sách giáo khoa (SGK) và giáo viên dễ hình dung được nhiệm vụ của mình.

Tuy nhiên, dự thảo chương trình lần này vẫn còn một số điểm cần bàn đến.

Thứ nhất, về yêu cầu học bán trú (hai buổi/ngày) của cấp tiểu học với thời lượng bảy tiết/ngày, áp lực học tập của học sinh (HS) vẫn chưa giảm bớt. Thời gian các cháu dành cho giao tiếp và ứng xử xã hội vẫn bị hạn chế. Chính vì vậy, sức ép học tập vẫn đè nặng lên các cháu.

Thứ hai, dự thảo ghi rõ: Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho HS những phẩm chất chủ yếu: Yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. Nhưng thời lượng cho môn học đạo đức cấp tiểu học, giáo dục công dân cấp THCS, giáo dục quốc phòng và an ninh cấp THPT chỉ có 35 tiết/năm, nghĩa là một tiết/tuần. Với thời lượng như vậy, giáo viên sẽ không thể có đủ thời gian hoàn thành những mục tiêu đặt ra ở trên. Đặc biệt, để hình thành một thói quen, HS cần lặp lại hành động đó liên tục 30-40 ngày. Với thời lượng một tiết/tuần, chắc chắn các thói quen tốt sẽ không thể hình thành được, nhất là trong bối cảnh nhiều lớp học ở TP có số HS 50-60 cháu.

Thứ ba, số tiết bộ môn tiếng Việt còn quá cao (420 tiết cho lớp 1), chiếm tới non nửa tổng thời lượng chương trình. Điều này có thật sự hợp lý?

Cần tách các hoạt động giáo dục đã có từ trước ra khỏi quy mô của hoạt động trải nghiệm theo dự thảo mới. Trong ảnh: Hoạt động ngoài giờ của học sinh Trường Phan Châu Trinh, TP.HCM. Ảnh: PHẠM ANH

Thứ tư, trẻ học bán trú, nghĩa là thời gian ngồi yên kéo dài 8-10 tiếng. Tuy nhiên, thời lượng môn giáo dục thể chất lại chỉ có 70 tiết/năm. Như vậy cả tuần trẻ chỉ có hai tiết được học thể chất. Điều này rất không phù hợp với yêu cầu vận động của trẻ, tích tụ nhiều ức chế khiến trẻ dễ lười vận động, béo phì. Ngoài ra, trong dự thảo ghi rõ: Giáo dục thể chất được thực hiện ở nhiều môn học như giáo dục thể chất, đạo đức, tự nhiên và xã hội, khoa học, khoa học tự nhiên, sinh học, trong đó môn học cốt lõi là giáo dục thể chất. Tuy nhiên, nhiệm vụ của các môn đạo đức, tự nhiên và xã hội, khoa học, khoa học tự nhiên, sinh học… đã quá nặng nề. Liệu giáo viên có còn đủ thời lượng cho các hoạt động thể chất diễn ra trong các giờ học này?

Thứ năm, về bộ môn âm nhạc, dự thảo ghi rõ: Nội dung cốt lõi của phân môn âm nhạc bao gồm các mạch kiến thức và kỹ năng về hát, chơi nhạc cụ, nghe nhạc, đọc nhạc, lý thuyết âm nhạc và thường thức âm nhạc.

Theo suy nghĩ của tôi, đây là những phần chương trình dành cho đào tạo… ca sĩ, nhạc sĩ. Với chương trình phổ thông, điều quan trọng nhất là người dân biết thưởng thức âm nhạc, biết lựa chọn gu thẩm âm. Để làm điều này, nhất thiết nội dung quan trọng cần được đặt lên hàng đầu là thường thức âm nhạc. Ngoài ra lịch sử âm nhạc, các dòng nhạc, các tác giả, tác phẩm nổi tiếng trong lịch sử nhân loại, các xu hướng âm nhạc trong và ngoài nước là những nội dung cần thiết hơn kỹ thuật, kỹ năng hát, chơi nhạc cụ. Theo tôi, mục tiêu và các nội dung bộ môn này cần được thay đổi cho phù hợp với nhu cầu của đại đa số HS trên cả nước.

Thứ sáu, trong dự thảo có ghi về hoạt động trải nghiệm và hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp như sau: Hoạt động trải nghiệm được tổ chức trong và ngoài lớp học, trong và ngoài trường học; theo quy mô nhóm, lớp học, khối lớp hoặc quy mô trường; với các hình thức tổ chức chủ yếu: Thực hành nhiệm vụ ở nhà, sinh hoạt tập thể (sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; sinh hoạt Sao nhi đồng, đội TNTP, đoàn thanh niên…), dự án, làm việc nhóm, trò chơi, giao lưu, diễn đàn, hội thảo, tổ chức sự kiện, câu lạc bộ, cắm trại, tham quan, khảo sát thực địa, thực hành lao động, hoạt động thiện nguyện…

Tuy nhiên, theo chương trình cũ, các sinh hoạt tập thể như sinh hoạt dưới cờ; sinh hoạt lớp; sinh hoạt Sao nhi đồng, đoàn, đội… đã được xếp vào hoạt động giáo dục của trường. Như vậy, các hoạt động đã có từ trước này có thể sẽ chiếm thời lượng lớn trong hoạt động trải nghiệm của chương trình mới. Vì thế, theo tôi, cần tách các hoạt động giáo dục đã có từ trước ra khỏi quy mô của hoạt động trải nghiệm. Từ đó nội dung của các hoạt động này sẽ rõ ràng, phong phú và thực hiện theo mục tiêu đặt ra tốt hơn.

Góp ý cho dự thảo này chúng tôi hy vọng chương trình mới được thực hiện sẽ giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong giáo dục hiện nay.

Nhanh nhất năm học 2019-2020 mới có thể triển khai

Bản dự thảo mới nhất mà ban soạn thảo chương trình đưa ra có một số thay đổi nhưng không nhiều. Hội đồng thẩm định kiến nghị với Bộ GD&ĐT sẽ triển khai ở các lớp đầu cấp là lớp 1, 6, 10 vào năm học 2018-2019, theo nguyên tắc thẩm định xong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể Bộ sẽ ký quyết định ban hành, từ đó làm cơ sở để xây dựng chương trình môn. Thẩm định chương trình môn học xong mới viết SGK.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi, viết SGK không thể thu gọn trong thời gian vài tháng. Chưa kể SGK cũng cần phải được thí điểm hoặc thử nghiệm và thời gian để thí điểm cũng không thể ít hơn một năm. Cũng với tình hình trên, dựa theo kinh nghiệm đã có, hội đồng thẩm định nghiên cứu và đề xuất với bộ trưởng có nên triển khai ở các lớp đầu cấp là lớp 1, 6, 10 vào năm học 2018-2019 hay không. Chất lượng phải được đặt lên hàng đầu, nếu vội vã sẽ có những khó khăn nhất định.

Nếu theo tiến độ hiện nay, tôi nghĩ năm học 2018-2019 vẫn có thể đưa vào các lớp đầu cấp nhưng nhanh nhất là năm học 2019-2020 mới có thể triển khai.

PGS-TS TRẦN KIỀU, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, người tham gia ban soạn thảo trong giai đoạn đầu tiên (Theo plo.vn)

_________________________

(*) Giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm