2 phương án của Bộ GD&ĐT về tốt nghiệp THPT quốc gia

Bộ GD&ĐT đã trình Chính phủ hai phương án thi THPT quốc gia: Vẫn tổ chức thi THPT quốc gia và sẽ không tổ chức thi tùy vào tình hình dịch bệnh.

Nên thi nếu học sinh trở lại trường trong tháng 5

Giám đốc Sở GD&ĐT tại một tỉnh vùng Nam Trung bộ cho rằng ông ủng hộ phương án thi THPT quốc gia nếu học sinh (HS) có thể quay lại trường vào tháng 5.

“Dù nói gì đi chăng nữa, thi cử là một trong những nguyên nhân tạo động lực học cho HS. Việc tổ chức thi THPT quốc gia ngoài xét tốt nghiệp còn là kết quả để các em xét tuyển vào các trường đại học. Nếu không tổ chức, mỗi trường đại học tổ chức mỗi kiểu sẽ khiến các em bị động” - vị này nói.

Vị này lý giải thêm, nếu các em đi học trở lại vào tháng 5 thì sẽ có nhiều thời gian để ôn tập, củng cố kiến thức, còn thời điểm tháng 6 quá cập rập. Mặt khác, sau một thời gian nghỉ học, khi quay trở lại trường, HS phải có một khoảng thời gian nhất định để bắt kịp với việc học. Hơn nữa, muốn tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phải có sự chuẩn bị của các sở GD&ĐT. Nếu như mọi năm, thời điểm này Bộ GD&ĐT đã tập huấn xong các công tác liên quan đến thi cử.

Em Huỳnh Chánh Định, HS Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM, mong kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức với điều kiện các em có thể đến trường vào tháng 5. Như thế, HS vẫn có nhiều thời gian để chuẩn bị cho kỳ thi. Hơn nữa, bộ đã công bố đề thi minh họa, đã giảm tải chương trình, sắp tới sẽ giảm môn thi nên cũng không quá áp lực.

“Việc tổ chức thi là cần thiết vì chúng em cần sự ổn định, giờ thay đổi sẽ khiến HS bị động. Hơn nữa, em vẫn cần có một kỳ thi THPT quốc gia để đánh giá lại kiến thức và năng lực của mình” - Định chia sẻ thêm.

Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THPT Bùi Thị Xuân, TP.HCM, nói: “Tôi vẫn muốn kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức. Bởi dù nghỉ học nhưng trong suốt thời gian qua HS vẫn được học trực tuyến, học trên truyền hình, chương trình cũng đã được giảm tải. Hơn nữa, ngay từ đầu các em đã xác định sẽ thi tốt nghiệp và ôn luyện theo các khối thi đại học, giờ nếu không tổ chức sẽ khiến các em hoang mang. Mặt khác, việc tổ chức kỳ thi sẽ khiến giáo viên (GV), phụ huynh cũng như HS yên tâm hơn. Bởi kỳ thi này còn liên quan đến việc tuyển sinh đại học”.

Bà Dung cho biết hiện nay việc dạy học qua Internet còn khó khăn nhưng nếu cố gắng, các trường có thể thực hiện được bằng nhiều cách khác nhau để bổ sung kiến thức cho các em. Và thời điểm này là cơ hội để GV cũng như nhà trường rèn luyện tinh thần tự học, tự nghiên cứu của HS. “Tôi nghĩ chỉ cần GV nỗ lực, nhà trường cùng chung tay, phụ huynh phối hợp thì việc học sẽ đạt hiệu quả” - bà Dung nói thêm.

Học sinh lớp 12 Trường THCS - THPT Đào Duy Anh, quận 6, TP.HCM đang ôn bài tại nhà. Ảnh: NTCC

Nên xét tốt nghiệp

Trong khi đó, nhiều người lại cho rằng nên xét tốt nghiệp trong tình hình đặc biệt như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết đến thời điểm này, HS đã không thể đến trường gần ba tháng. Việc học bị gián đoạn khá nhiều dù các trường vẫn triển khai học qua Internet, trên truyền hình. Thế nhưng thời gian còn lại không nhiều nên tổ chức một kỳ thi sẽ gây áp lực cho các em.

Hai phương án thi THPT quốc gia trình Chính phủ

Nếu dịch bệnh được kiểm soát, HS có thể đi học trước ngày 15-6, kỳ thi THPT quốc gia vẫn được tổ chức từ ngày 8 đến 11-8 và bộ sẽ xem xét giảm môn thi, giảm nhẹ yêu cầu.

Nếu dịch bệnh phức tạp hơn, Bộ GD&ĐT dự kiến không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia mà giao cho các địa phương xét tốt nghiệp THPT. Bộ sẽ xin ý kiến Chính phủ và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép để phù hợp với Luật Giáo dục.

Theo Bộ GD&ĐT 

“Do tình hình quá đặc biệt, Bộ GD&ĐT nên chủ động trong phương án xét tốt nghiệp cho HS. Phương án này khả dĩ hơn. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng phải chủ động các phương án tuyển sinh sao cho có thể đánh giá đúng năng lực của các em. Bởi nếu chỉ dùng phương pháp xét học bạ thì khó có thể lựa chọn chính xác HS có năng lực vào những trường tốp đầu” - bà Bình nói thêm.

Việc Bộ GD&ĐT lên phương án chỉ xét tốt nghiệp chứ không thi khiến em Châu Nhật Minh, HS lớp 12A4, Trường THPT Nguyễn Du, TP.HCM, thở phào nhẹ nhõm.

Nhật Minh chia sẻ năm học bị gián đoạn. Từ ra tết đến giờ, em và các bạn chưa được đến trường vì dịch bệnh. Trong thời gian nghỉ học, HS được học trên Internet cũng như qua truyền hình. “Tuy nhiên, thực tế có thể thấy việc học không hiệu quả bởi em chỉ học được một số môn nhất định. Với việc học trên truyền hình, hạn chế vì thời gian cố định nên nhiều khi em không thể theo dõi được. Mặt khác, nếu có thắc mắc về các kiến thức trong chương trình thì cũng không được giải đáp ngay. Nên nếu tổ chức thi thì ngay khi vừa quay trở lại trường, chúng em đã phải chạy đua với việc học. Như vậy sẽ rất áp lực cho cả thầy lẫn trò” - em Minh nói.

“Do đó, em mong Bộ GD&ĐT sẽ không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm nay, giao cho các địa phương xét tốt nghiệp. Còn việc xét tuyển đại học, hiện mỗi trường đã có phương án xét tuyển riêng” - Nhật Minh nói thêm.

Có cơ sở để giữ kỳ thi THPT quốc gia 2020

2 phương án của Bộ GD&ĐT về tốt nghiệp THPT quốc gia ảnh 2
Bà Trương Thị Bích Thủy

Có nhiều khó khăn trong thực hiện chương trình và tình trạng dạy và học qua Internet hiện nay, khó khăn chung và những vấn đề riêng, ai cũng vất vả để thích ứng, nhất là GV. Nhìn những nỗ lực của GV trong việc tổ chức dạy học qua Internet thời gian qua và hiện nay, tôi thấy trân trọng.

Trước sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ GD&ĐT cũng đã chuyển động, đã có những thay đổi về lịch, khung thời gian, hướng dẫn tinh giản nội dung chương trình… Tuy nhiên, cần có thêm những kịch bản thì sẽ tạo sự yên tâm hơn.

Việc vẫn giữ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 theo tôi là có cơ sở và đó là vì quyền lợi của HS. Xét về đối tượng và nhu cầu HS 12, có thể tạm phân thành hai đối tượng:

Thứ nhất, những HS đang học tập và theo đuổi mục tiêu là trải qua kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 để được tuyển vào một trường đại học tốp đầu.

Thứ hai, những HS có mục tiêu được vào một trường đại học, cao đẳng có điểm đầu vào không quá khắt khe hoặc vào một trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục chỉ xét tuyển bằng kết quả học bạ…

Ở đối tượng 1: Nếu không có kỳ thi THPT quốc gia năm nay, các trường đại học sẽ có đề án tuyển sinh mới và phải đưa ra những quy định tuyển sinh riêng. Có trường sẽ vẫn phải tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh (có thể vì không tin tưởng kết quả xét học bạ, có thể vì nếu chỉ căn cứ vào kết quả ở học bạ thì tiêu chí xét quá mờ nhạt và e rằng không chất lượng…). Còn HS sẽ phải đối diện với những điều kiện bất lợi và chịu sự thay đổi này một cách bị động. Dù có một khoảng thời gian bị đứt quãng học tập, đối tượng HS này vẫn kiên trì và tự mình học tập, ôn luyện để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia năm nay.

Vậy đồng thời với việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020, Bộ GD&ĐT chỉ đạo và triển khai thực hiện ba điều:

1. Điều chỉnh thời gian hoàn thành chương trình. Cần có phương án - kịch bản mở và động.

2. Tinh giản nội dung, chương trình học và điều chỉnh ma trận nội dung đề thi THPT quốc gia, chú trọng yếu tố phân hóa trong đề (cùng với phương án mở và động).

3. Tổ chức dạy học qua Internet, qua truyền hình.

Nếu mục 2 mà tốt thì kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ngay cả đối tượng 2 ở trên cũng trải qua kỳ thi một cách nhẹ nhàng và đảm bảo quyền lợi xét tuyển.

Nếu mục 2 mà tốt thì vấn đề của mục 3 - việc tổ chức dạy học qua Internet, qua truyền hình với những bất cập, khó khăn gặp phải vừa qua cũng sẽ được xử lý tốt đối với tất cả HS trên toàn quốc, chỉ cần có một quỹ thời gian cần thiết để hệ thống ôn tập khi HS trở lại trường đi học.

Dĩ nhiên, không thể kỳ vọng vào một sự công bằng cho tất cả, xét ở yếu tố địa lý và điều kiện phương tiện công nghệ thông tin - kỹ thuật (không nói yếu tố con người). Vậy cần quan tâm đến cơ hội của HS.

 TRƯƠNG THỊ BÍCH THỦY, Hiệu trưởng Trường THPT
Trưng Vương, TP.HCM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm