‘12.000 tỉ và 9.000 tiến sĩ’: Tránh lặp lại vết xe cũ

Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) và các trường cao đẳng (CĐ) sư phạm đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2018-2025, tầm nhìn 2030” của Bộ GD&ĐT vừa công bố thu hút sự quan tâm của dư luận, các chuyên gia lĩnh vực giáo dục.

Theo kế hoạch, tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là 12.000 tỉ đồng, bao gồm 10.200 tỉ đồng từ kinh phí còn lại của Đề án 911 và 1.800 tỉ đồng từ các cơ sở giáo dục ĐH và đối tượng thụ hưởng đề án.

Phân tích thất bại cũ để minh định

Có nhiều góc nhìn khác nhau về hai con số 12.000 tỉ đồng để đào tạo 9.000 tiến sĩ. Trong đó, có ý kiến cho rằng cần điều tra tổng thể các trường ĐH, CĐ và viện nghiên cứu cần bao nhiêu tiến sĩ trong những lĩnh vực gì, thay vì công bố hai con số trên.

PGS-TS Ngô Minh Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nêu ý kiến: “Một số trường tự chủ học thuật họ có quyền chủ động tuyển giảng viên, chuyên gia giỏi từ các nước nên không nhất thiết phải đào tạo. Còn những trường chưa tự chủ mới cần tham gia vào các chương trình đào tạo tiến sĩ theo đề án”.

Theo ông Xuân, đào tạo tiến sĩ hàn lâm chủ yếu phục vụ cho giảng dạy và nghiên cứu ở các trường ĐH, viện nghiên cứu. Riêng ngành y thiên về thực hành theo tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nhân lực ngành y theo học thạc sĩ, tiến sĩ rất ít vì các bệnh viện đi theo hệ thực hành là chính. 

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ tại Trường ĐH Luật TP.HCM được đánh giá là có chất lượng. Ảnh: P.ĐIỀN

PGS-TS Nguyễn Hội Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, nhấn mạnh Bộ GD&ĐT cần tổng kết toàn diện về Đề án 911 và công bố tóm tắt những nét chính để làm công tác truyền thông, tránh những đánh giá chưa toàn diện, còn phiến diện trong xã hội trước khi công bố đề án mới.

“Trong tương lai, ngành giáo dục và đào tạo cần quy hoạch nhu cầu từng loại trường, từng lĩnh vực, trên cơ sở tổng kết kinh nghiệm năm năm qua, có những kế hoạch, biện pháp, giải pháp toàn diện, đồng bộ, đảm bảo điều kiện hơn nữa để mục tiêu của đề án được khả thi hơn. Riêng đề án mới cần nghiên cứu bài bản hơn, tránh lặp lại những tồn tại cũ và quản lý chặt chẽ hơn” - ông Nghĩa nêu.

Cần tiến sĩ nhưng phải rà soát tổng thể nhu cầu

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết trường nằm trong hệ công lập nên được thụ hưởng chương trình đào tạo tiến sĩ theo đề án mới Bộ GD&ĐT vừa công bố và Đề án 911 trước đó.

Về hai con số nói trên, TS Dũng cho rằng so với nhu cầu thực tế và tỉ lệ tiến sĩ tại các trường ĐH trong khu vực thì 9.000 tiến sĩ là không nhiều. Chưa kể Luật Giáo dục ĐH theo hướng công nghệ thì tiến sĩ kiêm luôn việc dạy lý thuyết. Tại Việt Nam, chỉ có một số ít trường tốp trên như Trường Bách khoa Hà Nội mới có đủ tiến sĩ, còn các trường từ tốp 2 trở xuống vẫn còn thiếu khá nhiều. Đơn cử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM chỉ có 115 tiến sĩ/600 giảng viên.

Từ đây, ông Dũng lý giải thêm vì sao thời gian qua có nhiều chương trình đào tạo tiến sĩ nhưng chưa như kỳ vọng. Thực tế có ba kênh đào tạo tiến sĩ chính là đào tạo trong nước, nước ngoài và kết hợp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, đa phần những người giỏi làm tiến sĩ nước ngoài như Úc, Mỹ thường có xu hướng ở lại, lý do khi về nước các trường chưa đủ lực để mở các phòng thí nghiệm đáp ứng năng lực nghiên cứu của những người này. Minh chứng rõ ràng những công trình nghiên cứu, các bài báo quốc tế của các tiến sĩ giỏi khi về nước không được áp dụng thực tiễn. Thứ hai là chính sách lương tiến sĩ ở các nước khi ra trường đạt tối thiểu 3.000 USD/tháng, còn trong nước dao động 5-6 triệu đồng/tháng, một số trường có điều kiện mới trả 10 triệu đồng/tháng.

Ông Dũng cũng nhìn nhận: Tiền để đào tạo ngần ấy tiến sĩ là cần thiết vì đầu tư cho giáo dục là đầu tư lâu dài. Vấn đề cần quan tâm là rà soát chúng ta cần tiến sĩ trong lĩnh vực nào, thiếu thừa các ngành ra sao để có phương án đầu tư hợp lý. “Lâu nay các nguồn lực đổ vào để đào tạo tiến sĩ nhưng hậu đào tạo tiến sĩ vẫn chưa được quan tâm, đó là bố trí công việc, môi trường làm việc, chính sách lương để hút các tiến sĩ nghiên cứu nước ngoài về nước làm việc” - ông Dũng kiến nghị.

Quốc hội đồng ý tiếp tục chi tiền đào tạo tiến sĩ

Chiều 14-11, với 88,39% đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội(QH) đã thông qua nghị quyết về phân bổ ngân sách trung ương năm 2018. Theo đó, trong phần ngân sách chi năm 2018, nghị quyết tiếp tục duy trì phần chi cho giáo dục, trong đó có phần kinh phí thực hiện Đề án 911 - đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2010-2020.

Đề án 911 (được duyệt năm 2010) là đề án vạch ra lộ trình đến năm 2020 bổ sung được 23.000 tiến sĩ mới.

Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách QH Nguyễn Đức Hải đã trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến ĐBQH về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và dự thảo nghị quyết về khoản tiền chi cho Đề án 911. Ông Hải cho hay phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 mà Chính phủ báo cáo QH cũng đã bố trí kinh phí cho các đề án đào tạo của ngành giáo dục. Trong đó, Đề án 911 dựa trên chỉ tiêu đào tạo theo kế hoạch, mức chi từ nguồn ngân sách theo chế độ, tiêu chuẩn, định mức, khả năng triển khai thực tế.

“Năm 2018, mức bố trí cho Đề án 911 đã dự kiến giảm mạnh so với các năm trước nhưng vẫn phải duy trì một phần để tiếp tục đảm bảo kinh phí đào tạo các lưu học sinh đã tham gia nhập học các kỳ tuyển sinh trước đây. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các đề án nói chung của ngành giáo dục và Đề án 911 nói riêng để đảm bảo việc sử dụng kinh phí được hiệu quả, tiết kiệm” - ông Hải nói.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm