Địa ngục trong tâm thức người Việt như thế nào ?

Tối 26-8, nhân dịp ra mắt bản dịch tác phẩm Các tầng địa ngục theo Phật giáo của hai tác giả người Pháp: Léon Riotor và G.Leofanti, Nhã Nam phối hợp với Viện Pháp tổ chức buổi tọa đàm Địa ngục trong tâm thức người Việt.

Tác phẩm giới thiệu đến bạn đọc những vấn đề khác nhau liên quan đến các tầng địa ngục trong triết học và văn hóa Phật giáo. Cuốn sách được dịch từ nguyên bản tiếng Pháp Les Enfers Bouddhiques: le Bouddhisme Annamite (Chamuel, Paris, 1895).

Cuốn sách được xem như một chuyến du ngoạn văn hóa, một tư liệu được ghi chép theo lối khảo tả từ góc nhìn của người phương Tây. Hai tác giả đã thực hiện các cuộc phỏng vấn với chủ thể văn hóa tại các ngôi chùa tại Việt Nam, trong đó nhiều tư liệu được lấy từ chùa Báo Ân (Hà Nội). Thời điểm đó cách đây tròn 130 năm và chùa Báo Ân vẫn còn nguyên hiện trạng.

Hình ảnh trong cuốn sách. 

Cuốn sách khái quát các loại hình phạt trong các địa ngục. Các tội trong địa ngục được kể đến gồm tội kiện cáo, cướp vợ cướp chồng, tội bất hiếu, tham lam ích kỷ, báng bổ Phật trời, điêu toa, buôn gian bán lận, giam dâm, nói dối…

Cuốn sách được chia làm 5 phần, trong đó có phần IV và phần V miêu tả trực tiếp về các hoạt cảnh này, 3 chương trước là các ghi chép, khảo tả của hai học giả người Pháp về những tầng địa ngục theo cách hiểu biết của họ. Để chuẩn bị cho chuyến đi, họ đã đọc trước các tài liệu về tôn giáo ở Đông Á, đặc biệt là các tài liệu tiếng Pháp về địa ngục trong văn hóa Ấn Độ.

Theo nhận xét của Tiến sĩ Trần Trọng Dương, cuốn Các tầng địa ngục theo Phật giáo là một lát cắt được miêu tả vào cuối thế kỷ 19, một tư liệu quý với lời văn thâm trầm và triết lý.

Chính TS Trần Trọng Dương tách mình ra khỏi cuốn sách để thực hiện một cuộc khảo cứu về địa ngục trong lịch sử văn hóa Việt Nam, cung cấp thêm góc nhìn khác – góc nhìn của người hiện đại, một vấn đề thân quen mà hết sức xa lạ này.

Địa ngục là gì? Là một câu trả lời cho mọi câu hỏi đầu tiên của mọi tôn giáo, mọi nền văn hóa khi con người đối diện với cái chết. Phật giáo cho rằng, thế giới tồn tại hai loại hình khác nhau là thực hữu và tâm cảnh.

TS Trần Trọng Dương phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh V.T

Khái niệm “địa ngục” xuất hiện từ lâu và có sự khác nhau. Một số tôn giáo cho rằng, cái chết chưa phải là dấu chấm hết, mà mở ra một thế giới mới, có thế đó là địa ngục. Con người nào cũng sẽ phải đối diện với tầng địa ngục.

Sau phần trình bày của mình, TS Trần Trọng Dương trích dẫn một câu nói mà anh rất thích, trong đó đề cập: Phật tại tâm và địa ngục cũng tại tâm. Dù có vẽ ra bao nhiêu cảnh tượng rùng rợn đi chăng nữa để trừng giới con người thì cuối cùng triết học phật giáo cũng hướng về cõi hiện tại.

“Địa ngục không ở đâu xa, địa ngục ở chính chúng ta, ở tâm của mỗi con người, Phật không ở đâu xa, phật ở chính chúng ta, ở trái tim con người”- TS Trần Trọng Dương đúc kết.

Tiến sĩ Văn học Mai Anh Tuấn thì  bình luận: Các tầng địa ngục theo Phật giáo  là sản phẩm của trí tưởng tượng, dù rất khó đưa ra kiểm chứng được nhưng xét về tổng thể, người Việt có sự tưởng tượng sinh động, đi vào đời sống thường ngày, ngay cả bây giờ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm