Google Doodle vinh danh Nkosi Johnson

Nkosi Johnson, người được Google Doodle tôn vinh hôm nay (4-2) là một đứa trẻ Nam Phi bị nhiễm HIV/AIDS. Nkosi Johnson đã tác động mạnh mẽ đến nhận thức của công chúng về đại dịch và ảnh hưởng của nó trước khi qua đời ở tuổi 12.

Hình ảnh Doodle trên trang chủ Google ngày 4-2. Ảnh: Chụp từ màn hình Google

Nkosi Johnson, tên khai sinh là Xolani Nkosi, cậu bé sinh ngày 4-2-1989 tại một thị trấn phía đông thành phố Johannesburg, mất ngày 1-6-2001 tại quê nhà.
Cậu bé không bao giờ biết cha mình. Mẹ ruột của cậu bé là Nonthlanthla Daphne Nkosi, dương tính với HIV và truyền virus cho đứa con chưa sinh của mình. Cậu bé là một trong số hơn 70.000 trẻ em bị nhiễm HIV ở Nam Phi mỗi năm.

Xolani Nkosi sinh ra đã dương tính với HIV ở Johannesburg, Nam Phi, vào ngày này năm 1989. Một nhân viên quan hệ công chúng tên là Gail Johnson đã sớm nhận nuôi Nkosi từ một trung tâm chăm sóc AIDS. Cùng nhau, Gail và Nkosi bắt đầu cuộc chiến lịch sử chống lại căn bệnh tự miễn này.

Đến lúc Nkosi đến trường, cậu bé phải đối mặt với sự phân biệt đối xử vì nhiễm trùng. Để đáp lại, người mẹ nuôi của cậu đã tổ chức các hội thảo giáo dục cộng đồng Nam Phi về AIDS và những nỗ lực của bà đã khiến Quốc hội thông qua luật pháp yêu cầu các trường phải duy trì các chính sách chống phân biệt đối xử bảo vệ trẻ em như Nkosi.

Google Doodle vinh danh Nkosi Johnson ảnh 2Không chỉ chiến đấu với bệnh tật, cậu bé còn chiến đấu để có được sự đối xử công bằng của mọi người. Ảnh: Internet

Quyết định mang tính bước ngoặt này đã khiến Nkosi phát biểu công khai về việc một đứa trẻ bị AIDS như thế nào. Khán giả trên toàn thế giới đã nghe những bài phát biểu của cậu, điều này đã giúp thay đổi quan điểm toàn cầu về những người bị ảnh hưởng bởi căn bệnh thế kỷ.

Cùng với Gail, họ đã thành lập Nkosi's Haven, một tổ chức phi chính phủ vẫn hoạt động cho đến ngày nay cung cấp một ngôi nhà an toàn và chăm sóc sức khỏe cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi AIDS.

Nkosi Johnson qua đời lúc 5 giờ 40 sáng thứ Sáu ngày 1-6-2001 khi mới 12 tuổi. Để tôn vinh sự dũng cảm của mình, tổ chức KidsRight đã tạo ra Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2005. Mỗi năm, giải thưởng là một bức tranh "Nkosi", được trao cho một người trẻ tuổi có đóng góp tiêu biểu thúc đẩy quyền trẻ em.

Sau khi cậu bé chết, Bộ trưởng Phát triển Xã hội Nam Phi Zola Skweyiya thừa nhận đóng góp của Nkosi Johnson. "Chúng tôi người Nam Phi - và tất cả những người khác trên lục địa này và trên thế giới - phải học cách thừa nhận và đối xử nhân đạo với những người kém may mắn mắc bệnh HIV/AIDS. Không có tượng đài nào chạm đến trái tim con người nào lớn hơn Nkosi Johnson. Cậu bé được yêu thương và được đón nhận" - Zola Skweyiya nói trên tờ Sunday Times.

Lễ tang của cậu bé có hàng ngàn người tham dự. "Thật xót xa khi phải từ biệt người hùng nhỏ bé đầy can đảm ấy" - Cựu Tổng thống Nelson Mandela nói với các phóng viên.

Google Doodle vinh danh Nkosi Johnson ảnh 3Người mẹ nuôi Gail Johnson và cậu bé những giây phút cuối.

Bài phát biểu khiến 10.000 đại biểu chết lặng

Trong bộ đồ vest tối màu, vận giày thể thao, cậu bé có thân hình nhỏ bé cất tiếng nói vào một ngày hè năm 2000 - một năm trước khi cậu qua đời. Câu chuyện đời của cậu đã khiến 10.000 đại biểu quốc tế chết lặng trong sự khâm phục và niềm cảm thương dâng trào nước mắt.

Hôm đó, cậu đã nói:

"Xin chào mọi người! Cháu tên là Nkosi Johnson. Năm nay cháu 11 tuổi. Cháu là một bệnh nhân AIDS, cháu bị nhiễm HIV từ khi chưa lọt lòng... Thật buồn khi chứng kiến nhiều người cũng ốm như cháu. 

Cháu biết, mẹ ruột rất yêu cháu và sẽ đến thăm cháu bất cứ khi nào bà có thể. Nhưng khi mẹ Gail nói rằng, mẹ ruột đã đi nghỉ tại Newcastle (Anh) rồi vĩnh viễn không tỉnh lại sau giấc ngủ, thế giới của cháu như sụp đổ".

Cuối bài phát biểu, cậu bé kêu gọi mọi người: "Hãy quan tâm và chấp nhận những đứa trẻ như chúng cháu, những người mắc bệnh AIDS như chúng cháu vì chúng ta đều là con người mà. Chúng cháu vẫn rất bình thường, chúng cháu có tay, có chân, có thể nói, đi lại...

Tất cả những gì chúng cháu mong muốn chỉ là được sống bình thường như bao người khác. Các vị sẽ không thể nhiễm HIV nếu chỉ chạm, ôm, hôn và nắm tay chúng cháu. Bởi vậy, đừng sợ chúng cháu và cũng đừng kỳ thị chúng cháu...".

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

'Nhanh như chớp nhí' mùa 5 quay lại sau 2 năm vắng bóng

(PLO)- Ngay sau thông báo về đợt casting, Nhanh như chớp nhí mùa 5 đã nhận được sự chờ đón nồng nhiệt từ quý khán giả, đặc biệt là từ các bậc phụ huynh có con nhỏ trong lứa tuổi tham gia chương trình.