Ký sinh trùng và một giấc mơ hoang đường, không nghèo hèn

19 năm trước, bộ phim Barking Dogs Never Bite trình làng, với phong cách hài "đen" (dark comedy) độc đáo được cho là vô cùng mới mẻ trong nền điện ảnh Hàn Quốc lúc bấy giờ. Dù bị coi là thất bại phòng vé, đồng thời nhận được vô số phản ứng trái chiều, khó ai đoán được rằng vị đạo diễn đứng sau tác phẩm này sẽ trở thành chủ nhân Cành cọ vàng danh giá tại Cannes trong tương lai, mở ra "vũ trụ điện ảnh" mang đậm phong cách riêng của chính mình. Và lịch sử đã gọi tên Bong Joon Ho. 

Parasite - Bộ phim giành giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2019 của Bong Joon Ho.

Vì sao lại là Ký sinh trùng, loại sinh vật chuyên chiếm sinh chất của loài khác để tồn tại và phát triển? Với cái tên mang đầy dụng ý, Bong Joon Ho đã tài tình đưa người xem vào thế giới riêng của mình, để chính họ là người tự giải đáp. 

Bộ phim mở đầu với góc quay hẹp, trong một căn nhà nằm dưới mặt đường tại khu ổ chuột của thủ đô Seoul hoa lệ. Gia đình ông Kim Ki-taek (Song Kang-ho) xuất hiện một cách hài hước khi cả gia đình bốn người cùng nhau câu trộm wifi từ một quán cà phê nào đó. Bố mẹ thất nghiệp, con nghỉ học vì không đóng nổi học phí, họ sống bằng nghề gấp hộp pizza. 

Vận may đến với nhà Kim khi cậu con trai vô tình trở thành gia sư cho một cô bé nhà giàu, con gái kiến trúc sư Park (Sun-kyun Lee). Lợi dung sự cả tin từ gia đình giàu có, bốn thành viên nhà ông Kim đã thành công trở thành người làm nhà Park, chính thức bước vào con đường trở thành "ký sinh trùng", để rồi tấn bi kịch vừa chỉ mới bắt đầu. 

Đây không phải là đề tài mới từ đạo diễn họ Bong, khi mà trước đây, những tác phẩm gắn mác tên ông như: Memories of Murder (2003), Mother (2009), Snowpiercer (2012) đều xoay quanh những vấn đề xã hội. Nhưng Bong Joon Ho luôn biết cách làm người xem choáng ngợp trước câu chuyện của mình. 

Hai gia đình đại diện cho hai tầng lớp đối lập trong xã hội hiện đại. Kẻ không có nổi tiền chi trả cho phí điện thoại, sống trong căn nhà hầm ọp ẹp mà thỉnh thoảng lại có một gã say xỉn tè bậy lên nhà. Người lại sống trong sự xa hoa giàu có, sẵn sàng vung tay chi trả cho mọi món hàng xa xỉ, đắt tiền. Hai cuộc đời, hai số phận song song. Và rồi dưới ống kính Bong Joon Ho, chúng hiện ra như một thông điệp sâu cay về sự phân tầng khắc nghiệt của xã hội Hàn Quốc. 

Đó là tầng hầm tối tăm, nơi che giấu bí mật kinh khủng trong căn nhà họ Park, cũng là hình ảnh đại diện cho những góc khuất sau sự tráng lệ nơi đô thị phồn hoa: những khu ổ chuột rách nát tận đáy bần cùng xã hội. Hay chi tiết mùi hương phát ra từ gia đình ông Kim, mùi quần áo cũ, mùi ẩm thấp, mùi xà bông rẻ tiền,... mùi của người nghèo. Bấy nhiêu thôi đã đủ vạch rõ bức tường phân cách hai thế giới. Là lằn ranh giới hạn mà những người như ông Kim chẳng thể nào bước qua. "Không vượt qua giới hạn", như ông Park đã nói về phẩm chất người làm. 

Xuyên suốt bộ phim, người xem liên tục bắt gặp hình ảnh những bậc thang. Bậc thang đi lên thế giới giàu có, đẹp đẽ, những nấc thang nối nhau đi xuống kéo ta trở về tận cùng của sự nghèo đói, kém hèn. Để rồi khiến người xem vỡ òa trong những cung bậc cảm xúc không tên. 

Bong Joon Ho đã xóa nhòa ranh giới của mọi thể loại điện ảnh khi tác phẩm của ông là sự kết hợp hoàn hảo giữa hài kịch đen, tâm lý xã hội, tội phạm, kinh dị. Tận dụng thế mạnh trào phúng, châm biếm, ông đã khiến Ký sinh trùng vừa đạt ngưỡng ý nghĩa, sâu cay nhưng vẫn không mang sự khô khan, giáo điều.

Ký sinh trùng, người xem được phép đồng cảm với nhân vật. Họ có thể ghét bỏ những thủ đoạn xấu xa của gia đình ông Kim, nhưng rồi không thể kìm nỗi đau đáu khi dõi theo câu chuyện gia đình cảm động trong khoảnh khắc tăm tối nhất. Những nỗi lo cơm áo gạo tiền giữa xã hội đặt nặng vật chất cũng được Bong Joon Ho khắc họa rõ nét, trần trụi và đầy ám ảnh. "Tôi sẽ tốt nếu tôi có chừng này tiền." Bà mẹ Chung Sook giang hai tay nhìn khắp căn nhà. Đúng thế, ai cũng sẽ trở thành người tốt nếu họ đều giàu có. Nhưng khi đó không còn là cuộc sống nữa. Câu nói khiến người xem vừa thương lại vừa giận cho thực tại ê chề. 

Kết thúc phim đưa người xem về nỗi ray rứt khôn nguôi. Như một vòng tuần hoàn lẩn quẩn, liệu những nhân vật sẽ vượt qua tấn bi kịch ám ảnh đã dày vò tâm hồn họ, liệu họ sẽ rời khỏi khu nhà hầm xập xệ, thoát khỏi cái nghèo dai dẳng đeo bám cuộc đời? Những dòng thông điệp nghẹn ngào giữa hai cha con ông Kim vang lên, gợi cho người xem về một tương lai mơ hồ, vô định của mảnh đời đã nghiêng đầu trước số phận; để rồi họ mơ về giấc mơ hoang đường, nơi không có sự hiện diện của nghèo hèn, rách nát.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm