Lữ Mai với khúc bi tráng về người lính bảo vệ biển đảo Tổ quốc

Nhà thơ Lữ Mai vừa ra mắt tập thơ Trường ca Ngang qua bình minh với dung lượng hơn 100 trang.

Ngang qua bình minh là tác phẩm viết về biển đảo với hình tượng người thủy thủ - chiến sĩ Hải quân trên những con tàu làm nhiệm vụ canh giữ biển trời Tổ quốc. Đây được ví như “sợi dây” yêu thương kết nối đất liền với hải đảo.

Tập thơ được chia thành 8 chương: Khởi tại Điêu Lương, Linh thoại, Ảo giác, Vẽ lại bình minh, Giấc mơ trổ vào thân sóng, Chuỗi ngày sao biển, Miền trong suốt, Trở về.

Nhà thơ Lữ Mai cho biết, tập trường ca là kết quả sau chuyến công tác của chị ra Quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 năm 2019. Trước đó, trong năm 2019, tác giả đã ra mắt hai cuốn tản văn, ghi chép: Nơi đầu sóng và Mắt trùng khơi (in chung với kỹ sư Trần Thành, NXB Văn học).

Nhà thơ Lữ Mai.

Nói về tác phẩm này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: "Đây là tác phẩm thực sự mới mẻ trong cách thể hiện nhưng bi tráng và rộng lớn về một đề tài mà dễ “gục ngã” nhất vì chính nội dung của nó. Nhưng tác giả đã vượt qua cái “hố sâu” của một đề tài mà lại là đề tài rất quen thuộc. Cách triển khai trường ca của tác giả bất ngờ, ngôn ngữ đẹp, ý tưởng sâu sắc và sức gợi mở rộng".

Tiến sĩ Đỗ Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Viết văn - Báo chí (Trường Đại học Văn hóa Hà Nội), cho biết: "Ngang qua bình minhlà khúc ca bi tráng về những người lính kiên trung, bất khuất ấy ở cả chiều kích rộng lớn, hào sảng: tình yêu Tổ quốc, biển cả, tinh thần quyết tử bảo vệ chủ quyền đất nước lẫn những xúc cảm riêng tư, sâu lắng…

Nhờ đặc trưng bao quát và “ôm chứa” thể loại, bố cục này tạo cơ hội cho tác giả triển khai mạch tư tưởng, cảm xúc và hình tượng trữ tình trong sự phong phú, linh hoạt, uyển chuyển, đan xen giữa chất sử thi và thế sự, hùng ca và bi ca, giữa câu chuyện “thời sự” có tính thời điểm liên quan tới chủ quyền trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa”.

Chia sẻ về tập thơ, tác giả Lữ Mai cho biết, đây là lần đầu tiên chị viết thể loại trường ca.

Bìa tập thơ.

“Trong thời điểm toàn xã hội căng thẳng, tổn thất vì dịch bệnh COVID-19, đúng giai đoạn “sôi sục” nhất, hoang mang nhất thì tôi nhận được những cuộc gọi điện hỏi thăm tình hình đất liền từ các đồng chí bộ đội đang làm nhiệm vụ trên tàu trực và ở đảo xa”- cô nói.

Lúc đó chị mới nhận ra rằng, những người lính của chúng ta cũng đang gánh trên vai những nhiệm vụ cao cả, quan trọng, họ phải từng phút từng giờ canh giữ chủ quyền biển đảo trong mọi điều kiện hoàn cảnh.

“Tôi nghĩ rằng, lòng biết ơn và sự tri ân của chúng ta đối với những người lính không bao giờ đủ.... Viết, trước hết là cho chính chúng tôi, để thêm trân trọng, biết ơn bao thế hệ những người đã hi sinh phần hạnh phúc riêng tư cho Tổ quốc, cho nhân dân được bình yên”- tác giả Lữ Mai nói.

Trích đoạn trong Trường ca

Tổ quốc trong tim

là nhịp sinh tồn

là thịt xương máu đỏ

là gió dọc dài tuổi trẻ đời trai

là hoang dại

là kiệt cùng tận hiến

là đá san hô cất tiếng trường chinh…

ta quyết tử dẫu thân mình tan nát

sóng sẽ cồn lên dựng vạn nếp nhà

người nằm đó làng mọc lên từ đó

ở đâu có linh hồn

ở đó có quê hương

ta chối bỏ mọi cuộc trở về

nếu chỉ giản đơn là thân xác

nơi biển cả đang dềnh ngơ ngác

có gì rất sắc và sâu

rất ngọt và đau

phiêu bạt giữa trùng khơi muối mặn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm