Phụ nữ trong phim Việt ngày càng lột xác

Điện ảnh Việt ngày càng phát triển, các nhân vật trong phim cũng được chuyển biến ngày một rõ nét hơn, hình ảnh người phụ nữ cũng không ngoại lệ.

“Ánh mắt u sầu” của người phụ nữ trong khung hình xưa

Với chế độ xã hội phong kiến hà khắc, bất công bằng, quan niệm “trọng nam khinh nữ” khiến hình ảnh người phụ nữ thời xưa được các đạo diễn khắc họa một cách kham khổ, nhẫn nhục, sống cuộc đời không vì mình…

Phim Đời cát.

Mái tóc đen dài, tay lấm chân bùn, làn da rám nắng cùng đôi mắt lúc nào cũng cụp xuống, không dám ngẩng cao đầu nhìn người đối diện… Đó là phần đa hình ảnh người phụ nữ trong phim Việt thời kỳ cũ. Tương đồng với điều đó là tính cách rụt rè, nhút nhát, “gọi dạ bảo vâng”, không dám nêu lên chính kiến của mình. Để rồi không những bị xã hội đẩy vào số phận hẩm hiu mà chính bản thân mình cũng không thể thoát ra được khỏi những điều lệ cũ kỹ ấy.

Đơn cử, ở bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10 (1984), một trong 18 phim Châu Á hay nhất mọi thời đại do CNN bình chọn, là bộ phim từng đạt nhiều giải thưởng quốc tế, đã khắc hoạ hình ảnh của cô gái tên Duyên một cách không thể đau lòng hơn. Nỗi đau mất chồng nhưng vẫn phải kìm nén để nuốt ngược nước mắt vào trong, nhẫn nhịn, không kêu ca oán thán lấy nửa lời. Để rồi “Ta để lại sau lưng những ngày dài mong đợi/ Những mất mát hy sinh, chịu đựng, khổ đau” (những câu thơ lột tả người phụ nữ trong bộ phim, bài thơ viết trên cánh diều - Đặng Nhật Minh)

Người phụ nữ trong phim Bao giờ cho đến tháng 10.

Hay hình ảnh về cô gái trong tác phẩm ăn khách Chị Tư Hậu (1962). Kể về một người phụ nữ lam lũ, chịu nhiều gian nan cực khổ. Từ việc bị cưỡng hiếp đến nỗi suýt tự tử nếu không có tiếng khóc xé lòng của đứa con thơ, cho đến việc phải một thân một mình nuôi con khi chồng hy sinh, những bất hạnh đó, những nỗi đau đó chỉ có thể vùi lấp bởi sự nhẫn nhịn, bởi ánh mắt u buồn cho qua.

Hình ảnh trong phim Đời cát.

Và rất nhiều bộ phim nói về số phận của những người phụ nữ chịu cuộc đời bất công như: Đời cát, Bến không chồng,...

Đến cuối thế kỉ XX đầu thế kỉ XXI đã có sự chuyển mình cho những nhân vật nữ trong nhiều bộ phim như: Áo lụa Hà Đông, Xích Lô, Mùi đu đủ xanh,... tuy vậy hình tượng người phụ nữ lam lũ, nhẫn nhịn, chịu đựng vẫn len lỏi đâu đó trong những thước phim.

Có thể nói người phụ nữ trong điện ảnh xưa luôn mang một nét đẹp Á Đông, dịu dàng, “công dung ngôn hạnh” nhưng phải chăng chính những nét hiền dịu đến nhẫn nhịn ấy đã nuốt chửng người phụ nữ với những hoài bão lớn lao...

Sự chuyển mình đầy bước ngoặt

Có lẽ phải đến thời gian gần đây thì hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim mới thực sự "lột xác", phụ nữ đã không còn lép vế sau đàn ông mà trở thành những người có tầm quan trọng trong xã hội. Điển hình là những cô gái xinh đẹp, giỏi giang không những có công việc ổn định mà còn là “sếp” của những chàng trai khác như Chị trợ lý của anh (2019), Bạn gái tôi là sếp (2017), Gái già lắm chiêu 1,2 (2017,2018),... Và nếu phụ nữ xưa luôn ở thế bị động thì phụ nữ ngày nay đã khác, chủ động hơn, mạnh dạn hơn như diễn viên nữ trong các bộ phim: Em chưa 18 (2017), Chàng vợ của em (2018), Vu quy đại náo (2019), Cua lại vợ bầu (2019),...

Hình ảnh trong phim Cua lại vợ bầu.

Không những người phụ nữ trong các phim Việt ngày nay đã bỏ được lớp áo yếu đuối mà còn mạnh mẽ hơn gấp nhiều lần, có thể đánh võ, bắn súng, làm những công việc của nam giới, điển hình trong những phim: Mỹ nhân kế (2013), Hương Ga (2014) và gần đây nhất là bộ phim hành động Việt Hai Phượng (2019).

Bên cạnh đó với những bộ phim tuy lấy bối cảnh xưa nhưng sản xuất trong những năm gần đây như Mẹ chồng (2017) lấy bối cảnh những năm 50, Cô Ba Sài Gòn(2017) bối cảnh những năm 60, cũng toát lên được câu chuyện nữ quyền. Nhấn mạnh tầm quan trọng của phụ nữ, không bị xã hội đàn áp mà vượt lên chính nó để khẳng định rằng phụ nữ cũng làm được những việc lớn.

Phim Mẹ chồng.

Có thể nói, điện ảnh Việt Nam đang phát triển, và sau một bộ phim, ngoài ý nghĩa giải trí thì phần nào cũng góp nên những câu chuyện văn hoá, xã hội... Và hình ảnh người phụ nữ Việt trong phim thay đổi cũng phần nào cho thấy sự biến chuyển về vai trò của người nữ trong xã hội hiện nay.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm