40 năm gieo nhân cách đẹp cho đời

Đến nay đã tròn 40 năm kể từ khóa đầu tiên là lớp Ngữ văn Bổ túc khai giảng vào năm 1975, ngay sau ngày thống nhất đất nước. Hàng chục ngàn sinh viên trưởng thành từ giảng đường của khoa hiện nay đang làm việc trên nhiều lĩnh vực như văn hóa, giáo dục, báo chí, kinh tế, chính trị… trên khắp mọi miền Tổ quốc.

“Ngay từ những ngày đầu thành lập, đặt nền móng cho tiến trình phát triển của khoa, môi trường mà chúng tôi hướng tới  là dân chủ, bình đẳng và không áp đặt. sinh viên được đề xuất ý kiến của mình và tự do thể hiện quan điểm cá nhân. Chúng tôi mong muốn đưa đến cho các thế hệ sinh viên của mình những giá trị cao đẹp nhất của cuộc sống” - GS Mai Cao Chương, Trưởng khoa Ngữ văn từ năm 1978 đến 1990, chia sẻ.

Sinh viên khóa 1979-1983 trong một chuyến đi thực tế ghi chép tư liệu văn học dân gian, lịch sử địa phương. Ảnh: Cựu sinh viên

Trưởng thành sau những năm tháng học tập tại khoa, PGS-TS Đoàn Lê Giang - hiện là Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM, tâm sự: “Đội ngũ giảng dạy của khoa Ngữ văn ngày trước, nay là khoa Văn học và Ngôn ngữ được hình thành từ những nhà giáo đầu đàn, tận tụy, tâm huyết với nghề, những nhà nghiên cứu nghiêm túc, những giảng viên trẻ gắn bó với khoa học, học thuật... Tôi thấy mình thật may mắn được học trong môi trường này”.

Khoa không chỉ đơn giản dạy chữ, dạy người, nhà thơ-nhà báo Lê Minh Quốc từng là sinh viên của khoa khẳng định, những nền tảng kiến thức học được ở khoa đã giúp cho những người làm báo làm nghề vững vàng hơn. Ông nói: “Thời gian theo học ở khoa giúp tôi tiếp cận được với các nền văn học lớn của thế giới từ cổ điển, hiện đại đến văn học trong nước để có cái nhìn khái quát chung về tri thức của nhân loại. Sau này, khi làm báo, đọc sách, xem một bộ phim hay nghe một bản nhạc tôi có thể nhận định rõ chúng thuộc khuynh hướng gì, ra đời như thế nào. Từ đó bài viết của mình có “căn bản” và thuyết phục được bạn đọc”.

Nhắn gửi đến các thế hệ sinh viên sau này, GS Mai Cao Chương tha thiết: “Ở bất cứ thời kỳ nào, tôi vẫn luôn mong mỏi thế hệ trẻ yêu thích văn học và ngôn ngữ, cả cổ lẫn kim, đó là một bộ phận của văn hóa dân tộc, là chìa khóa đưa các em hòa chung vào dòng chảy của văn hóa nhân loại”.

Ngoài ý nghĩa họp mặt, hội khoa còn là dịp để các thế hệ sau nối gót đàn anh đi trước, nỗ lực để làm sáng hơn nữa những giá trị tinh thần đầy nhân văn mà các thế hệ từng học tập, làm việc ở khoa đã gầy dựng.

Khoa có niềm tự hào là sự thành đạt của các thế hệ sinh viên. Sự thành đạt không nên nghĩ chỉ có ở bề nổi, tôi vẫn cứ hay nghĩ đến cái mảng chìm khuất của nó. Có những người làm giáo viên những vùng sơn cước, những vùng nông thôn xa xôi, âm thầm truyền ánh sáng tri thức và đạo lý cho bao lứa học trò. Có những người suốt đời gắn bó với những tổng đội thanh niên xung phong, những trường giáo dục đặc biệt, làm một người có ích mà ít ai hay tên tuổi… Ở đâu, họ cũng là những người gieo nhân cách đẹp cho đời. Chúng tôi mong muốn đào tạo ra những thế hệ sinh viên bắt kịp được với xu hướng hiện đại lại vừa giữ gìn được bản sắc dân tộc, đồng thời dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc luôn thay đổi như hiện nay.

PGS-TS ĐOÀN LÊ GIANG - Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm