Tuổi dậy thì: Con nghiện game, con nổi loạn, phải làm sao?

“Có lần du lịch Vũng Tàu, một cô gái bán hàng rong với đủ vòng ốc tới cạnh tôi ngồi xuống. Tôi cứ nghĩ cô ấy đi bán vòng ốc nhưng không phải.

Câu đầu tiên cô ấy hỏi tôi là: “Chị có hài lòng với khu vực mình đang sinh sống không? Nếu không hài lòng em có thể giới thiệu chị sang chỗ khác, giá rẻ hơn nhiều?”. Tôi lắc đầu trả lời không cần, tôi hài lòng với nơi ở và tôi cũng đã mua trọn gói.

Tuổi dậy thì: Con nghiện game, con nổi loạn, phải làm sao? ảnh 1
Buổi giao lưu với chủ đề: Dậy thì, đáng yêu không đáng sợ. Ảnh: BÌNH NGUYỄN

Cô ấy lại hỏi tiếp: “Chị có dự định đầu tư bất động sản không ở đây không, em có thể giới thiệu cho chị?”. Tôi bảo không, tôi đi du lịch thôi.

Cô ấy cười bảo: “Thôi, em không bán được gì cho chị rồi, chị mua món quà nhỏ dùm em chị nhé!”, cô ấy chỉ tay vào những chiếc vòng ốc. Từ chối nhiều cũng ngại và thực ra đó là cô bán hàng rất vui vẻ, nhiêt tình, vòng cũng giá hợp lý nên tôi mua. Nếu ngay từ đầu, cô ấy chào bán vòng chưa chắc tôi đã mua”.

Đó là câu chuyện mà tác giả Lê Lan Anh (tác giả sách Bí quyết thương lượng cho tuổi dậy thì) đã kể lại trong chương trình Dậy thì, đáng yêu không đáng sợ. Chương trình do Công ty cổ phần Zenbooks tổ chức thuộc khuôn khổ Hội sách xuyên Việt chào mừng Ngày Sách Việt Nam 2021, nhằm giúp các bậc phụ huynh và các bạn đang trong độ tuổi dậy thì “gỡ rối” chuyện khó nói.

Xin được dùng câu chuyện trên để bắt đầu cuộc trò chuyện với tác giả Lê Lan Anh.

CON MUỐN GÌ?

. Phóng viên: Có bao giờ chị thương lượng thất bại phải dùng đến “quyền phụ huynh”?

+ Lê Lan Anh:

Thương lượng thất bại thì phải thương lượng lại. Phải dùng đến quyền phụ huynh thì còn gì là thương lượng nữa.

Tất cả cuộc thương lượng lớn với con, tôi đều phải biết con muốn gì. Nếu con không muốn như thế này thì còn muốn như thế nào? Đừng để bố mẹ phải bơi trong việc đoán suy nghĩ của con, và áp bằng suy nghĩ của bố mẹ.

Sách Thương lượng tuổi dậy thì. Ảnh: BÌNH NGUYỄN

Khi con tôi chuẩn bị thi vào cấp 3, tôi muốn con thi vào Trường THPT Lê Hồng Phong nhưng con bảo con muốn thi vào chuyên Trần Đại Nghĩa. Con nói vì con muốn được học cùng các bạn thường chơi. Tôi nói với con rằng, con cần đưa ra lý do thuyết phục hơn, nếu được mẹ sẽ đồng ý.

Bạn chỉ là người học cùng chứ không phải người quyết định tương lai của mình. Nếu bạn chuyển trường thì sao? Nếu thi vào đấy, bạn rớt con đậu thì sao hoặc ngược lại? Con suy nghĩ và quyết định sẽ thi vào trường Lê Hồng Phong và chỉ một trường chuyên này thôi, nếu không được, con sẽ đi học trường bình thường. Tôi đồng ý.

Có vài lý do đặc biệt để hỗ trợ quãng đường đi học của con sau này nên tôi đề nghị như vậy, và thuyết phục con, chứ không áp đặt. Còn nếu con bảo không, khả năng con không thể đến như thế thì tôi sẽ không ép con. Bố mẹ nào cũng chỉ mong muốn con hạnh phúc.

. Nhưng có rất nhiều phụ huynh hiện nay đang dùng lý do “vì con” để áp đặt suy nghĩ của mình lên con, thưa chị.

+ Thực ra phụ huynh sẽ nhìn ra sớm thôi. Bản năng của mỗi đứa trẻ sớm muộn sẽ làm theo điều nó muốn. Dù có vâng lời đi chăng nữa nhưng nếu thực tâm không muốn, làm sao yêu và thành công được.

Nếu các con đi ngược chọn toàn những thứ các con không có khả năng thì mẹ sẽ góp ý. Nếu con cố thử, mẹ sẽ cho con thử nhưng trong khoảng thời gian bao nhiêu đấy thôi và các con phải chịu trách nhiệm về điều đó.

ĐỪNG ĐỂ “MẤT CON”

Tuổi dậy thì, nhiều bạn nhỏ đã bắt đầu biết “cảm nắng” “thích một người”. Nhưng nhiều phụ huynh thường cấm đoán. Rơi vào trường hợp như vậy, chị sẽ làm gì?

+ Nếu con thích ai đó thì đó cũng là điều bình thường thôi nhưng quan trọng nó phát triển đến mức nào: Nếu đó là tình cảm đẹp, con trân trọng nó và con chứng minh điều đó không có gì là nguy hiểm cả thì bố mẹ không cần bật đèn đỏ.

Con tôi thích ai con vẫn chia sẻ. Không thể điều khiển hạnh phúc chỉ có thể điều chỉnh hành vi. Hiểu con là một hành trình, để xảy ra rồi mới can thiệp thô bạo là không nên.

Chương trình trong khuôn khổ Hội sách xuyên Việt, do Công ty cổ phần Zenbooks tổ chức trong. Ảnh: BÌNH NGUYỄN

Để con dám tâm sự như vậy, chắc hẳn đó là một quá trình?

+ Sẽ có lúc con không còn muốn gần gũi quá với bố mẹ. Và mình phải chấp nhận. Giữ khoảng cách với con nhưng khi con cần tôi luôn luôn có mặt.

Trước tôi làm báo, không những đi nhiều mà tôi còn làm 2-3 công việc cùng lúc. Nhưng với tôi con luôn là số 1. Có những cuộc gặp với khách hàng, không được dùng điện thoại nhưng riêng số điện thoại của con, tôi không bao giờ từ chối, tôi sẽ xin phép ra ngoài nghe.

Bây giờ còn dễ hơn trước, facebook, zalo… có rất nhiều điều kiện để hiểu con. Muốn làm sẽ có cách. Tôi chấp nhận đánh đổi, rất nhiều công việc thu nhập cao nhưng tôi từ chối. Vì tài sản lớn nhất là con.

Nhiều bố mẹ khi phát hiện ra con nghiện game nặng đã đưa con đến các trung tâm cai nghiện game, chị có đồng tình với cách làm này không?

+ Khi bố mẹ đẩy con vào tình huống phải cách ly với xã hội, với internet thì đó là biện pháp cuối cùng, thể hiện sự bất lực. Nghiện game như thế có một phần lỗi của bố mẹ. Để dỗ con, bố mẹ dí cho cái điện thoại nên khi cậu bé lớn lên 13-14 tuổi nghiện game là chuyện bình thường.

Bản thân tôi cũng có con trai mê game. Con chơi game hồi nhỏ, một thời gian sau thì suốt ngày “cắm mặt” vào game. Kinh nghiệm của tôi là điều chỉnh từ từ, thương lượng với con: Được chơi game trong hoàn cảnh nào, với điều kiện gì? Thoả thuận bằng cách yêu cầu con chứng minh. Khi con chứng minh được: chơi game là một khả năng, khả năng của con trong lĩnh vực game là hoàn toàn vượt trội thì tôi ủng hộ. Con hiện đang test game cho một công ty bên Thượng Hải.

Lê Lan Anh (bút danh: Ann Lee) là tác giả của nhiều tập tản văn ăn khách: Tuổi 40 yêu dấu, Vẫn yêu, Ăn và yêu và ăn và yêu, Chỉ cần yêu thôi là đủ

Tại chương trình, tác giả Lê Lan Anh cùng khách mời là Trần Đình Gia Hân (Hannah Trần) chia sẻ xoay quanh chủ đề “Dậy thì, đáng yêu, không đáng sợ”.

. Không chỉ riêng chuyện game, rất nhiều việc bố mẹ phát hiện ra thì đã muộn. Họ phải làm sao?

+ Không bao giờ là muộn cả. Khi nhận ra mình sai phải thay đổi, phải sửa. Quá trình nuôi con giống như một con diều, thả giây chùng quá thì không bay được, mà kéo căng thì đứt.

Phải chăm con, gần con, thực sự là bạn của con để hiểu. Còn để khi mọi việc đã xảy ra rồi can thiệp thô bạo thì đó chỉ là sự tuyệt vọng, bất lực. Nhiều trường hợp là “mất con” cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

. Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm