Tiếng đàn và tiếng súng tiễn đưa quan tham Trần Dụ Châu

Ngày 21-12, tại Hà Nội, Nhà xuất bản Văn học phối hợp với Thư viện Quốc gia Việt Nam đã tổ chức buổi giới thiệu, ra mắt cuốn sách Người công giáo cộng sản, tiểu thuyết lịch sử của tác giả Trần Việt Trung.

Tác giả Trần Việt Trung là con của Thiếu tướng Trần Tử Bình, một trong những vị tướng đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và là người đại diện Chính phủ, ngồi ghế Công cáo uỷ viên trong phiên tòa xử Trần Dụ Châu.

Nhà sử học Dương Trung Quốc tại lễ ra mắt. Ảnh VIẾT THỊNH

Người có mặt trong những sự kiện lịch sử quan trọng

Có mặt tại buổi ra mắt sách, nhà sử học Dương Trung Quốc bày tỏ, một trong những điều mà người làm sử thấy nguy hiểm nhất đó chính là lịch sử không có bóng dáng của con người, ông cho rằng mỗi một con người xuất hiện trong lịch sử đều có vị trí của nó.

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tướng Trần Tử Bình là người đã xuất hiện ở những thời điểm quan trọng nhất của lịch sử hiện đại Việt Nam, và toàn ở những sự việc, những sự kiện hay những trọng trách mà không phải ai cũng có được.

Nhắc đến phiên tòa xử Trần Dụ Châu (vụ án tham nhũng nổi tiếng những năm 50 của thế kỷ trước. Trần Dụ Châu, nguyên Giám đốc Nha Quân nhu can tội ăn cắp công quỹ làm nhiều điều bỉ ổi đã bị đưa ra trước Tòa án binh tối cao), nhà sử học Dương Trung Quốc cho hay: "Những người ngồi ghế đó (ghế Công cáo ủy viên-PV) chắc phải đau đớn lắm khi phải kết án người vốn là đồng đội của mình trong hoàn cảnh cuộc kháng chiến đang gay go và ác liệt như thế".

Ngoài ra, thiếu tướng Trần Tử Bình cũng là người lãnh đạo phong trào công nhân cao su Phú Riềng 1930, một trong những lãnh đạo cốt cán của Ủy ban Khởi nghĩa Hà Nội tại cuộc khởi nghĩa tháng 8-1945.

Sau Cách mạng tháng Tám ông được bổ nhiệm vào nhiều chức vụ của quân đội và Nhà nước như: Phó Giám đốc Chính ủy trường Võ bị Trần Quốc Tuấn, Phó Bí thư Quân Ủy Trung ương, Chính ủy trường Lục quân tại Trung Quốc, Tổng Thanh tra Quân đội kiêm Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. 

Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, tên của tác giả Trần Việt Trung cũng được cha mình đặt cho con gắn liền với thời kỳ tướng Trần Tử Bình đang làm Đại sứ tại Trung Quốc. 

Tách tư cách người con khi viết về cha, mẹ mình

Tác giả Trần Việt Trung, một người viết không có ý định trở thành nhà văn chuyên nghiệp. Vốn là một võ sư kiêm lương y và doanh nhân, Trần Việt Trung chỉ muốn mượn trang văn để giãi bày những trải nghiệm của mình với đời sống, những tâm sự dành cho gia đình, dòng họ, bạn bè, môn phái...

Chia sẻ với những người tham dự, tác giả cho rằng đã cố gắng tách ra không viết về cha mẹ, tuy nhiên ông cũng thừa nhận có những lúc ông không thoát khỏi điều đó.

Tác giả Trần Việt Trung chia sẻ với độc giả về quá trình thực hiện cuốn sách. Ảnh: VIẾT THỊNH

Tại phần giao lưu với người tham dự, tác giả Trần Việt Trung nhận được nhiều câu hỏi của độc giả, trong đó có câu hỏi về đức tin, cũng như con đường mà cha ông và bản thân đã lựa chọn.

Tác giả Trần Việt Trung nói: "Mẹ tôi nói con trai thời chiến thì đi bộ đội, bảo vệ đất nước, thời bình làm kinh tế nhưng không làm chính trị. Hôm nay tôi làm nhà quản lý, tôi học võ và làm thuốc như cha, chúng tôi vẫn đi theo con đường của cha mẹ giáo dục và sống cho đúng".

Cũng tại buổi ra mắt, chia sẻ cảm nhận của mình về cuốn tiểu thuyết, nhà văn Phạm Ngọc Tiến bày tỏ, ông rất nể nhân vật trong tiểu thuyết. Ông cho biết, bản thân rất trọng thị các vị tướng, những vị tướng ông để trọng thị không nhiều chỉ đếm trên đầu ngón tay và trong đó có Tướng Trần Bình là vị tướng mà ông trọng thị.

Người cộng sản công giáo cho tôi sự mê mẩn, quên ăn, quên ngủ, đắm mình vào giai đoạn của đất nước, đọc xong bằng cảm giác tươi mới …sách không chỉ viết về cuộc đời mà cho nhiều cuộc đời, cho thế hệ hôm nay và thế hệ trước”- nhà văn Phạm Ngọc Tiến bày tỏ.

Bìa cuốn sách. 

Tiếng đàn và tiếng súng dành cho Trần Dụ Châu

Trong sách, tác giả kể lại câu chuyện do nhân chứng kể lại: Biết Trần Dụ Châu là người mê nhạc, anh Bình bàn với đội thi hành án cho phép cử hai nhạc công vi-ô-lông kéo bản Khúc nhạc buồn của Sô-phanh khi Châu lê những bước chân cuối cùng ra trường bắn…

Châu đã từng là đồng chí, đã có những đóng góp nhất định cho công cuộc kháng chiến, nên được đưa tiễn bằng khúc nhạc đượm buồn. Châu đã phản bội lại sự nghiệp và chính mình nên cuộc đời phải kết thúc bằng viên đạn. Tiếng đàn trước, tiếng súng sau ! 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm